Khuyến nông viên cơ sở "thiếu" đủ bề

04:06, 04/06/2012
.

(QNg)- Việc nhiều, áp lực cao và chế độ thấp là những gì mà khuyến nông viên cơ sở (KNV) ở các huyện miền núi đang gặp phải. Dẫu thế nhưng ngày ngày, họ vẫn miệt mài bên ruộng lúa, rẫy mì để chỉ cho bà con cách bón phân, cày dầm cuốc ải hay đơn giản là "thấy tận mắt, sờ tận tay, trị tận gốc" những con sâu bệnh gây hại rau màu.

Trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật nhằm thay đổi thói quen canh tác của người dân, nhưng hầu hết KNV chỉ được trang bị công tác khuyến nông trên… lý thuyết. Còn thực tế thì nhiều KNV đã bị "bí" khi bà con nhờ chỉ quy trình trồng cỏ hay cách phối trộn các loại phân để bón cho cây lúa theo từng giai đoạn.

Trăm dâu đổ đầu… KNV

Giữa trưa hè nắng gắt, nhưng anh Đinh Văn Lâm, KNV xã Sơn Thành (Sơn Hà) vẫn còn ở ngoài đồng để giải thích và hướng dẫn bà con cách cày dầm cuốc ải cho ruộng. Đã thế, khi đang lui cui "làm mẫu" các thao tác bón lót phân chuồng, anh Lâm bỗng giật mình bởi tiếng la inh ỏi của chủ ruộng. Vừa la, ông Đinh Văn Lý ở thôn Gò Gạo, xã Sơn Thành vừa lao tới, hì hục đắp lại bờ để giữ nước. Dù anh Lâm nói khản cả giọng rằng nếu để ruộng nước quá nhiều, giống gieo xuống sẽ bị chết chứ không phát triển được, nhưng ông Lý vẫn khăng khăng cho rằng: "Từ trước đến nay, tao toàn làm thế nhưng lúa vẫn sống đó thôi". Biết chẳng thể thay đổi được ông già khó tính này, anh Lâm quay sang trần tình với tôi: "Do nắng nóng, bà con sợ ruộng khô nên một số người… để dành nước bằng cách dẫn thật nhiều vào ruộng! Mình nói, họ bỏ ngoài tai. Thậm chí khi giống bị thối, mạ con bị úng thì họ bảo là… do trời hoặc giống dỏm!".

Khuyến nông viên xã Sơn Thành (Sơn Hà) Đinh Văn Lâm (bên trái) hướng dẫn nông dân cách phát hiện và điều trị sâu bệnh cho cây mía theo… kinh nghiệm của bản thân.
Khuyến nông viên xã Sơn Thành (Sơn Hà) Đinh Văn Lâm (bên trái) hướng dẫn nông dân cách phát hiện và điều trị sâu bệnh cho cây mía theo… kinh nghiệm của bản thân.


Còn anh Đinh Công Thơ, KNV xã Thanh An (Minh Long) thì từ khi bắt đầu kết thúc vụ lúa đông xuân, chẳng hôm nào anh có mặt ở nhà trừ… lúc ngủ! Bởi lẽ, để đảm bảo vụ hè thu xuống giống đúng lịch thời vụ, ngày ngày anh cùng chiếc xe cà tàng đến từng nhà để dặn bà con không được lấy lúa giống xay gạo, nhất là không được sạ sớm. Điều này cũng dễ hiểu vì Thanh An là một trong những xã có truyền thống "xé" lịch thời vụ trong những năm qua. "Khổ lắm, mình nói thì họ bảo rảnh lúc nào sạ lúc đó. Chứ đợi đến ngày cho phép thì… làm đất không kịp", anh Thơ nói như than.

 

Cũng theo anh Thơ thì đồng bào dân tộc thiểu số có những thói quen sinh hoạt, tập quán canh tác không dễ thay đổi được trong ngày một ngày hai. Điển hình như việc vận động và hướng dẫn bà con cày dầm cuốc ải để triệt tiêu mầm bệnh, tăng độ phì cho đất nhưng mãi cũng chẳng ai chịu làm theo. "Lý do họ đưa ra rất "cùn", nào là do đất cứng, cày bừa mất thời gian. Thậm chí có người còn bảo ruộng họ tốt lắm, chưa bao giờ bị sâu bệnh nên không cần… triệt, dù lúa thu về có đến 2/3 là lép", anh Thơ lắc đầu ngán ngẩm.

Mong được "bồi" thêm chuyên môn

Theo các KNV, khó khăn trong việc thay đổi hành vi sản xuất của người dân chỉ là một chuyện, cái chính là vì chuyên môn yếu nên lắm lúc các anh bị chính nông dân bắt bẻ. Nguyên nhân là hầu hết các KNV đều làm "tay ngang", chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nắm bắt và trình diễn các mô hình sản xuất. Thậm chí rất nhiều KNV lúng túng và "bí" khi bà con hỏi về tác dụng và cách trồng các loại cỏ, liều lượng và tỷ lệ từng loại phân bón cho lúa, mía ở mỗi giai đoạn hay làm thế nào để phát hiện trâu, bò bị bệnh lở mồm long móng… "Những thứ ấy mình cũng chỉ nghe... thầy nói, chứ chưa được ai hướng dẫn hay trực tiếp làm nên… chịu", KNV Đinh Văn Lâm thừa nhận. Anh Lâm cũng cho rằng: Trở thành KNV sau… 3 tháng tập huấn, nhưng từ đó đến nay đã hơn 2 năm rồi, anh vẫn chưa có cơ hội "cập nhật" thêm về kiến thức chuyên môn. Thế nên ngay cả bản thân anh cũng tù mù về các loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa, mía hay cách chăm sóc trâu, bò để "tránh" dịch bệnh thì nói gì đến việc hướng dẫn cho người dân.

Còn KNV Đinh Công Thơ thì may mắn hơn vì anh vốn là một bác sĩ thú y trước khi trở thành KNV của xã Thanh An (Minh Long). Dù vậy tuy được tiếng "mát tay" chữa bệnh cho trâu, bò, gà, vịt nhưng anh lại khốn khổ mỗi khi người dân mang cây lúa, mì đến hỏi bệnh! "Thú thật là những gì liên quan đến cây trồng là tôi… mù tịt. Nhiều lúc bà con hỏi bí quá, tôi phải viện cớ đi tiêm thuốc cho heo để… tránh", anh Thơ thật thà cho hay. Thế nên, để không còn cảnh "trốn chạy" người dân, những khuyến nông viên như anh Thơ, anh Lâm rất mong muốn được bồi dưỡng thêm kiến thức và kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi nhằm thực hiện tốt hơn vai trò KNV của mình.

Không chỉ "hụt" chuyên môn, mà các KNV ở các xã miền núi cũng gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi vì chế độ hỗ trợ thấp. "945.000 đồng/tháng cũng chỉ đủ chi phí tiền xăng, ăn uống do đường xá đi lại xa và khó khăn. Nhiều lúc hết tiền, phải vay của vợ nữa. Đã thế, mọi việc trong nhà mình "khoán trắng" cho vợ con vì cả ngày ở trên rừng, dưới ruộng cùng bà con mà", KNV Đinh Văn Lâm bộc bạch.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.