Thoát nghèo nhờ nuôi cá nước ngọt kết hợp với nuôi vịt đẻ

07:11, 04/11/2011
.

(QNg)- Từ một hộ nghèo với thu nhập chủ yếu từ canh tác 2 sào ruộng và 1 sào đất vườn, không đủ chi phí cho gia đình có đến 5 nhân khẩu, ông Nguyễn Văn Vân, tổ 15, phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi đã cải tạo lại cái ao cũ để kết hợp nuôi cá nước ngọt và nuôi vịt đẻ trứng. Đến nay, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập ổn định và giúp cho gia đình ông thoát nghèo. 

Từ năm 1996, tận dụng ao đào lấy đất đắp kênh thủy lợi Thạch Nham có diện tích 650m2, ông Vân đã tiến hành cải tạo lại để nuôi cá nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Đến năm 1998, ông kết hợp nuôi 2.000 con cá gồm trắm cỏ, mè, chép, trôi, trê lai và 1.000 con vịt lấy thịt với chi phí khoảng 22 triệu đồng. Thế nhưng số lượng nuôi nhiều mà kết quả thu được lại thấp. Với 3 tháng nuôi vịt, ông chỉ lãi được khoảng 5 triệu đồng và 3 - 4 triệu đồng/năm từ cá. Qua tìm hiểu các thông tin trong sách, báo nhận thấy nuôi vịt đẻ có hiệu quả hơn nên ông đã chuyển hướng chăn nuôi. Ban đầu, ông nuôi "thử nghiệm" 300 con vịt đẻ và thấy hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với nuôi vịt lấy thịt. Từ đó, ông tăng dần số lượng vịt đẻ trứng từ 500 con lên 1.000 con. 
 
Ao nuôi cá và vịt của ông Nguyễn Văn Vân.
Ao nuôi cá và vịt của ông Nguyễn Văn Vân.

Với thành công ban đầu, ông Vân đào thêm một ao nhỏ khoảng 100m2 để mở rộng diện tích chăn nuôi, tăng số lượng cá và vịt nuôi; đồng thời chọn con giống đạt chất lượng và năng suất cao nên ngày càng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh. Đối với cá nước ngọt, ông thường chọn mua cá giống của trại cá giống ở Đức Phổ. Còn vịt được ông Vân chọn mua giống tại các lò ấp trứng có uy tín ở thành phố.

Chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi kết hợp giữa cá và vịt để đạt được hiệu quả, theo ông Vân: Đối với nuôi vịt đẻ, người nuôi cần đảm bảo nguồn nước sạch; chọn con giống tốt, đồng đều, không bị dị tật; giữ chuồng nuôi sạch sẽ, không để ẩm ướt, đồng thời bơm thuốc sát trùng hàng tháng.

Trước mùa vịt đẻ, tiến hành tiêm vắcxin phòng ngừa dịch tả và vắcxin tụ huyết trùng; khi vịt còn nhốt trong ao hồ thì nên cho ăn lượng thức ăn tổng hợp khoảng 2% còn lúa chỉ cho ăn dặm, đến lúc vịt đẻ cần tăng cường thêm chất canxi như vỏ ốc, sò, hến để trứng có lớp vỏ dày hơn nhằm hạn chế bị vỡ trong quá trình vận chuyển; về nuôi cá, cần chọn cá giống khỏe, không dịch bệnh, đạt đúng kích thước tiêu chuẩn ở trại giống xuất ra. Cá con nên cho ăn tinh bột, tuyệt đối không cho ăn thức ăn hỗn hợp khác, riêng cá trắm cỏ nên cho ăn thêm rau lá như lá mì, lá chuối, lá bắp còn các loại cá ăn dưới tầng đáy thì không nên cho ăn vì tận dụng được nguồn thức ăn thừa của vịt thải ra...

Trước khi thả giống, người nuôi cần dọn ao hồ và tiến hành sát trùng bằng vôi. Khi xả ao hồ và phơi xong thì tiến hành rửa vôi và đưa nước vào ngâm trong 3 ngày. Sau 3 ngày, xả nước và đưa nước mới vào rồi cho xả nước lần 2. Lần 3 đưa nước vào ao có độ sâu khoảng 80cm kết hợp bón phân hữu cơ ủ hoai mục trong ao hồ (1 sào khoảng 300 kg) đồng thời bón thêm một ít phân urê kết hợp thả cá con để có nguồn thức ăn...         

Từ năm 2002 đến nay gia đình ông Vân được bầu chọn là hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. So với khi chưa nuôi vịt, một năm nuôi cá thì nguồn vốn đầu tư gấp đôi còn khi nuôi kết hợp cá và vịt thì nguồn vốn được giảm nhẹ vì cá tận dụng thức ăn thừa của vịt thải ra, hơn nữa chất lượng cá thương phẩm được tăng lên. Hiện nay sau 8 tháng nuôi, 800 con vịt đã đẻ, bình quân một ngày ông thu hoạch 750 trứng với giá bán 3.000 đồng/trứng thì một năm ông có thể lãi khoảng 60 triệu đồng.

Với 1.500 con cá sau 8 tháng nuôi, bình quân trọng lượng một con đạt trên 800g, giá bán 40.000 đồng/kg thì một năm ông lãi khoảng 14 triệu đồng. Ngoài ra, ông cũng có thêm thu nhập khoảng 5- 6 triệu đồng/năm từ nuôi vịt xiêm, gà. Trước đây, khi chỉ nuôi độc lập cá thì ông chỉ lãi khoảng 6 triệu đồng/năm cho 1 vụ cá. Nuôi kết hợp cá và vịt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với chỉ nuôi đơn lẻ một loại. Thời gian đến, ông muốn tăng thêm số lượng vịt, cá nuôi nhưng hiện nay nguồn nước của kênh Tư Nghĩa bị ô nhiễm nên trước mắt không thể mở rộng quy mô nuôi, ông Vân chia sẻ.

 Ông Cao Ngọc Vũ - Chủ tịch Hội Nông dân phường Quảng Phú cho rằng: Mô hình nuôi cá kết hợp vịt đẻ trứng ở hộ ông Vân là một trong những mô hình kinh tế có hiệu quả của phường Quảng Phú. Nhờ mô hình này mà từ một hộ nghèo đến nay gia đình ông đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
      
Bài, ảnh: Trinh Nữ

.