Đời thúng

04:06, 16/06/2010
.
Bài II: Trắng đêm giữa biển Trường Sa

NGÀY THUYỀN, ĐÊM THÚNG
Cứ 5 giờ chiều, tàu mẹ lượn một vòng rải các thúng con. Mỗi thúng chở một ngư dân câu mực trụ lại giữa biển. Khoảng mờ sáng, thuyền mẹ lại lượn một vòng gom đám thúng con trở về.

"Đêm nay có gió, rải anh em ở gần gần, lỡ có gì thì hớt lên tàu cho kịp... Bữa nay có mây đụn như đuôi chồn, tối nay coi chừng có gió lốc" - Chiều nào đi rải thúng xuống biển, các thuyền câu mực cũng nối máy với nhau như một phiên "giao ban" trực tuyến. Và những đêm có gió, lòng dạ các ngư dân dưới thúng luôn phập phồng không yên. Câu mực thì phải thức trắng đêm, ban ngày chỉ được ngủ bù 4 tiếng. Chính vì vậy các ngư dân phải có phương thuốc để trị: Uống nước tăng lực, hát hò, nói chuyện qua máy bộ đàm cá nhân.
 
 
 Đưa thúng lên thuyền đi câu.
Đưa thúng lên thuyền đi câu.
Hiện nay ngư dân mỗi thúng đều sắm một bộ đàm để nối với máy mẹ trên tàu và các thúng khác. Và chương trình đêm khuya trên biển bắt đầu bằng những câu chuyện tiếu lâm. Thuyền nào có nhiều tay tổ tiếu lâm thì anh em ngư dân thêm được nụ cười. Chương trình sau cùng là hát hò đến khản cổ. Tiếng hát trong đêm đen - giữa biển Trường Sa dù có bị sóng và gió cuốn đi, nhưng âm thanh tô hồng sự gian khó. Đêm trên biển Trường Sa, mặt biển nổi dày đặc những đốm sáng - ánh mắt của các loại cá. Đôi khi những chiếc thúng bị một vòng cá dữ vây quanh. "Lúc đó mình phải nín thở, cầu “ổng” bỏ đi chỗ khác chớ đừng quần hoài, làm úp thúng của mình" - một ngư dân thổ lộ.

Đêm câu mực, các anh chắc thường nhớ nhà? Nghe tôi hỏi, các ngư dân trên thuyền ông Quý đồng thanh: "Tới sát đảo thì có sóng, còn ngoài khơi thì không. Tụi tui chỉ ước có cái điện thoại gọi được về tới nhà nói chuyện với bà xã và mấy đứa con. Hổng biết bao giờ người ta phát minh ra được thứ đó". Lúc đi xa, gia đình là điểm tựa để các ngư dân tăng thêm nguồn lực chống chọi với những hiểm nguy. Bất hạnh từng ập đến với một ngư dân câu mực khơi ở xã Bình Chánh - người vợ ở nhà không thủ tiết chờ chồng. Vậy là chị dứt áo ra đi theo người khác. Sau lưng chị là căn nhà trống hoác với 3 đứa con bơ vơ. Cuộc sống mới không hạnh phúc, người đàn bà này đã vén tóc, quay về nài nỉ được đoàn tụ với người chồng già...

PHIÊU DẠT KHI ĐÊM XUỐNG
Ngư dân Huỳnh Ngọc Anh (57 tuổi) ngụ ở xã Bình Chánh kể chuyện phiêu dạt của mình: Đợt đó chú ra đi bạn với ghe câu mực ở Đà Nẵng. Gần tới nửa đêm, gió thổi một luồng, vậy là anh em thúng trôi tứ tản. Suốt 3 ngày 3 đêm nhìn đâu cũng chỉ thấy nước, không thấy bóng dáng một chiếc thuyền. Thức ăn hết, phải lấy túi nylon hứng nước đái uống cầm cự. Và cứ nghĩ “chắc mình chết khô như con mực đắng”. May mà tàu mẹ quần tới vớt được. Vợ chồng chỉ có một mụn con nên ông ráng đi khơi kiếm tiền nuôi con, đang học đại học tại TP.HCM.

Mối đe dọa đối với ngư dân làm nghề câu mực khơi đến từ mọi phía: Ngủ gục, trúng gió trên thúng ngã xuống nước, lượn mòi (sóng) bất thần tràn vào nửa thúng... Ngư dân Huỳnh Dần kể: Gió ngoài Trường Sa thì rất khó lường. đôi khi đang im im thì chỉ vài phút sau gió thổi ầm ầm. Bây giờ có máy thông tin cũng đỡ, hồi trước kia cứ bị trôi thúng là khóc trước cái đã.

"Thúng không" - ngư dân câu mực khơi sợ nhất là hai tiếng này. Cứ sáng sớm thuyền mẹ đến vớt mà nghe la to: "Thúng không, không có ai!". Điều đó có nghĩa là mất một người. Năm nào cũng có tai nạn. Năm 2009 mất tích 2 người. Từ đầu năm đến nay lại có thêm 2 ngư dân bị tử nạn trên biển.

Năm 2009 chiếc thuyền QNg 5539 TS của ông Huỳnh Dần thả ngư dân xuống thúng. Khi phát hiện ngư dân Nguyễn Văn Minh mất tích, thuyền ông Dần điện cho các thuyền khác bổ đi tìm. Mãi đến sáng ngày thứ 4, các ngư dân mới phát hiện ra chiếc thúng đã trôi dạt 60 hải lý. Dù trên thúng rỗng không, các ngư dân vẫn lao xuống và đưa tay sờ soạng những vật dụng lạnh lẽo còn sót lại - một nắm mì tôm sống vương vãi, chai dầu gió Trường Sơn lăn lóc, chiếc radio sắp hết pin thỉnh thoảng vẫn sặc lên những âm thanh yếu ớt. Đặng Thành Vũ (18 tuổi) - chàng ngư dân đẹp trai và trẻ nhất trên thuyền Nguyễn Ngọc Quý bước chân theo cha xuống thuyền đi câu. Số tiền 2 cha con kiếm được để nuôi anh trai đang học Đại học Bách khoa và người em gái chuẩn bị vào lớp 10. "Ra biển, lưu bài hát trong điện thoại để tối hò cho mấy anh, mấy chú đỡ buồn chớ?" - Nghe tôi hỏi, Vũ bật một bài, tay lốc cốc gõ xuống mạn thuyền: "Rồi một ngày em đến, biển hát em nghe, bài hát có những niềm vui thật vui...".
Con thuyền nhổ neo, một thoáng đã thành dấu chấm nhỏ nơi chân trời...

   Bài, ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG

.