Công ty CP đường Quảng Ngãi: Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu

09:09, 10/09/2011
.

(QNg)- Vùng nguyên liệu có thể được xem là yếu tố quyết định sự sống còn của công ty. Chính yếu tố quyết định này đã buộc công ty phải trăn trở, tìm mọi cách để phát triển vùng nguyên liệu. Sau nhiều năm mở hướng đầu tư, đến nay công ty đã có vùng nguyên liệu mía trên 24.000ha tại 4 huyện vùng đông của tỉnh Gia Lai.

Nhận thấy vùng đất các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai (4 huyện: An Khê, Đakpơ, Kbang và KonChro) có nhiều tiềm năng để phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung, năm 2000 Công ty Đường Quảng Ngãi quyết định xây dựng Nhà máy đường An Khê (Gia Lai), với công suất 2.000 tấn mía cây/ngày.
 
Lắp đặt hệ thống nấu đường nhằm nâng công suất nhà máy lên 10.000 tấn mía/ngày tại Nhà máy Đường An Khê.
Lắp đặt hệ thống nấu đường nhằm nâng công suất nhà máy lên 10.000 tấn mía/ngày tại Nhà máy Đường An Khê.

Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy đường An Khê đã phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, người lao động có thu nhập ổn định, vùng nguyên liệu mía tăng đều qua từng năm. Để tồn tại và phát triển, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa cây mía và các loại cây trồng khác, Nhà máy đã tập trung đầu tư các trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật trong dây chuyền, hợp lý hóa sản xuất để kinh doanh có hiệu quả. Bên cạnh đó công tác đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất được xác định là nhiệm vụ chính trị hàng đầu mang tầm chiến lược của nhà máy. Từ một vùng đất sau khủng hoảng mía đường những năm 1999- 2000 với diện tích trồng mía chỉ còn 4.000ha của năm 2001, đến nay nhà máy đã có vùng nguyên liệu mía lên đến trên 24.000ha.

Trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu, Nhà máy đã phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật cho nông dân (hằng năm nhà máy đầu tư từ 40- 50 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu); Nhà máy tích cực đưa các giống mía mới và hỗ trợ tiền giống cho nông dân trồng thí điểm; khảo nghiệm các giống mới có năng suất cao, bước đầu phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng vùng nguyên liệu, tạo sự an tâm cho nông dân đối với Nhà máy, tích cực trồng và chăm sóc mía.

Ông Nguyễn Tấn Cương - Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết: Tuy gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là phát triển vùng nguyên liệu, song với sự theo dõi, chỉ đạo sâu sát của Tổng Giám đốc Công ty, sự đồng thuận cao trong công tác lãnh đạo, sự điều hành linh hoạt, nhạy bén, ứng phó kịp thời trước những diễn biến bất thường trong công tác đầu tư, mua mía, cùng sự cố gắng nỗ lực và tận tâm trong công việc của CBCNV nhà máy, kết quả vụ mía 2010- 2011 nhà máy mua được 728.778 tấn mía (161,9% so kế hoạch), cao hơn vụ trước 322.432 tấn.

Từ một dây chuyền sản xuất đường 2.000 tấn mía/ngày (năm 2001), năm 2009 nhà máy nâng công suất lên 4.500 tấn mía/ngày và trong vụ mía 2011- 2012 sẽ lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất, nâng công suất lên khoảng 10.000 tấn mía/ngày. Với công suất 10.000 tấn/ngày, nhà máy đảm bảo thu mua hết nguyên liệu hiện có trong vùng (khoảng 1,5 triệu tấn mía cây -PV). Thực tế sau 10 năm sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đến nay nhà máy đã hoàn vốn được 2 dây chuyền sản xuất; đời sống của 456 người lao động (60% là người Quảng Ngãi) không ngừng được cải thiện (thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng), hầu hết người lao động ở Quảng Ngãi lên đây lập nghiệp đã có nhà cửa và cuộc sống khá ổn định.

Các huyện ở vùng đông Gia Lai có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để hình thành vùng chuyên canh mía tập trung, năng suất bình quân toàn vùng hiện nay vào khoảng 62,9 tấn/ha; nhiều hộ dân có hàng chục (thậm chí hàng trăm) ha mía. Vụ ép vừa qua có 106 người bán cho nhà máy từ 1.000- 2.000 tấn mía, 56 người (2.100- 3.000 tấn), 24 người (3.100- 4.000 tấn), 17 người (4.100- 5.000 tấn), 7 người (5.100- 6.000 tấn), 14 người (trên 6.000 tấn), trong đó có 1 người trên 10.000 tấn. Nhờ vùng mía tập trung, nên rất nhiều hộ nông dân ở đây đã tự đầu tư mua sắm phương tiện vận chuyển mía, nên nhà máy có điều kiện đầu tư cho khâu làm đất, giống mới và trong tương lai sẽ là khâu thu hoạch. Để tồn tại và đứng vững trong cơ chế thị trường, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng của kinh tế thế giới nói chung và khó khăn của ngành đường nói riêng, tập thể CBCNLĐ nhà máy sẽ nỗ lực nhiều hơn và thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi,  học hỏi để đưa ra nhiều phương án hiệu quả, linh hoạt trong công tác điều hành sản xuất, nhằm giảm giá thành sản phẩm, thu mua mía với giá cả hợp lý, đem lại hiệu quả thật sự ngày càng cao cho người trồng và bán mía cho nhà máy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thành Đàng- Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho biết: Với một tầm nhìn chiến lược, cộng với sự năng động của tập thể người lao động, Nhà máy đường An Khê không những trụ vững trong cơ chế thị trường hiện nay, mà còn có những bước phát triển đầy tự hào. Từ một nhà máy có công suất 2.000 tấn/ngày, sau 10 năm hoạt động đã nâng lên 10.000 tấn/ngày và trong tương lai sẽ lên 15.000 tấn/ngày.
 
Vùng nguyên liệu mía ở An Khê
Vùng nguyên liệu mía ở An Khê.

Việc cơ giới hóa trong khâu làm đất và trồng mía đã phát huy hiệu quả, được người trồng mía tin tưởng vào chính sách đầu tư của nhà máy. Để đồng mía đông Gia Lai trở thành đồng mía đủ sức cạnh tranh trong khu vực (Đông Nam Á) và thế giới, trong những năm đến, Công ty sẽ cùng với nông dân vùng mía thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, trồng mía, chăm sóc và thu hoạch mía; đồng thời thực hiện chương trình hóa học hóa (phân bón, thuốc trừ cỏ), sinh hóa (giống mía có năng suất, chất lượng cao) nhằm tăng năng suất, chất lượng mía, từ đó giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành sản phẩm. Lúc đó sản phẩm của Công ty sẽ đủ sức cạnh tranh với ngành mía đường trong khu vực.

Bài, ảnh: Thanh Hải

.