Vài ghi nhận về trồng và giữ rừng ở Nghĩa Sơn

06:07, 02/07/2011
.

(QNg)- Về Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa) vào giữa ngày hè nắng cháy nhưng núi rừng và ruộng đất đều trải màu xanh tươi. Trước đây là một thôn của xã Nghĩa Lâm, nay được tách thành xã riêng. Địa hình Nghĩa Sơn là thung lũng có núi bao bọc xung quanh, đến Nghĩa Sơn chỉ một tuyến độc đạo từ Tỉnh lộ 623B (Quảng Ngãi- Thạch Nham).

 Nghĩa Sơn phía tây giáp các xã Sơn Nham, Sơn Linh (Sơn Hà), nam giáp xã Long Sơn (Minh Long) và Hành Dũng (Nghĩa Hành), đông giáp xã Nghĩa Thọ, bắc giáp xã Nghĩa Lâm cùng thuộc huyện Tư Nghĩa. Toàn xã sở hữu 3.758 ha đất (70% rừng, 30% đất sản xuất và thổ cư). Xã có hai thôn với 275 hộ, 1.011 nhân khẩu, hầu hết là dân tộc Hrê, chỉ một ít người Kinh, người Cor theo chồng vợ về sinh sống.
 
Nhờ thực hiện tốt công tác giữ rừng nên đập Đồng Quang luôn có nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở xã Nghĩa Sơn.
Nhờ thực hiện tốt công tác giữ rừng nên đập Đồng Quang luôn có nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở xã Nghĩa Sơn.

Ấn tượng đầu tiên khi đến Nghĩa Sơn là công tác trồng và bảo vệ rừng. Vốn quý thiên nhiên ban tặng cho Nghĩa Sơn  gần hai ngàn hecta rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý như lim, chò, sến, gõ, sơn,… Dưới tán rừng tự nhiên có vô số thực vật nhỏ và dây leo chằng chịt. Thảm lá khô và củi mục trong rừng dày cả mét nên mặt đất luôn ẩm ướt, nhiều khe suối nhỏ đổ vào một con suối lớn gọi là suối Lâm.

Hai ngàn hecta rừng tự nhiên bao gồm các núi Răng Cưa, núi Vụ, núi Đá Vách,… thế núi đều cao cheo leo hiểm trở, là nơi đặt cơ sở bệnh viện B21 thời chiến tranh chống Mỹ. Động vật trong khu rừng tự nhiên gồm gấu, khỉ, vượn, chồn,… Quần thể các loài chim cũng khá phong phú gồm nhiều loại như sáo, nhồng, khướu, cu xanh,… bốn mùa sáng chiều cất tiếng kêu vang lảnh lót. Dường như không có diện tích núi đồi nào bỏ hoang, các dự án Kfw6 do Cộng hoà liên bang Đức và các dự án 327,661 của Chính phủ hỗ trợ, người dân đã được giao trồng chăm sóc rừng tập trung hưởng 85% lợi tức thu hoạch gỗ. Ngoài ra, người dân còn khai khẩn trồng một số rừng phân tán với các loại cây công nghiệp như keo lai, bạch đàn…

Về công tác bảo vệ rừng, Đảng uỷ và UBND xã Nghĩa Sơn triển khai rất tích cực xây dựng phương án cụ thể, tranh thủ sự hỗ trợ của Hạt kiểm lâm huyện, thành lập đội quản lý bảo vệ rừng. Mỗi năm từ hai đến ba lần xã tổ chức tuần tra toàn bộ khu rừng tự nhiên với một lực lượng mạnh gồm công an, dân quân du kích, kiểm lâm, đội quản lý bảo vệ rừng. Đoàn tuần tra tháo dỡ các lán trại dựng bất hợp pháp, xử lý các trường hợp xâm hại rừng, truy quét lâm tặc một cách triệt để. Đối với việc săn thú rừng, xã nghiêm cấm người dân sử dụng mọi loại vũ khí, cạm bẫy để săn bắt thú.

Người dân trong xã chỉ được khai thác một ít cây để làm nhà cửa, vật dụng cần thiết. Nhờ tuyến đường độc đạo nên mọi trường hợp ra vào rừng đều được kiểm soát chặt chẽ không chỉ do cán bộ mà  người dân cũng thực hiện quyền bảo vệ rừng. 

Hai ngàn hecta rừng tự nhiên được bảo vệ tốt chính là rừng đầu nguồn cung cấp nước cho suối Lâm. Mùa hạ nước suối không khi nào cạn kiệt, mùa mưa không gây lũ lụt lớn. Đập dâng Đồng Quang ngăn dòng suối Lâm tưới đủ cho 37 ha ruộng, 43 ha mía, đất màu của Nghĩa Sơn và diện tích ruộng của thôn Bảy, xã Nghĩa Lâm.

Nhờ vậy mà đồng ruộng Nghĩa Sơn mỗi năm cấy được hai vụ ăn chắc, giống dài ngày năng suất cao. Cây mía, bắp, mì,… hỗ trợ với cây lúa để lợi nhuận từ nông nghiệp chiếm 70% trong đời sống người dân. Rừng và chăn nuôi trở thành nguồn kinh tế bổ sung để người dân có tích luỹ xây dựng nhà cửa, mua sắm dụng cụ gia đình và nuôi con cái ăn học. Nghĩa Sơn - một xã vùng cao của huyện Tư Nghĩa về toàn diện có những bước phát triển, trong đó công tác bảo vệ rừng, trồng rừng phủ kín đồi trọc là một điểm sáng.

Bùi Văn Tạo

.