Muối Sa Huỳnh: Của biển trả lại cho biển

10:10, 27/10/2010
.

(QNĐT)- Hàng ngàn tấn muối của diêm dân Sa Huỳnh đang đứng trước nguy cơ trôi ra biển vì bị tồn đọng và không được bảo quản chu đáo trong mùa mưa bão. Trong khi đó, cuộc sống của hàng trăm hộ diêm dân hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
     
* Lạy trời đừng mưa
Cứ mỗi khi nghe thông tin mưa bão, bà Nguyễn Thị Điệp ở thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ lại đứng ngồi không yên. Bởi vì gia đình bà còn tồn đọng đến hơn 25 tấn muối đang phải phủ  ni lông ở ngoài đồng.
 
dfsd
Khu đất phía trước nhà máy muối tinh chất lượng cao Sa Huỳnh (đang chờ thanh lý) cũng được diêm dân dùng làm nơi chất muối.

Cứ mỗi khi mưa, vợ chồng bà lại tất tả đội mưa ra đồng che chắn cẩn thận, phòng tránh gió giật bạt che phủ bên trên làm tan muối. Nhiều lúc, cả gia đình phải thức trắng đêm lội mưa đi thăm muối.

Nhìn những đống muối cao ngất nằm bên lề Quốc lộ 1A, bà Điệp thở dài: “Lạy trời đừng mưa, kẻo bao nhiêu tiền của, công sức lại trôi ra biển mất thôi”.   

Gia đình bà Điệp có 7 nhân khẩu, được chia khoảng 4 sào ruộng muối. Trong vụ vừa qua, gia đình bà thu hoạch trên 10 tấn muối. Bên cạnh đó, bà còn gom vốn để mua tích trữ hàng chục tấn với hy vọng giá muối sẽ ở mức cao như vào thời điểm cuối vụ năm 2009.

Nhưng không thể ngờ là giá muối lại ở mức chỉ từ 300 – 500 đồng, thậm chí có khi chẳng có người mua. Bà Điệp đành phải thuê xe và nhân công chuyển muối đến tận các huyện miền núi trong tỉnh để bán lẻ với giá gần 1.000 đồng/kg.

Tuy không đủ vốn đã bỏ ra, nhưng bà vẫn phải bán với hy vọng kiếm lại chút đỉnh chứ không khéo thì chỉ một đợt mưa bão là hàng chục tấn muối của bà lại hòa tan vào nước biển, cuộc sống của cả gia đình chẳng biết bám víu vào đâu? Nhưng hiện tại cũng không có người mua muối vì nhu cầu sử dụng cũng có hạn.

Chị Trần Thị Lượng ở thôn Tân Diêm cũng đang rất lo lắng vì sợ mưa bão. Với 1,5 sào ruộng muối, trong vụ vừa qua, gia đình chị thu hoạch hơn 3 tấn, nếu ở thời điểm cuối vụ năm ngoái cũng thu về trên 7 triệu đồng, một số tiền khá lớn đối với gia đình chị. Nhưng do giá muối thời điểm đầu và giữa vụ quá thấp, nên chị đã tích trữ để chờ giá muối cao hơn.

Không ngờ đến cuối vụ lại bán không được. Cuộc sống của cả gia đình đang gặp nhiều khó khăn với 3 người con đang đi học. Vợ chồng anh chị phải đi làm thuê đủ thứ nghề để lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình.

* Nguy cơ muối trở lại… biển
Theo ông Nguyễn Duy Trinh – Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh thì trong vụ muối năm 2010, diêm dân trong xã thu hoạch hơn 9.500 tấn muối. Khi được tin Nhà nước có chính sách mua muối hỗ trợ giá, nhiều người rất phấn khởi vì muối được mùa, lại tiêu thụ được sản phẩm, cuộc sống chắc sẽ được cải thiện hơn. Nhưng khi hay tin không thu mua muối Sa Huỳnh do lẫn tạp chất thì niềm vui của diêm dân như quả bóng bị xì hơi.
 
ASdas
Chỉ một trận mưa thì muối lại quay ra biển.

Cũng theo ông Trinh, hiện tại toàn xã có hơn 4.000 tấn muối ứ đọng, chỉ được bảo quản thô sơ với phương pháp phủ bạt ni lông. Vì không bán được muối, nên cuộc sống của hầu hết diêm dân trong xã đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người phải ly hương vào các tỉnh phía Nam kiếm sống, hoặc đi làm thuê ở địa phương với mức thu nhập hết sức bấp bênh.

Đi dọc Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Phổ Thạnh, hai bên lề đường toàn muối là muối. Muối ở đây chỉ được bảo quản bằng bạt ni lông hoặc những mảnh tranh, rạ che chắn tạm bợ. Nhiều ụ muối nằm cạnh mép nước, chỉ một đợt lũ là bao nhiều tiền của, công sức của diêm dân dễ dàng tan theo bọt nước. Lý giải về việc bảo quản sơ sài, nhiều diêm dân ngao ngán thở dài: Nhà của chúng tôi còn bị dột ướt mà chưa biết lấy gì che chắn, nói gì đến muối?!

TIN LIÊN QUAN
Theo những diêm dân ở địa phương thì trong các mùa mưa bão trước đây, cũng đã xảy ra tình trạng nước lũ cuốn trôi muối. Chỉ trong một đêm, hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn muối đã quay trở lại… biển.

Được biết, toàn xã Phổ Thạnh hiện có khoảng 850 hộ với gần 3.000 nhân khẩu sống phụ thuộc vào nghề làm muối. Và để có được hạt muối, người diêm dân phải dãi nắng dầm sương, bán mặt cho… muối bán lưng cho trời. Nhưng hiện tại, họ cũng không biết làm gì hơn để bảo vệ thành quả lao động của mình khi mà còn phải lo cho cái ăn, cái mặc và căn nhà bị dột ướt trong mùa mưa bão.

Chẳng biết nghề muối ở Sa Huỳnh rồi sẽ đi về đâu khi mà người diêm dân luôn gặp cảnh được mùa – mất giá và ngược lại, trong khi đó chính sách hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa đến được với hạt muối Sa Huỳnh?  
                                                                    Bài, ảnh: Trang Thy

.