Các công trình thủy lợi đang khát vốn!

08:07, 01/07/2010
.

(QNg) - Không thể phủ nhận vai trò tích cực của các hồ chứa nước, đập dâng trong việc cung cấp nước sản xuất cho cây trồng, vật nuôi và cải thiện môi trường. Tuy nhiên sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều hồ đập đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị vỡ trong mùa mưa lũ, nhưng vẫn chưa được đầu tư sửa chữa.

 Nỗi lo khi mùa mưa, lũ đến Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 110 hồ chứa nước lớn nhỏ, 324 đập dâng trên sông, 93 trạm bơm, cùng hàng ngàn km kênh và công trình trên kênh. Các công trình này hằng năm cung cấp cả tỷ m3 nước tưới cho 56.130 ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt cho người và gia súc... Thế nhưng mưa lũ liên tiếp xảy ra gần đây làm các công trình trên bị thiệt hại nghiêm trọng. Theo ước tính của ngành nông nghiệp, đã có hàng trăm ngàn m3 đất, đá bị cuốn trôi; nhiều hồ đập bị hư hỏng nặng; hàng ngàn mét kênh cấp I, II bị sạt lở gây khó khăn cho việc điều tiết, phân bổ nguồn nước tưới. 
 
 
Hồ Tuyền Trung vừa thử tải đã bị rò rỉ nước phải sửa chữa
Hồ Tuyền Trung vừa thử tải đã bị rò rỉ nước phải sửa chữa

Ông Phạm Văn Ơn - Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh cho biết: Hầu hết công trình thủy lợi trên được xây dựng từ năm 1980 trở về trước và đều thực hiện theo quy phạm thiết kế có tần suất lưu lượng lũ thấp hơn so với thiết kế. Thêm vào đó, hầu hết những công trình này đều được xây dựng bằng phương pháp đắp đất thủ công nên nhanh xuống cấp. Do đó khả năng trụ được trước những cơn lũ khắc nghiệt là rất khó. 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay ở nhiều công trình thủy lợi,  nước rò rỉ ra sau đập và 2 bên mạn cống - đó là dấu hiệu của sự hư hỏng. Một số công trình xuống cấp như: Đập Bến Thóc, Ba La, Điện An, Sông Giang, hồ Hóc Sầm, hồ Hóc Bứa... Các công trình này đang rất cần kinh phí sửa chữa.

Ông Đoàn Công Phụng - Chủ tịch UBND xã Bình Tân lo lắng: Mỗi mùa mưa lũ đến, người dân sống ven hồ Hóc Bứa rất sợ hồ bị vỡ như đập Phụng Hoàng trước đây. Bởi hồ Hóc Bứa trên địa bàn xã hiện đã xuống cấp nên vào mùa mưa lũ, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Để người dân yên tâm sống ở gần hồ thì tỉnh, huyện cần nhanh chóng đầu tư sửa chữa, nâng cấp. 

Hư hỏng nhiều, khắc phục ít Để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ. Thời gian qua, ngành thủy lợi đã nỗ lực khắc phục một số công trình hư hỏng để kịp phục vụ nước tưới cho cây trồng. Tuy nhiên những khắc phục đó chỉ mới dừng lại ở mức độ "chữa cháy", còn để những công trình được ổn định lâu dài thì cần phải đầu tư kiên cố. Theo Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 60 hồ, đập vừa và nhỏ, 2 trạm bơm và 3 tuyến kênh do các địa phương quản lý, vận hành bị hư hỏng, dẫn đến hiệu quả tưới tiêu thấp. Trong đó: Bình Sơn có 10 hồ, đập. Các huyện Tây Trà, Minh Long, Sơn Tịnh, Ba Tơ, Mộ Đức, Tư Nghĩa có từ 6 đến 8 hồ đập... Nhiều hồ đập ở cụm đầu mối bị xói lở tràn xả lũ, thấm nước qua thân đập, sụt lún bể tiêu năng, cống lấy nước rò rỉ, sạt mái thượng hạ lưu đập đất... vẫn chưa có kinh phí để khắc phục. 

Ông Nguyễn Lập - Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty thủy nông) cho biết: Hầu hết các công trình thủy lợi ở tỉnh ta đã xuống cấp và thiếu an toàn trong vận hành. Khó khăn hàng đầu của ngành thủy lợi hiện nay là vốn. Không thể hoàn toàn trông chờ vào nguồn ngân sách của tỉnh, chúng tôi đành "dựa" phần lớn vào nguồn thu thủy lợi phí. Thế nhưng công tác thu thủy lợi phí luôn gặp khó khăn nên chúng tôi chỉ còn cách "giật gấu vá vai", làm trước, nợ trả sau. Còn bây giờ, nguồn thu thủy lợi phí không còn, khiến việc đầu tư, nâng cấp các công trình rất khó khăn.

Để khắc phục tạm thời thiệt hại do mưa bão và nâng cấp một số hạng mục công trình, tỉnh phân bổ kinh phí cho Công ty 10 tỷ đồng sửa chữa 111 hạng mục, công trình. So với thực tế thì nguồn kinh phí này chưa thấm vào đâu. Nếu không được sửa chữa, vấn đề an toàn đối với các hồ chứa nước đang xuống cấp là nỗi lo lớn của người dân sống gần hồ đập khi mùa mưa, bão đến.

Điều này cho thấy, hơn lúc nào hết, các công trình thủy lợi của tỉnh đang cần sự ưu tiên đầu tư kinh phí nâng cấp, nhằm đảm bảo sự ổn định lâu dài, chống chọi được với diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp.    
                  Bài, ảnh: B.S

.