Nghề lưới ở An Thổ

01:02, 21/02/2011
.

(QNg)- Chồng đi biển, vợ ở nhà đan lưới đã trở thành hình ảnh đặc trưng ở thôn An Thổ, xã Phổ An (Đức Phổ). Ra đời từ rất lâu, nghề làm lưới, đan lưới là nghề truyền thống của người dân ở đây. Nhờ nghề truyền thống này, đã góp phần tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ, nhiều hộ có cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học...

Giữ nghề truyền thống

Nghề làm lưới đã thật sự bắt đầu từ khi nào thì chẳng ai trong thôn còn nhớ rõ, nhưng thực tế nhờ có nghề này mà đời sống người dân đã khá lên dần. Người dân trong thôn cho biết ngày trước nơi này chỉ có một vài hộ làm, chủ yếu để gia đình sử dụng và phục vụ nhu cầu của bà con ở địa phương. Dần dần có người hỏi mua lưới, ban đầu mua ít, rồi đặt hàng mua với số lượng lớn. Từ đó nhiều nhà thấy làm ăn hiệu quả, nên làm theo, cùng nhau phát triển đan lưới.
 
Sản phẩm lưới An Thổ được nhiều người  ưa chuộng.
Sản phẩm lưới An Thổ được nhiều người ưa chuộng.

Bà Đặng Thị Kim Nga (50 tuổi) - chủ 1 cơ sở làm lưới ở đây bộc bạch: "Nghề đan lưới là nghề truyền thống của gia đình tôi. Có đến 3-4 đời làm nghề này rồi, riêng bản thân tôi cũng đã có trên 30 năm gắn bó với nghề làm lưới này". Trước đây để đan được thành tấm lưới phải rất kỳ công. Muốn làm nên tấm lưới để phục vụ khai thác, người thợ phải mất nhiều công sức. Bởi đan từ những sợi chỉ mỏng manh, hoặc từ những sợi dây kéo dài. Người thợ phải dùng răng mình cắn "nạp" chì vào viền lưới.

Ngày nay cùng với sự phát triển của cuộc sống và khoa học kỹ thuật, tất cả mọi thứ đã có sẵn. Từ sợi cước nilông đủ loại kích cỡ đến  phao, chì cũng được sản xuất sẵn. Lưới không còn đan thủ công, mà chuyển sang dệt bằng máy và có máy dập chì riêng, nên việc sản xuất ra một tấm lưới nhanh hơn, bền hơn và hiệu quả khai thác tốt hơn. Người làm lưới chỉ việc làm các công đoạn thủ công như: Luồn lưới, cột phao và bấm chì, để tạo thành một tấm lưới hoàn chỉnh. Sản phẩm lưới của thôn An Thổ chủ yếu là lưới đánh cá đồng và cá sông.

Làm lưới là một công việc nhẹ nhàng, nhưng thu nhập khá ổn định, nên có khoảng 100 hộ gia đình còn giữ nghề này, nhưng chủ yếu là đi làm công cho một vài cơ sở làm lưới lớn. Còn chủ cơ sở thì vừa làm lưới, vừa kiêm luôn chức năng mua bán lưới.

Được biết hàng sản xuất ra được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và miền Trung. Mỗi miền có một mùa đánh cá khác nhau, nên số hộ làm nghề ở đây sản xuất quanh năm. Vào thời điểm tiêu thụ mạnh, mỗi ngày cơ sở lưới Nga Thống xuất ra trên 1.000 tấm lưới. Trung bình một năm chưa trừ chi phí, cơ sở  mang về nguồn thu trên 3 tỷ đồng.

Tạo nghề cho lao động nhàn rỗi

Dạo một vòng quanh thôn An Thổ chúng tôi ghé vào cơ sở làm lưới Nga Thống ở đây có hơn 50 lao động, chủ yếu là nữ đang tất bật với công việc. Mỗi người mỗi công đoạn khác nhau, ai cũng khẩn trương, tiếng cười nói rộn rã khiến không khí những ngày đầu năm ở nơi này sôi động hẳn lên.

Chủ cơ sở Nga Thống cho biết: Cuộc sống ở đây cứ như một vòng quay không đổi: Người đàn ông đi biển. Những chuyến đi biển có khi kéo dài đến vài tháng. Phụ nữ thì ở nhà làm lưới, đan lưới chờ chồng, không có việc gì để làm thêm. Bình thường cả gia đình xúm nhau "lấy công làm lời". Ngoài số lao động làm tại cơ sở, còn nhiều gia đình nhận lưới về nhà làm trong thời gian rảnh rỗi. Bình quân một ngày cơ sở của bà sản xuất khoảng 100 tấm lưới. Một tấm lưới chủ cơ sở trả công cho người làm 20 nghìn đồng.

Mỗi người đảm trách mỗi công đoạn khác nhau: Bấm chì 70.000 ngàn đồng/ngày/công, cột phao 30 - 40 ngàn đồng/ngàycông. Với người làm nghề thành thạo mỗi tháng có thể kiếm bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Ở vùng miền biển có thêm khoản thu nhập chừng đó là quý rồi. Nhờ nghề này mà nhiều hộ vươn lên khấm khá nuôi dạy con cái học hành đến nơi đến chốn.

Chúng tôi bắt chuyện với chị Nguyễn Thị Nhung (45 tuổi) đang làm lưới tại cơ sở bà Nga- người gắn bó với nghề làm lưới đã hơn 20 năm.

Chị Nhung tâm sự: Công việc này làm không kể giờ giấc, rảnh lúc nào làm lúc đó.  Chồng đi bạn cho những chủ tàu, cuộc sống của gia đình luôn thiếu trước hụt sau, vì đi biển lúc được lúc mất. Từ khi làm lưới chị cũng  kiếm được hơn 2 triệu đồng/tháng, nên cuộc sống bớt khó khăn. Chỉ cần tiện tặn một chút, cộng thêm tiền công đi biển của chồng, là chị có thể chi phí cho con cái học hành, có việc làm quanh năm và có nguồn thu nhập ổn định để cải thiện đời sống.

Không riêng gì chị Nhung, mà hầu như phụ nữ ở vùng biển này có nghề làm lưới  đã tạo việc làm tăng thu nhập cho chị em, giải quyết được phần nào kinh tế của gia đình, tuy thu nhập chưa cao nhưng đã tận dụng thời gian của lao động nhàn rỗi trong gia đình tham gia sản xuất; đặc biệt hạn chế được tình trạng chị em rỗi việc và ly hương, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo diện mạo mới cho vùng quê ven biển.

         Bài, ảnh: Ngọc Đức

.