Hiệu quả từ phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Mộ Đức

11:06, 28/06/2010
.

(QNg) - Những năm trở lại đây, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) ở huyện Mộ Đức phát triển mạnh mẽ. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đã được phát triển và nhân rộng, góp phần tích cực xoá đói, giảm nghèo cho hội viên nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương.

*Những triệu phú nông dân
Theo lời giới thiệu của ông Phan Văn Huyên- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộ Đức, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi  của gia đình ông Võ Sĩ Vàng, ở thôn Phước Lộc, xã Đức Phú. Tận mắt chứng kiến cả một khu đồi hoang hoá xưa kia, nay đã được quy hoạch thành một mô hình vườn đồi với 32 ha rừng trồng cây lâm nghiệp đang xanh tươi tràn đầy sức sống. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình của gia đình, ông Võ Sĩ Vàng tâm sự: Năm 2005 được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương tạo điều kiện về giao đất, cho vay vốn phát triển sản xuất, ông đã nhận 27ha đất rừng để trồng và chăm sóc. Từ dự án WB3, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ cho vay 270 triệu đồng để phát triển kinh tế rừng. Trên diện tích 27 ha ông trồng 60.000 cây keo lai.
 
Mô hình trồng hoa màu - một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Mộ Đức.
Mô hình trồng hoa màu - một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Mộ Đức.

Thấy mô hình phát triển kinh tế trồng rừng đem lại lợi ích cao, năm 2007 ông quyết định trồng mới thêm khoảng 5 ha keo lai, nâng tổng diện tích trồng rừng hiện nay của gia đình ông lên 32 ha. Đến nay sau 6 năm,  một số diện tích rừng trồng đã bắt đầu thu hoạch. Theo ước tính của ông với diện tích trên, khi thu hoạch sẽ cho thu nhập khoảng trên 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí ông lãi khoảng trên 100 triệu đồng/năm. Song song với phát triển rừng, gia đình ông còn đầu tư nuôi 10 con bò sinh sản, chăn thả tại rừng. Từ mô hình này, trừ tất cả các chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 100-120 triệu đồng.

Khác với ông Vàng, ông Trần Độ ở thôn Phước An, xã Đức Hòa lại chọn mô hình chăn nuôi, trồng trọt… để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2005 ông đầu tư xây dựng chuồng trại, cải tạo vườn, vừa chăn nuôi gà, vừa kết hợp trồng trọt. Đến nay, gia đình ông thả nuôi hơn 2.000 con gà thịt và  hơn 200 gà đẻ, với hơn 2000 gốc chanh, 7.000 cây chuối và gần 30 ha rừng. Cần mẫn "lấy ngắn  nuôi dài", kết hợp với ứng dụng KHKT vào sản xuất nên thu nhập của gia đình ông ngày một tăng cao.
 
Không dừng lại ở đó, năm 2008 ông còn đầu tư hơn 400 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua heo rừng lai về nuôi. Hiện trang trại heo rừng của ông Độ có 50 heo cái sinh sản, 11 heo đực giống, và hơn 100 heo con. Trang trại của ông nhận cung cấp giống cho các trang trại trong và ngoài tỉnh, cung cấp heo thịt thương phẩm cho nhiều nhà hàng tại Tp HCM, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…

Đến nay, từ mô hình sản xuất kinh doanh đa dạng này, trừ hết chi phí, lợi nhuận mang lại cho gia đình ông hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Nhờ vậy ông Độ đã xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư cho con cái học hành và giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương. Không chỉ ông Vàng, ông Độ mà nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn huyện Mộ Đức cũng làm giàu chính đáng từ phong trào này. Trong số họ, nhiều người đã trở thành triệu phú của xã, thôn.

* Giúp nhau làm giàu
Từ phong trào NDSXKDG đã tập hợp được những nông dân SXKDG trở thành lực lượng nòng cốt đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phong trào đã khích lệ động viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác thế mạnh của địa phương.

Đến nay Mộ Đức đã có 4.219 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp. Trong đó có 5 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG cấp Trung ương; 58 hộ cấp tỉnh, 465 hộ cấp huyện và 3.826 hộ cấp cơ sở. Đạt được kết quả này, ngoài nỗ lực của mỗi cá nhân, trong những năm qua Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

 Thông qua Trung tâm Giới thiệu việc làm, Hội Nông dân tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo sơ cấp nghề chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nông nghiệp… cho hàng trăm  hội viên; tham quan học hỏi những kinh nghiệm và mô hình hay để áp dụng vào địa phương. Đồng thời, Hội vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ cho các hội viên, hướng dẫn hội viên lập các dự án sản xuất và chăn nuôi bò sinh sản; phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN& PTNT  huyện vay trên 50 tỷ đồng  cho hơn 4.100 lượt hộ nông dân vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Không những thế, nhiều hộ sản xuất giỏi còn đóng góp hàng chục triệu đồng để làm đường giao thông, thủy lợi, ủng hộ các hoạt động nhân đạo từ thiện…

Tất cả những việc làm này đã góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương làm tốt công tác giảm nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 23,64% (năm 2005) xuống còn 13,66% (năm 2009), dự kiến phấn đấu đến cuối 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,92%.

Có thể nói phong trào nông dân SXKDG ở Mộ Đức không chỉ giúp nhiều nông dân địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn là động lực cho nhiều nông dân khác noi theo.

Ngọc Đức

.