Nông dân Ba Tơ được hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch mía đạt hiệu quả cao

08:01, 11/01/2011
.

(QNg)- Vụ mía 2010-2011, nông dân huyện Ba Tơ đã trồng và lưu gốc trên 700 ha mía. Nhờ được Nhà máy Đường Phổ Phong hỗ trợ giống và kỹ thuật đầu tư chăm sóc nên mía phát triển tốt, hiện đã đến kỳ thu hoạch. Để nâng cao năng suất và chất lượng đường trong mía, cùng với phát phiếu thu hoạch, Nhà máy Đường Phổ Phong còn hướng dẫn kỹ thuật đốn chặt mía đến bà con nông dân.

Ông Phạm Văn Phạm, ở thôn Làng Măng, xã Ba Dinh khai hoang diện tích đất gò đồi để trồng 1 ha mía. Những vụ trước trên 1 ha đất ông chỉ thu được 33 tấn, bán được 23 triệu đồng, trừ chi phí chẳng còn lãi bao nhiêu. Nguyên nhân là khi thu hoạch người dân chặt quá cao từ mặt đất lên chừa lại 20 cm. Thu hoạch như vậy vừa mất năng suất, chất lượng đường cũng chỉ được 8-9 CCS. Năm nay  nhờ dược nhà máy hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch chặt sát gốc nên trên diện tích này,  anh thu được 40 tấn và chữ đường đạt 9-10 CCS, thu nhập gần 40 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi hơn 20 triệu đồng.
 
Nông dân Ba Dinh thu hoạch mía theo kỹ thuật.
Nông dân Ba Dinh thu hoạch mía theo kỹ thuật.

Trong 10 ngày đầu thu hoạch mía, Nhà máy Đường Phổ Phong đã thu mua của nông dân huyện Ba Tơ hơn 1 ngàn tấn mía cây. Theo đánh giá thì chất lượng đường trong mía được tăng lên. Vụ mía trước năng suất của mía ở huyện miền núi này chỉ ở mức 33 tấn/ha và chữ đường cũng ở mức 7- 8 CCS. Năm nay số lượng mía lưu gốc đã thu hoạch năng suất tăng lên 40 tấn/ ha. Một số diện tích mía tơ cho năng suất từ 58- 60 tấn/ha. Như vậy năng suất mía bình quân ở Ba Tơ có thể tăng lên 50 tấn/ha. Cùng với việc phát phiếu đốn chặt mía, Nhà máy Đường Phổ Phong đang phối hợp với các xã Ba Dinh, Ba Tô, Ba Chùa là vùng trọng điểm mía để hướng dẫn bà con kỹ thuật đốn chặt mía.

Ông Trần Văn Thư - Trưởng Trạm nguyên liệu mía Ba Tơ (Nhà máy đường Phổ Phong) cho biết: Trước đây bà con trồng mía khi thu hoạch chặt mía quá cao vừa ảnh hưởng đến năng suất vừa ảnh hưởng đến chất lượng. Vì thế bước vào vụ mía năm nay chúng tôi vừa phát phiếu vừa hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch cho bà con. Đây cũng là biện pháp để nâng năng suất và trữ lượng đường, đồng thời cũng giúp cho mía nảy mầm tốt hơn vào vụ sau.

Với hơn 700 ha mía được bà con nông dân trồng và lưu gốc chăm sóc trong vụ mía 2010- 2011, mà mỗi khi thu hoạch bị hao hụt đi 5-6% thân cây mía và chất lượng đường thì rất đáng tiếc. Việc Nhà máy đường và chính quyền các xã tăng cường hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch mía là điều đáng ghi nhận. Đây là cơ sở để nâng cao năng suất, trữ lượng đường trong mía, đồng thời tạo cho cây mía nảy mầm tốt cho những vụ sau.

  Bài, ảnh: Công Hiền

.