Thương phận nông dân- Kỳ 1: Nhọc nhằn nông sản

09:02, 23/02/2012
.

(QNĐT)- Sau tết, giá sắn củ (khoai mỳ) chỉ bằng một nửa so với cùng thời điểm năm trước, mía cây cũng đang rớt giá, khiến cho cuộc sống của người nông dân ở Đức Phổ gặp nhiều khó khăn. Việc tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản luôn là vấn đề làm “đau đầu” các cấp, ngành chức năng và người nông dân.

TIN LIÊN QUAN

 

Nhọc nhằn nông sản

Thông tin nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất vừa cho ra dòng sản phẩm đầu tiên đã được nhiều nông dân Đức Phổ hồ hởi đón nhận với hy vọng sắn củ (khoai mỳ) được thu mua ở mức giá cao. Tuy nhiên, hiện nhiều nông dân phải “đắng lòng” bán sắn với giá chỉ bằng một nửa so với cùng thời điểm năm 2011. Bên cạnh đó, giá mía cây lại xuống thấp so với năm trước làm cho người dân phải “than trời khóc mía”.

 


* “Đắng lòng” vì sắn


Với hơn 1ha đất gom mượn từ những người thân và bạn bè, anh Phan Long Mươi ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường đầu tư hơn 31 triệu đồng trồng sắn. Nhìn những thửa sắn lên xanh mướt, vợ chồng anh nhẩm tính sẽ kiếm được khoản tiền kha khá để lo chi phí cho người con đầu thi vào đại học trong kỳ thi sắp đến. Nhưng đến kỳ thu hoạch thì anh phải “đắng lòng” bán với giá 1.200 đồng/kg, chỉ bằng phân nửa so với cùng thời điểm năm trước.

Nhọc nhằn nông sản   Thông tin nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất vừa cho ra dòng sản phẩm đầu tiên đã được nhiều nông dân Đức Phổ hồ hởi đón nhận với hy vọng sắn củ (khoai mỳ) được thu mua ở mức giá cao. Tuy nhiên, hiện nhiều nông dân phải “đắng lòng” bán sắn với giá chỉ bằng một nửa so với cùng thời điểm năm 2011. Bên cạnh đó, giá mía cây lại xuống thấp so với năm trước làm cho người dân phải “than trời khóc mía”.
Chất sắn lên xe để chuyển đi tiêu thụ


Sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh kiếm được khoảng 7 triệu đồng, chưa kể hơn 200 ngày công của cả gia đình phải “bán mặt cho sắn bán lưng cho trời”. “Tui nhẩm tính dù có hạ gì đi chăng nữa thì mỗi ký lô gam vẫn giữ được mức giá 2.000 đồng chứ đâu ngờ lại rớt giá thê thảm như vậy” – anh xót xa.

Do giá sắn vào thời điểm đầu năm 2011 ở mức từ 2.400 – 2.600 đồng/kg nên anh Lê Thanh đã mạnh dạn bàn với vợ chung vốn cùng với 2 người bạn trồng hơn 3ha. Các anh suy tính đến khi thu hoạch thì nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất đi vào hoạt động thu mua sắn cho bà con nông dân trong tỉnh. Qua đó sẽ góp phần giữ mức ổn định với giá thu mua hơn 2.000 đồng/kg. Đây cũng là động lực để giúp các anh vững tâm gắn bó với cây sắn trong suốt cả năm qua.

Sau hơn 4 đợt cuốc cỏ, bón phân, cả ba anh em thay phiên nhau túc trực trên đồng để trông chừng gia súc của người dân thả rông và heo rừng gây hại. Cứ sau mỗi đợt mưa là các anh lại hì hục đào bới mương tiêu nước chống úng. Với gần 80 tấn sắn tươi, sau khi trừ chỉ phí, mỗi người chỉ kiếm được khoản tiền chưa đến 10 triệu đồng, chưa kể gần 1.000 ngày công thường trực trên đồng cùng cây sắn.

Ông Nguyễn Văn Một – Chủ nhiệm HTX chuyên canh mía và dịch vụ nông nghiệp Phổ Nhơn (xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ) cho biết: Do giá sắn vào thời điểm đầu năm 2011 ở mức cao nên nhiều người nông dân đã chuyển đổi sang trồng sắn với diện tích trong toàn xã lên đến hơn 290ha. Do nắng hạn kéo dài trong năm 2011 nên năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 16 tấn/ha khiến cho mỗi hộ nông dân trồng sắn phải chịu lỗ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, chưa kể công chăm bón.

Theo số liệu thống kê, trong niên vụ 2011 – 2012, trên địa bàn huyện Đức Phổ có trên 1.500ha sắn với sản lượng ước đạt khoảng 30.000 tấn. Hiện giá đang ở mức thấp nên người trồng sắn không có lãi, thậm chí còn lỗ vốn, khiến cho nhiều hộ gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

* Xót xa “phận” mía

Ngay đầu tháng 2/2012, Nhà máy đường Phổ Phong đã hạ giá thu mua mía cây xuống còn 950.000 đồng/tấn trữ lượng đường 10 CCS, giảm 50.000 đồng so với trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Tuy chẳng đáng là bao nhưng do mía bị ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài nên năng suất đạt thấp, cộng với công thu hoạch ở mức cao nên hầu hết những hộ trồng mía bị lỗ vốn.

  Nông dân Phổ Nhơn đang thu hoạch mía
Nông dân Phổ Nhơn đang thu hoạch mía


Anh Nguyễn Thới Ưng ở thôn An Tây, xã Phổ Nhơn, nơi được xem là “thủ phủ” mía của huyện Đức Phổ, thu hoạch 8 sào ruộng mía được gần 16 tấn. Do chi phí phân bón và công thu hoạch tăng cao nên anh phải chịu lỗ 1 triệu đồng, chưa kể hàng trăm ngày công chăm sóc mía. “Mía như năm nay thì chỉ từ hòa đến lỗ vốn chứ không có lãi. Không chỉ riêng gì tui mà nhiều người khác cũng méo mặt vì mía” – anh nói.

“Mía với mật gì chú! Cuốc xới cả năm, tui phải chịu lỗ trên hơn 1 triệu đồng với 7 sào ruộng mía. Như tui còn ít chứ nhiều người phải chịu lỗ vài chục triệu đồng chứ chẳng chơi” – ông Nguyễn Thới Long ở thôn An Tây, xã Phổ Nhơn than thở.  

    Ông Một cho biết: Vụ mía 2011 – 2012, trên địa bàn xã có 650ha. Trong đó, có hơn 340ha nằm trong vùng dồn điền đổi thửa sản xuất chuyên canh. Do bị ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài nên năng suất mía chỉ đạt từ 50 – 60 tấn/ha, giảm gần 20 tấn/ha so với vụ trước. Đối với diện tích trong vùng sản xuất chuyên canh thì khoản lãi cũng chẳng đáng là bao, riêng với hàng trăm hộ canh tác ngoài vùng dồn điền đổi thửa phải chịu lỗ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Có hộ bị lỗ lên đến hàng chục triệu đồng.     

* Cuộc “rượt đuổi” giữa mía và sắn

Do trồng mía bị thua lỗ nên anh Nguyễn Thới Ưng đã chuyển 8 sào ruộng mía ở các xứ đồng Mò Cua, Ốc Gạo và Vườn Dinh sang canh tác 2,5 sào dưa hấu và trồng sắn ở phần diện tích còn lại. “Tuy giá sắn hiện đang ở mức thấp nhưng tui vẫn hy vọng năm đến giá cả lại lên vì Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất đã đi vào hoạt động. Với lại, ngoài vài sào ruộng lúa thì nông dân tụi tui cũng chỉ biết gắn bó với cây mía, cây dưa và sắn chứ chẳng còn nguồn thu nhập nào khác ngoài việc phải ly hương kiếm sống ở những nơi khác” – anh nói.

Anh Nguyễn Thới Ưng đang chọc lỗ tỉa dưa hấu tại diện tích ruộng vừa phá bỏ cây mía.
Anh Nguyễn Thới Ưng đang chọc lỗ tỉa dưa hấu tại diện tích ruộng vừa phá bỏ cây mía.


Ông Nguyễn Thới Long cũng đã phá 7 sào ruộng mía cho những hộ dân trong thôn thuê đất trồng dưa hấu và sắn. “Cho thuê đất cả năm cũng kiếm được vài triệu bạc bỏ túi cho chắc ăn chứ cấy trồng kiểu này không khéo lại phải bán gia sản để trả nợ” – ông nói.

Hiện nhiều hộ trồng mía trên địa bàn xã Phổ Nhơn, nơi được xem là “thủ phủ” của cây mía, đang ồ ạt chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Trong đó, có nhiều diện tích nằm trong vùng dồn điền đổi thửa sản xuất chuyên canh mía. Riêng xứ đồng Bờ Hồng ở thôn An Tây với diện tích dồn điền đổi thửa trên 5ha thì hầu hết người dân đã chuyển sang trồng cây dưa hấu và sắn.

 Do giá cả mía cây và sắn cứ luôn trồi sụt thất thường nên diện tích hai loại cây trồng này cũng luôn tăng - giảm gây nên cuộc “rượt đổi” khá bi hài, làm cho việc chuyển đổi cây trồng diễn ra ồ ạt. Vào đầu năm 2011, giá sắn ở mức cao nên diện tích của loại cây trồng này liền tăng vọt lên đến hơn 1.500ha; ngược lại, diện tích cây mía với gần 1.700 ha trong những năm trước đó thì hiện chỉ còn gần 900ha.

Ông Trần Em – PCT. UBND huyện Đức Phổ cho biết: Việc giá cả nông sản lên xuống bất thường đã làm cho người nông dân tự ý chuyển đổi cây trồng bất chấp khuyến cáo của địa phương, gây khó khăn cho công tác quy hoạch sản xuất của huyện. Và cứ như rằng loại cây trồng chiếm diện tích lớn thì giá cả lại xuống thấp gây khó khăn cho cuộc sống của người dân.  

Những con số về diện tích các loại cây trồng, những cánh đồng nay đổi - mai thay liệu đến khi nào dừng lại? Rồi cuộc sống của người nông dân sẽ đi về đâu khi họ cứ chạy theo giá nông sản như “đuổi hình bắt bóng”?

Trang Thy

 


.