HTX nấm đầu tiên ở Quảng Ngãi

01:09, 20/09/2012
.

(QNg)- Hợp tác xã (HTX) nấm Đức Nhuận (Mộ Đức), hoạt động vào tháng 6/2011 và không chỉ trồng được nấm sọ khỉ, nấm bào ngư, mà còn trồng được loài nấm quý là nấm linh chi hấp dẫn biết bao người.  
 

TIN LIÊN QUAN


Mùa thu. Tiết trời ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại nấm phát triển. Trong các gian phòng cấy phôi nấm ở Hợp tác xã nấm Đức Nhuận, các loại nấm đã nở với các màu trắng, vàng, nâu giăng kín. Anh Lê Giang Phong nói: "Đợt nấm này rơi vào mùa thu nên phát triển mạnh, đều. Nhất là loại nấm linh chi có giá trị gấp 10 lần các loại nấm khác nên anh em ai cũng mừng. Mình làm chủ nhiệm cũng vui lây".

"Phôi" của HTX nấm

Nấm linh chi khó trồng ở xứ nóng. Nhưng nấm có tác dụng cải thiện các tế bào của cơ thể người mắc bệnh hiểm nghèo. Anh Phong từng mắc bệnh máu nhiễm mỡ. Nhờ loại nấm này mà căn bệnh của anh đã được thuyên giảm. Để tiếp tục chữa bệnh anh đã tìm tòi, học hỏi và làm thí nghiệm để trồng nấm linh chi. Anh Phong kể: "Ngày đầu làm nấm vất vả lắm. Chưa có cơ sở, chưa có kinh nghiệm... lại làm theo phương pháp thủ công nên hư hỏng nhiều. Nhưng, vì căn bệnh của chính mình nên cố gắng mãi rồi cũng thành công". Khi căn bệnh của anh Phong được đẩy lùi nhờ nấm linh chi thì cũng là lúc thị trường ưa chuộng loại nấm này.

 Nấm linh chi đã nở rộ cho mùa thu hoạch).
Nấm linh chi đã nở rộ cho mùa thu hoạch).


Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ cho anh hệ thống máy làm nấm với công suất nhỏ, mang tính trang trại gia đình. Hội Nông dân tỉnh mời anh đi tập huấn cách trồng nấm ở nhiều nơi. Anh nghĩ làm cho mình là dễ rồi, nhưng bà con trong xóm có người nghèo quá, có người mơ có công ăn việc làm ổn định nhưng tìm mãi không ra. Chính vì thế, anh Phong đã đề xuất với chính quyền địa phương, với huyện để thành lập HTX. Thế là lần đầu tiên ở Quảng Ngãi có HTX sản xuất nấm ra đời mà "linh hồn" - cái "phôi" của HTX chính là nấm linh chi.

Nghe hợp tác xã nấm hình thành, Sở Khoa học  và Công nghệ tỉnh đã cử người vào xem rồi đi đến hỗ trợ thiết bị sản xuất nấm theo hướng công nghiệp cho HTX. Thiết bị sản xuất gồm: Máy cấy giống, tủ bảo ôn (nhiệt độ), máy điều hòa, máy lạnh đo độ ẩm; thiết bị máy sàng nguyên liệu làm phôi nấm; dây chuyền sản xuất bịch phôi nấm và trại ươm... Tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng.

"Lần đầu tiên làm chủ nhiệm HTX với tính chất hoạt động theo tổ chức, nên mình rối bù về nhiều thứ. Nào lo làm thủ tục, lo  phương thức hoạt động của HTX, lo tìm mặt bằng để sản xuất rồi lo tìm kiếm thị trường tiêu thụ..." - Anh Phong kể.

Thế rồi, cứ từng bước gỡ rối, đến tháng 3/2011 hệ thống làm nấm chạy thử nghiệm. Đến tháng 6/2011, HTX sản xuất nấm chính thức đi vào hoạt động. Giờ đây, đứng trước cơ sở sản xuất nấm của HTX nấm Đức Nhuận thấy thật bề thế. Anh Phong tiết lộ: "Đã bán được vài tạ rồi. Mỗi kg nấm linh chi bán được 800.000 đồng, so với thị trường là thấp nhưng tính cũng có lãi. Ngoài trồng nấm linh chi, trong thời gian đến HTX sẽ sản xuất nấm bào ngư và các loại nấm khác để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, đã có một số công ty, siêu thị ở Sài Gòn và Hà Nội đặt mua nấm của HTX Đức Nhuận...".

Điểm tựa của lao động nghèo

Ông Phạm Ngọc Lân - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, cho biết: Hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận đi vào hoạt động không chỉ giải quyết nguồn lao động ở địa phương mà còn giải quyết nguồn lao động ở các lò gạch. Theo quyết định của Chính phủ, các lò gạch thủ công đóng trên địa bàn xã Đức Nhuận phải ngưng hoạt động trong tháng 12 năm nay. Và như thế trên địa bàn Đức Nhuận có khoảng 500 lao động  sẽ mất việc làm. Để giải quyết nguồn lao động này, huyện đã có định hướng mở rộng HTX sản xuất kinh doanh nấm Đức Nhuận.

Trao đổi điều này với ông Lê Giang Phong - Chủ nhiệm HTX sản xuất kinh doanh nấm Đức Nhuận, ông cho biết: Thực hiện chủ trương đó, HTX phấn đấu đảm nhiệm công việc huyện giao. Tuy nhiên, theo thiết bị sản xuất nấm của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cung cấp thì năng suất thiết kế một ngày phải có khoảng 5 tấn nguyên liệu, để sản xuất thành 5000 phôi nấm.

Sau thời gian chăm bón sẽ cho khoảng 1,5 tạ nấm khô. Tuy nhiên hiện nay, máy chưa chạy đến 1/5 công suất, bởi nhiều nguyên nhân, mà khó khăn nhất là mặt bằng sản xuất. Với mặt bằng sản xuất hiện nay chỉ trên nền đất 1.000m2  thì không có nơi để chứa những bịch ni lông đã cấy phôi nấm. Do vậy, HTX mong muốn các cấp, ngành sớm giải quyết mặt bằng sản xuất để HTX đi vào hoạt động ổn định giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Mang nỗi lo của anh Phong, chúng tôi trao đổi với lãnh đạo huyện Mộ Đức, ông Phạm Ngọc Lân - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện sẽ làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ để xem xét về khả năng hoạt động hiệu quả của thiết bị máy móc sản xuất nấm. Rồi sẽ bố trí thêm đất cho HTX mở rộng diện tích; hoặc sẽ đưa vào Khu công nghiệp của huyện sản xuất.

HTX sản xuất kinh doanh nấm xã Đức Nhuận đi vào hoạt động ổn định không chỉ giải quyết nguồn lao động dôi dư ở địa phương mà còn góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn theo chủ trương xây dựng nông thôn mới hiện nay. Các cấp chính quyền, ngành chức năng cần quan tâm, tạo điều kiện để HTX nấm mở rộng mặt bằng, sản xuất có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nấm của thị trường và tạo thêm việc làm ổn định cho lao động trong vùng.      


                Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.