Hoa trên đất quế

10:10, 16/10/2011
.

(QNg)- Người ta ví von, phụ nữ là những bông hoa đẹp nhất của cuộc đời. Quả thật những bông hoa nở trên vùng đất khô cằn bao giờ cũng mang một giá trị rất riêng. Trà Bồng nổi tiếng là lãnh địa của cây quế, bây giờ còn được biết đến với những tấm gương phụ nữ vươn lên từ nghịch cảnh để thoát nghèo. Không quá khi nói rằng: Hoa đã nở trên vùng đất quế!

DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Cũng như bao gia đình ở miền núi đầy khó khăn của huyện Trà Bồng, nguồn sống của gia đình chị Hồ Thị Tâm (thôn 5, xã Trà Thủy) trước đây chủ yếu nhờ vào chăn nuôi heo, bò thả rông nên kinh tế rất khó khăn. Tuy nhiên, chị không cam chịu mà luôn suy nghĩ, tìm cách vươn lên trong cuộc sống.
 
Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi bò nên cuộc sống của gia đình chị Hồ Thị Tâm (Trà Thủy, Trà Bồng) ngày càng khấm khá hơn.
Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi bò nên cuộc sống của gia đình chị Hồ Thị Tâm (Trà Thủy, Trà Bồng) ngày càng khấm khá hơn.

"Phải làm gì để cải thiện cuộc sống đây, không lẽ quẩn quanh với cái nghèo mãi?"- chị Tâm trăn trở. Bắt đầu từ những lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, rồi được vay vốn dành cho hộ nghèo, gia đình chị quyết định thay đổi cách sản xuất. Với số vốn vay 5 triệu đồng ban đầu, chị Tâm áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi bò, đó là đầu tư xây chuồng và trồng cỏ. Nhờ chăn nuôi bò đúng cách, sau 4 năm gia đình chị đã bán được 3 con bò (gần 20 triệu đồng). Hiện tại gia đình chị vẫn còn 3 con bò, gọi là để "làm giống". Đời sống của gia đình chị Tâm được cải thiện, tiền thu được từ bán bò chị mua sắm vật dụng cho gia đình và con cái ăn học đàng hoàng. Chị Tâm hồ hởi khoe: "Từ ngày biết nuôi bò nhốt chuồng, mình không phải lo bò chết rét nữa rồi. Bò nuôi phát triển tốt. Mình có bò để bán nên cuộc sống gia đình mình cải thiện nhiều lắm. Cũng là nhờ mấy chị em ở Hội phụ nữ xã cả đó...".

Ở xã Trà Thủy bây giờ, không chỉ có chị Tâm được thoát nghèo nhờ nuôi bò. Năm 2007, mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng đã được 10 hộ của xã áp dụng. Nhờ có nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội thông qua Hội liên hiệp phụ nữ, các hộ dân đã mở rộng đầu tư xây chuồng, trồng cỏ nuôi bò. Từ 10 con bò giống ban đầu, đến nay tổng đàn bò của các hộ dân này đã lên đến 50 con. Nhận thấy việc nuôi bò nhốt chuồng đem lại kinh tế cao, nên hầu hết các hộ dân trong xã Trà Thủy đã học hỏi và làm theo.

Chị Đặng Thị Phượng- Chủ tịch Hội phụ nữ xã Trà Thủy, cho biết: Mô hình nuôi bò nhốt chuồng được triển khai đã cải thiện được tập tục chăn nuôi thả rông của người dân địa phương. Hội phụ nữ cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến cho các chị em. Nhờ đó, mà tình trạng bò chết đói và chết rét đã được cải thiện trong những năm vừa qua. Bên cạnh hiệu quả về mặt kinh tế, cải thiện đời sống gia đình thì việc thực hiện mô hình còn góp phần giải quyết lao động cho một bộ phận chị em phụ nữ của xã Trà Thủy. "Cái chính là chị em người đồng bào đã dám nghĩ, dám làm và chấp nhận thất bại để thành công. Đó mới là cái đáng quý nhất"- chị Phượng khẳng định.

ĐÒN BẨY: VỐN VÀ KỸ THUẬT

Tại một địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa như huyện Trà Bồng, điều kiện để người dân phát triển kinh tế rất khó khăn. Vì thế, nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương được các cấp hội phụ nữ đặc biệt quan tâm.

Thông qua việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chương trình hành động của các cấp Hội phụ nữ huyện Trà Bồng trong 5 năm qua đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới và phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của chị em phụ nữ. Các cơ sở hội tích cực hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay đầu tư làm ăn phát triển kinh tế, chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho phụ nữ miền núi. Tại xã Trà Thủy, trong 5 năm qua Hội liên hiệp phụ nữ xã phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ huyện thông qua kênh vay vốn của Hội phụ nữ đã ủy thác cho 324 hộ vay trên 5,5 tỷ đồng. Nhờ có nguồn vốn vay này mà hàng trăm hộ dân đã có điều kiện đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Bà Đỗ Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Trà Bồng, cho biết: Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, thành quả lớn nhất Hội đạt được là sự thay đổi trong nhận thức của người phụ nữ, đặc biệt là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số. Họ đã nhận thức được nguyên nhân của đói nghèo và quyết tâm làm ăn, vượt qua đói nghèo. Hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng của người phụ nữ, nhất là các vấn đề về việc làm, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Từ thực tiễn trên, vai trò của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định, đội ngũ cán bộ Hội có nhiều kinh nghiệm, trưởng thành trên nhiều mặt.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

.