Tăng cường chăm sóc lúa hè thu

08:08, 08/08/2012
.

(QNĐT)- Đến thời điểm này, phần lớn diện tích lúa mùa trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn đòng, trổ. Đây là thời điểm quan trọng trong chu kỳ sản xuất, góp phần không nhỏ đến năng suất, chất lượng lúa. Tuy nhiên, hiện nay chuột đang cắn phá cùng với các đối tượng như: rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ; bệnh khô vằn, chết cây đang xuất hiện và gây hại.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (CCBVTV), hiện toàn tỉnh có hơn 1.820 ha lúa mùa bị chuột cắn phá và nhiễm bệnh. Cục bộ tại Sơn Tịnh, đã có 143 ha lúa bị chuột cắn phá, 303 ha nhiễm rầy, hơn 262 ha bị khô vằn, 93 ha bị sâu cuốn lá nhỏ. Tập trung chủ yếu ở các xã: Tịnh Hà, Tịnh Minh, Tịnh Ấn Đông, Tịnh Phong, Tịnh Khê, Tịnh Hòa. Đặc biệt, 127 ha lúa bị chết cây trên những chân ruộng đất bị chua phèn.
 
Trước tình hình trên, vừa qua, Trạm BVTV huyện Sơn Tịnh đã phối hợp với Chi cục BVTV tỉnh và Phòng Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh tổ chức 20 lớp tập huấn ở 20 xã trong huyện về các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. 
 
Trạm cũng đã và đang tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng bã diệt chuột sinh học thay thế các phương pháp diệt chuột thông thường để diệt chuột, làm giảm khả năng phát sinh, phát triển của chuột, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

 

aa
Sản phẩm bã diệt chuột sinh học do Viện BVTV cung cấp được khuyến khích sử dụng để thay thế các phương pháp diệt chuột thông thường.
 
Ông Trương Đấu- Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Sơn Tịnh cho biết, bã diệt chuột sinh học do Viện BVTV cung cấp có tác dụng diệt chuột khá hiệu quả, sản phẩm an toàn với người, động vật và môi trường. Qua khảo sát, Trạm ghi nhận chuột hạn chế rõ rệt, tỷ lệ lúa bị chuột gây hại không tăng.
 
Sản phẩm dùng được trong trại chăn nuôi, trong nhà. Chỉ với 11 nghìn đồng bà con có thể sử dụng trên diện tích từ 2-3 sào. Chuột ăn bã sau 3-5 ngày phát bệnh và chết. Bà con chia bã làm nhiều mô nhỏ, mỗi mô khoảng 5-10g, đặt cách nhau từ 3-5m, nơi chuột hay qua lại tìm thức ăn. Loại bã này bà con nên đánh bã vào lúc chiều mát, tránh mưa, tránh nắng
 
Hiện UBND xã Tịnh Khê đã trích kinh phí mua 1,5 tạ bã diệt chuột sinh học phát cho bà con nông dân sử dụng. Nhờ vậy, diện tích lúa bị chuột cắn phá tại địa phương được hạn chế rõ rệt.
 
Trong điều kiện thời tiết nền nhiệt độ cao và thường xuyên có các trận mưa rào xen kẽ sẽ là điều kiện thuận lợi để rầy tiếp tục gây hại; sâu đục thân, bướm 2 chấm xuất hiện gây hại nặng làm giảm năng suất của cây lúa.
 
Vì vậy, các địa phương tập trung chỉ đạo bà con chăm sóc lúa, những diện tích lúa bị hạn bằng mọi biện pháp khắc phục, đảm bảo đủ nước cho cây lúa giai đoạn làm đòng, trỗ bông vào chắc. Những diện tích lúa chuẩn bị phân hóa đòng, bón bổ sung dinh dưỡng cho những diện tích lúa sinh trưởng phát triển kém. 
 
Đồng thời, các đơn vị chuyên môn tăng cường hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên thăm đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại lúa.
 
aaa
Theo dự báo,  những ngày tới, rầy tiếp tục gây hại; sâu đục thân, bướm 2 chấm xuất hiện gây hại nặng làm giảm năng suất của cây lúa. Vì vậy, bà con nông dân cần tập trung chăm sóc lúa, thường xuyên thăm đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại lúa.
 
Với rầy nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng cháy rầy. Do đó, ngành BVTV đề nghị cán bộ nông nghiệp các địa phương cần bám sát đồng ruộng và hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các loại thuốc như Oncl 20 EC hoặc Mapgo 150 EM hoặc các loại thuốc trừ rầy khác để phun, tránh phát triển thành dịch.
 
Nếu phát hiện sâu đục thân, bướm 2 chấm làm ổ, bà con dùng một trong các loại thuốc: NurelD 25/2.5 EC, Map Permethri 50 EC để phun lần thứ nhất khi lúa xé đóng trổ (5%) và tiếp tục phun lần thứ hai khi lúa trổ 50%.
 
Riêng với bệnh chết cây lúa, bà con cần tháo hết nước trong ruộng. Sau đó dùng các loại thuốc đặt hiệu như: Carbenda Super50 SC hoặc Vixazol 275 SC hoặc Unique 750 WP để phun. 1 ngày sau khi phun thuốc, bà con mới thả nước lại vào trong ruộng.
 
 
Ái Kiều
 
 

.