Chưa hạ trần lãi suất, vỡ mộng tin đồn

01:12, 04/12/2011
.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa khẳng định trần lãi suất huy động không giảm về 12%, dư luận lại thêm phen vỡ mộng với… tin đồn.

Giữ nguyên trần lãi suất huy động 14%/năm

Từ ngày 1/12, lãnh đạo NHNN cho biết, theo tính toán của cơ quan này, mức 14%/năm với trần lãi suất huy động lúc này là vẫn phù hợp. Vì thế, NHNN khẳng định chưa có chủ trương hạ trần lãi suất huy động. Khẳng định này đã tạm thời xóa đi được nghi vấn về giảm lãi suất trong đầu tháng 12 đang gây nóng dư luận những ngày qua.

Lượng người đến gửi tiết kiệm tại ngân hàng thời gian qua ít hơn vì tâm lý dè chừng
Lượng người đến gửi tiết kiệm tại ngân hàng thời gian qua ít hơn vì tâm lý dè chừng

Sở dĩ có thông tin hạ lãi suất vì trước đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố CPI tháng 11 thấp sẽ là cơ sở để giảm trần lãi suất huy động. Sau đó, Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu phải thực hiện giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào; ưu tiên tín dụng phục vụ sản xuất, nhất là ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, sản xuất điện, xuất khẩu và cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngày 1/12, tại phiên họp Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, nguyên tắc điều hành lãi suất và định hướng điều hành lãi suất, tiền tệ là thận trọng, linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm tăng trưởng và chống lạm phát. "Xu hướng là giảm dần mặt bằng lãi suất. Chỉ số giá đang có xu hướng giảm. Năm 2012, Chính phủ quyết tâm đưa lạm phát về 1 con số. Như vậy là có cơ sở để giãm lãi suất. Nhưng giảm bao nhiêu, thời điểm nào phải tính toán để bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp trong nhu cầu vay vốn và lợi ích của người gửi tiền", ông Tiến cho hay.

Tin đồn từ đâu?

Lâu nay, tin đồn ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường. Trước khi NHNN có khẳng định việc giữ nguyên mức trần lãi suất huy động 14%/năm, từ trung tuần tháng 11/2011 đã rộ lên tin đồn như thể chắc chắn sẽ xuống 12%/năm.

Quyết định giữ nguyên mức trần lãi suất ngay lập tức khiến dư luận thêm phen thất vọng về khả năng dự đoán thiếu chính xác của tin đồn nhưng họ vẫn dựa vào đó để mong ngóng, hy vọng. Bởi trước đó, tin đồn này khiến dư luận cho rằng, do lãi suất sắp giảm mạnh, giá trị VND bị ảnh hưởng dẫn đến giá vàng tăng đột biến trong sáng 1/12. Hoặc tỷ giá USD/VND sẽ biến động từ mối liên hệ với lãi suất. Và câu hỏi tiếp theo là nên gửi tiết kiệm, mua vàng hay USD đón trước “con sóng” này, hoặc chí ít là bảo vệ tài sản của mình một cách hợp lý trước điều chỉnh của chính sách…

Rõ ràng, tâm lý người dân lâu nay vẫn quen thói dựa vào tin đồn trong đầu tư kinh doanh không phải hiếm và tin đồn càng có cơ hội gây nhiễu thị trường.

Tuy nhiên, trở lại câu hỏi tin đồn từ đâu ra? Giới chuyên gia dễ nhận thấy, tin đồn không phải vô cớ. Bởi chính hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng gây ra nó. Ngay trong vụ tin đồn hạ trần lãi suất này, có thể nhận thấy những nguyên nhân như: Thứ nhất, quan điểm lãi suất bám sát diễn biến lạm phát được chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Quan điểm này được nhiều lần nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Và thực tế, từ tháng 9 trở lại đây, tốc độ tăng của lạm phát đã giảm rõ rệt.

Thứ hai, chiều 24/11, trả lời trước Quốc hội, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng nếu lạm phát tháng 11 vừa qua dưới 1% thì có điều kiện để xem xét hạ trần lãi suất.

Thứ ba, ngày 29/11, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, trong đó nhiệm vụ trọng tâm của chính sách tiền tệ là “giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí đầu vào”. Yêu cầu này cũng tiếp tục được nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 khi Thủ tướng nói rằng “nếu không giảm được lãi suất thì coi như chúng ta sẽ thất bại, cả trong tăng trưởng và kiềm chế lạm phát”.

Thứ tư, với giới đầu tư, khả năng hạ trần lãi suất “nhạy” hơn ở những dữ kiện được cho là mang tính tín hiệu. Đó là chương trình mới của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hạ lãi suất cho vay 2%/năm so với thông thường đối với một số nhóm đối tượng. Và hiện tượng 2.500 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đưa ra đấu thầu ngày 30/11 được vét sạch thay vì sự trầy trật của các đợt đấu thầu vừa qua; đáng chú ý là lãi suất thấp hơn 0,2% so với lợi suất trái phiếu cùng kỳ hạn trên thị trường thứ cấp.

Liên quan đến những động thái này, hoạt động của hệ thống, cơ chế áp trần lãi suất huy động kéo dài thời gian qua đã triệt tiêu yếu tố cạnh tranh huy động vốn trên thị trường qua lãi suất. Đây cũng là một phần dẫn đến khó khăn thanh khoản của một số ngân hàng vừa qua, khi lượng tiền gửi bị rút để chuyển sang ngân hàng lớn và khó cạnh tranh gọi thêm vốn. Về khó khăn đó, một lãnh đạo ngân hàng nói rằng, cơ chế trần lãi suất như một quả tạ đồng hạng mà nhà tổ chức thi đấu bắt mọi vận động viên phải nâng, bất kể hạng cân khác nhau…

Và hệ lụy nối tiếp là những bất ổn phát sinh trên thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây. Một giá trị lớn của thị trường này đang mất đi là niềm tin, bởi các thành viên đang nghi ngờ lẫn nhau, yêu cầu thế chấp tài sản, cơ chế bảo đảm… đang được áp dụng căng thẳng. Theo đó, cũng dễ hiểu khi lãi suất vàng và ngoại tệ “lại” nổi sóng, một phần đề đáp ứng nhu cầu phải có tài sản để vào cửa trên liên ngân hàng.

Rõ ràng, từ giải pháp hành chính mang tính tình thế trước xáo trộn của thị trường, trần lãi suất đang trở thành giải pháp dài hạn và câu chuyện tin đồn vẫn còn nóng và ảnh hưởng không nhỏ tới những toan tính trên thị trường, không của riêng ai./.

Theo VOV

.