6 giờ giữa lốc xoáy

08:11, 09/11/2011
.

(QNĐT)- “Nước vô, tàu sắp chìm!” - Khi tàu cách bờ vài chục hải lý, các ngư dân trên tàu ông Nông nghe tiếng thét thất thanh từ tàu cá của ông Phu đang chạy phía sau. Câu chuyện của các ngư dân thoát hiểm giữa lốc xoáy trong đêm 8/11/2011.

BÃO ĐUỔI SAU LƯNG

Các ngư dân nhớ lại, vào lúc 19h ngày 8/11, nghe đài báo có áp thấp nhiệt đới, biển động mạnh. Vậy tàu cá của các ngư dân mạnh ai nấy chạy thục mạng vào bờ.

Cách bờ 100 hải lý, cầm lái con tàu, ông Nông ước tính mờ sáng sẽ vào đến cửa biển Đà Nẵng.
 
Tàu bị nạn vào cửa Sa Kỳ
Tàu bị nạn vào cửa Sa Kỳ.

Vậy nhưng, lúc 1h sáng, gió đến nhanh hơn dự kiến. Nước chảy mạnh cộng với gió thổi ngược ra khơi khiến cho con tàu nhích chậm chạp từng hải lý. Nhiều ngư dân la khóc vì gió giật quá khủng khiếp.

Bình thường thì sử điều khiển ga tàu bằng tay. Trong lúc hiểm nguy, ông Nông dùng chân điều khiển cần ga trực tiếp từ máy. Nếu có sự cố, chân tức khắc đẩy ga cho con tàu tiến lùi. Nếu không tàu bị đội sóng và chìm.

Chạy nối đuôi với tàu của ông Nông là tàu cá QNG 98225 TS. Tàu này có chiều dài 15 mét, công suất máy 100 mã lực. Trên tàu có 3 ngư dân, ông Phan Văn Phu làm thuyền trưởng.

Qua máy Icom, các ngư dân run cầm cập bởi toàn nghe tin dữ từ các tàu khác điện về. Hầu như tàu nào cũng nguy cơ bị sóng nhấn chìm.

Ông Nguyễn Văn Nho, 49 tuổi, ngư dân già nhất trên tàu ông Nông vừa thò đầu ra cửa, lập tức một chùm lưới đập vào người lôi tuột ra ngoài. Các ngư dân hét lên và lao ra dành giật lão ngư dân này với cuồng phong của biển.

Ngư dân Võ Công Định toát mồ hôi, nhớ lại: “Sóng vật anh em tôi như tưng một trái bóng. Tất cả các ngư dân trên tàu đều phải ôm chặt vào thành tàu. Biển động cỡ cấp 11. Anh em tôi nói chắc là chết, hết đường về quê rồi”.

“Nước vô, tàu sắp chìm!” - Khi tàu cách bờ vài chục hải lý, các ngư dân trên tàu ông Nông nghe tiếng thét thất thanh từ tàu cá của ông Phu đang chạy phía sau.

MỘT PHÚT TIẾN VÀI GANG

Trên tàu bị chìm gồm 3 ngư dân: Võ Công Định, Trịnh Anh Sơn và Phan Văn Phu. Ông Định như người thất thần, kể lại chuyện thoát chết: “Sóng lớn quá, lượn sóng cứ đi thành 3 ông một. Tàu em bị bổ liên tục 2 lượn. Tàu chưa kịp ngóc lên thì ổng làm tiếp một cái nữa, coi như tàu lật nghiêng, úp xuống nước. Tôi rụng rời tay chân nghĩ đời mình đi rồi!”.
 
Các ngư dân trở về
Các ngư dân trở về.

Trong cơn sóng dữ, chiếc tàu bị nạn trị giá 700 triệu đồng chưa chìm hẳn mà vẫn nổi phần mũi tàu. Vậy là 3 ngư dân đánh đu vào mũi tàu. Họ tuyệt vọng giữa biển sóng đen ngòm.

Ngư dân Võ Công Định nói không ra tiếng: “Em khóc hết nước mắt. Bởi lúc đó nghĩ làm sao mà sống được. Sóng cao như mái nhà bổ xuống ầm ầm, trời thì đổ mưa gió trắng xóa”.

Các ngư dân trên tàu cứu nạn ném tất cả mọi vật dụng trôi nổi và dây thừng về hướng con tàu bị nạn để cứu người. Cứ thế, người này ngã đè lên người kia, mặc cho sóng phủ trên đầu.

Con tàu bị nạn cách tàu ông Nông chỉ hơn 100 mét. Thế nhưng, dù kéo hết ga, con tàu vẫn bị ghim tại chỗ. Phải mất gần 1h đồng hồ, tàu mới cắt sóng, áp sát tàu bị nạn, 3 ngư dân lần lượt được cứu sống.

14h ngày 8/11, con tàu vượt sóng to, gió lớn về đến cửa Sa Kỳ - Quảng Ngãi. Thuyền trưởng Phan Văn Nông buồn rầu: “Cửa biển Sa Huỳnh bị lấp, anh em tôi bỏ đi khắp nơi làm ăn. Bữa nay tàu bị mất, người thì chết, nghĩ thấy tủi”.

Cũng trong thời gian trên, cách đó không xa, tàu cá QNG 94942 TS, do ông Võ Hữu Hòa (SN 1975) ở Sa Huỳnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đã bị sóng lớn đánh chìm. Thuyền trưởng Hoà đã bị chết do kẹt trong ca bin. Ngư dân Võ Tin đã được tàu cá QNG 94372 TS của ông Võ Thận ở cùng quê đến cứu vớt.

                                                     LÊ VĂN CHƯƠNG

.