Giải pháp nào cứu các doanh nghiệp hiện nay?
Kỳ 2: Nghị quyết 13 "tiếp sức" cho doanh nghiệp

07:06, 12/06/2012
.

TIN LIÊN QUAN

(QNĐT)- Nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Nghị quyết 13 của Chính phủ đã ra đời với nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Hiện nay, ở Quảng Ngãi có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số hơn 800 doanh nghiệp phá sản trong 5 tháng đầu năm 2012 thì hầu hết tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất dễ bị tác động mạnh bởi khủng hoảng kinh tế, chính vì vậy Nghị quyết 13 được xem như là "áo phao" giúp những doanh nghiệp này trước khi bị chìm. Tuy nhiên, muốn tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay các doanh nghiệp trước hết phải tự tìm cách vượt qua khó khăn, tự cứu bản thân của mình trước.

 

Từ việc miễn giảm, gia hạn thuế...


Để cứu doanh nghiệp Chính phủ đã cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2012 đối với 2 nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Chính phủ cũng đồng ý gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước đối với một số đối tượng doanh nghiệp.

Đồng thời giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất mà năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất theo quy định. Bên cạnh đó, gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính.

Có thể nói, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn thì việc gia hạn, giãn nộp thuế trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết.

 

Việc miễm, gia hạn thuế sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.
Việc miễn giảm, gia hạn thuế kịp thời sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.


Ông Phạm Quang Xuân- Giám đốc Công ty TNHH Kim Sơn, chuyên sản xuất hàng nông lâm sản xuất khẩu cho biết, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về nguồn vốn sản xuất kinh doanh, thì việc  Chính phủ kịp thời đưa ra giải pháp giảm thuế cũng chính là cứu nguy cho doanh nghiệp.

Việc gia hạn và giảm thu thuế trong lúc này là điều cần thiết để giúp doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả thu thuế năm 2012 của tỉnh. Tuy nhiên, hiện ngành Thuế cũng đang triển khai thực hiện một cách nghiêm túc nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo ông Nguyễn Tấn Kiệm- Phó cục trưởng Cục thuế Quảng Ngãi thì sau khi có chủ trương của Chính phủ, ngành thuế tỉnh đã nhanh chóng triển khai thực hiện một cách nghiêm túc để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.


Tuy nhiên, theo ông Kiệm thì việc gia hạn và giảm thuế này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả thu, ngược lại sẽ giúp để ổn định nguồn thu, bởi nếu doanh nghiệp phá sản thì đồng nghĩa với nguồn thu trong những năm tới cũng sẽ giảm. "Hiện Cục thuế Quảng Ngãi đang chuẩn bị tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp để hướng dẫn cho các doanh nghiệp được hưởng các chính sách theo NQ 13 của Chính phủ"- Ông Kiệm nói.


... đến việc các ngân hàng vào cuộc để cứu doanh nghiệp

Ai cũng biết, việc hàng loạt doanh nghiệp phá sản và trên đà phá sản thời gian qua, nguyên nhân chính là do sản xuất đình trệ, trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp quá phụ thuộc vào các ngân hàng. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp do không tiếp tục tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng hoặc tiếp cận với lãi suất cao khiến sản xuất không đủ để trả lãi.

Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ các khách hàng đang có khó khăn trong hoạt động.

 

Nhiều Ngân hàng tích cực hỗ trợ giúp các doanh nghiệp.
Nhiều Ngân hàng tích cực hỗ trợ giúp các doanh nghiệp. ( Trong ảnh: thông báo 60 ngày tiếp sức doanh nghiệp của LienViet Post Bank)


Ông Nguyễn Văn Đông- Giám đốc  Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư (BIDV) chi nhánh Quảng Ngãi cho biết: BIDV đang triển khai gói 3.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Gỗ - Lâm sản ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho người lao động, rồi gói 4.000 tỷ đồng cho vay mua nhà…

Bên cạnh đó, BIDV cũng sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay không có khả năng trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn.

BIDV thực hiện miễn giảm lãi đối với các khách hàng có thiện chí trả nợ, thực hiện không thu phí trả nợ trước hạn, phí cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hỗ trợ các doanh nghiệp cơ cấu tài chính nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối vốn, nâng cao năng lực hoạt động, cải thiện năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; bên cạnh đó BIDV còn hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp…

Để tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ tính từ đầu năm đến nay, BIDV đã 4 lần điều chỉnh lãi suất cho vay và huy động vốn. Hiện BIDV thông báo cho áp dụng lãi suất 12% một năm với 4 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, lãi suất cho vay cao nhất BIDV áp dụng là 12% một năm.

Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Liên Việt chi nhánh Quảng Ngãi, ngân hàng đã triển khai chương trình "60 ngày tiếp sức doanh nghiệp" Theo đó, khách hàng doanh nghiệp phát sinh hợp đồng vay trong thời điểm này sẽ được áp dụng lãi suất hấp dẫn. Ngoài ra, đối với dịch vụ Ủy thác thanh toán lương, dịch vụ thu hộ tiền điện... khách hàng còn được tặng tiền mặt vào tài khoản khi khách hàng đăng ký sử dụng.

Hiện các ngân hàng đã công bố nhiều gói sản phẩm với lãi suất ưu đãi, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi huy động về 9% và cho vay về 12% một năm vào ngày 11/6. Hiện lãi suất cho vay đối với 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên cao nhất theo quy định là 14% một năm, tuy nhiên tùy theo mức độ tín nhiệm của từng doanh nghiệp đối với ngân hàng, nhiều ngân hàng chỉ áp dụng cho khách hàng với lãi suất thấp hơn 13%/năm. So với trước, lãi suất đã giảm xuống khoảng 4-8%/năm nên dễ thở hơn cho các doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh.

Theo nhiều ngân hàng thì hiện nay nguồn vốn hiện có của các ngân hàng khá nhiều. Tuy nhiên việc doanh nghiệp có được vay vốn hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tín nhiệm của ngân hàng đối với doanh nghiệp. Điều khoản mà các ngân hàng đặt ra cho doanh nghiệp trong thời điểm này là khá nhiều để giảm tỷ lệ nợ xấu. Do đó nếu ngân hàng không nới lỏng các điều kiện cho vay, thì chắc chắn rằng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay, trong khi ngân hàng thừa nguồn vốn.

Một thực tế cho thấy nữa là, thời gian qua, phần lớn các doanh nghiệp phải giải thể, phá sản phần lớn là những doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động dựa trên vốn ngân hàng, đường lối kinh doanh chưa rõ ràng. Chính vì vậy, việc Chính phủ ban hành NQ 13 với nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp chứ không phải cứu trợ hay kích cầu, điều quan trọng nhất trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay là các doanh nghiệp trước hết phải tự tìm cách vượt qua khó khăn, tự cứu mình trước.

 

M.Toàn



 

 


.