XTĐT vào Quảng Ngãi giai đoạn 2012-2015: Ưu tiên trọng điểm, chú trọng chất lượng

01:09, 26/09/2012
.

(QNg)- Thành công lớn nhất trong công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) vào Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2011 là thu hút được các dự án công nghiệp nặng, nhất là công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, công tác XTĐT vào tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Chính vì thế, chuyển hướng XTĐT có trọng điểm, đi vào chiều sâu, khai thác tối đa hiệu quả tiềm năng, thế mạnh là định hướng mà Quảng Ngãi sẽ thực hiện trong giai đoạn 2012-2015.
 

Kỳ 1: Phát huy tối đa lợi thế so sánh



Để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp (CN), Quảng Ngãi tiếp tục xác định công tác XTĐT là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thu hút thành công nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh. Tuy nhiên, công tác XTĐT giai đoạn 2012-2015 sẽ chú trọng vào những địa bàn trọng điểm, những lĩnh vực tỉnh có lợi thế so sánh.

 



Ông Lê Văn Dũng-Phó BQL KKT Dung Quất chia sẻ "Với kinh nghiệm XTĐT trong nhiều năm qua, tôi cho rằng chúng ta cần xác định lợi thế cạnh tranh của Dung Quất nói riêng và Quảng Ngãi nói chung là cảng nước sâu Dung Quất. Những dự án đầu tư có quy mô lớn vào Dung Quất chứng tỏ điều kiện đầu tư rất phù hợp cho các ngành CN nặng, mà nhân tố để hấp dẫn các dự án CN nặng và quy mô lớn chính là cảng nước sâu. Việc Chính phủ và các tập đoàn kinh tế lớn chọn Dung Quất cho các dự án CN nặng đều xuất phát từ nhân tố tiền đề này. Đây chính là vị thế vượt trội và lợi thế cạnh tranh của KKT Dung Quất trong việc thu hút các dự án CN nặng có quy mô lớn". Thực tế đã minh chứng, chỉ trong một thời gian ngắn, KKT Dung Quất đã có những bức phá ngoạn mục về thu hút vốn đầu tư. Xác định lợi thế này, chúng ta sẽ chọn ngành nghề, đối tượng mục tiêu để thu hút đầu tư. Trong đó, chú trọng khai thác nguồn vốn đầu tư từ đối tác truyền thống, đối tác chiến lược, đồng thời tiếp cận các nhà đầu tư (NĐT) có tiềm năng.

Cảng biển nước sâu Dung Quất là lợi thế vượt trội để Quảng Ngãi đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nặng.
Cảng biển nước sâu Dung Quất là lợi thế vượt trội để Quảng Ngãi đón các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nặng.



Ông Đoàn Tấn Hận-Trưởng BQL các KCN Quảng Ngãi thừa nhận, trong giai đoạn đầu mới thành lập, số lượng dự án đầu tư vào các KCN còn hạn chế nên việc thu hút đầu tư xuất phát từ quan điểm tăng thu hút đầu tư về mặt số lượng, chưa quan tâm đến chất lượng của từng lĩnh vực hay quy mô của dự án. Còn giai đoạn hiện nay, chúng ta phải phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng hiện có. Việc thu hút đầu tư sẽ quan tâm đến chất lượng dự án, ưu tiên những lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, đặc biệt chú trọng thu hút dự án thuộc lĩnh vực sản xuất tư liệu sản xuất nhằm thay thế sản phẩm nhập khẩu, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo nền tảng phát triển công nghiệp phụ trợ.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn đầu phát triển của KKT và các KCN tỉnh, do các vấn đề về pháp lý và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên việc thu hút các NĐT từ Mỹ và Châu Âu là rất khó khăn, vì các NĐT khu vực này rất "kén" điều kiện đầu tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp từ Châu Âu và Mỹ có trình độ tự động hóa cao, sử dụng lao động trình độ cao nên thường đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản cao cấp, tài chính-ngân hàng, dịch vụ cao cấp, bảo hiểm, khai thác dầu khí... chỉ phù hợp với các đô thị lớn, các trung tâm kinh tế lớn.

Do vậy, đối với đối tác chiến lược, Quảng Ngãi tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực lọc-hóa dầu, khí hóa lỏng; đồng thời tăng cường thu hút vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân. Đối với đầu tư nước ngoài, tỉnh đã xác định Hàn Quốc là đối tác truyền thống, có thể phát triển các cụm CN dành cho NĐT Hàn Quốc; Singapore là đối tác chiến lược, do đó cần tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án của Tập đoàn Sembcorp làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, tiếp tục kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các NĐT tiềm năng như Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Đông...

Song vấn đề là, để thu hút dòng vốn đầu tư từ khu vực này, cần tập trung xúc tiến qua các đầu mối, cầu nối mà thực tế đã chứng minh có hiệu quả. “Các cầu nối tỏ ra có hiệu quả trước hết là các doanh nghiệp đã đầu tư tại KKT Dung Quất hoặc các khu vực khác, là bộ phận tiếp thị đầu tư tại các công ty đầu tư-kinh doanh KCN có uy tín", ông Lê Văn Dũng đề xuất. Trưởng BQL các KCN tỉnh Đoàn Tấn Hận cũng đồng ý với quan điểm này. Ông Hận quả quyết, chúng ta cần thay đổi phương thức XTĐT, không tổ chức đầu tư theo phương thức tổ chức hội thảo vì không hiệu quả, chi phí cao lại không chọn lọc được NĐT ngay từ đầu. Thay vào đó sử dụng các doanh nghiệp đã đầu tư vào các KCN để vận động các NĐT có ý định cùng đầu tư vào KCN. Đây là giải pháp khả thi và có ý nghĩa xuyên suốt quá trình đầu tư, phát triển các KCN.

Phó Giám đốc Trung tâm XTĐT miền Trung Lê Minh Dương thì gợi mở thêm, việc VSIP đầu tư vào Quảng Ngãi là tín hiệu vui cho tỉnh bởi NĐT Singapore rất kỹ tính trong việc chọn địa điểm đầu tư. Do vậy, ngoài việc hút vốn từ NĐT vào cùng VSIP, nếu Quảng Ngãi kết nối được với các chuyên gia XTĐT của VSIP thì Quảng Ngãi sẽ có thêm một kênh XTĐT hiệu quả.


    Hoàng Triều
(còn tiếp)
 


.