Phòng chống thiên tai với phương châm lấy phòng ngừa là chính

08:07, 22/07/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu; diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường. Để tăng tính chủ động, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cần lấy phương châm phòng ngừa là chính.
 
Biển Đông Việt Nam thuộc khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, mỗi năm hình thành khoảng 30 cơn bão, chiếm gần 40% tổng số cơn bão trên toàn cầu. Chính vì vậy, Việt Nam là một trong những nước phải hứng chịu nhiều đợt bão lũ nhất trên thế giới, với khoảng gần 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trung bình mỗi năm.
 
Thêm vào đó, biến đổi khí hậu và những hành động gây tác hại đến môi trường đã và đang tác động nhanh, mạnh hơn đến nước ta, khiến cho thiên tai khốc liệt, dị thường xảy ra liên tục khắp các vùng miền trong cả nước. Vì thế, việc điều chỉnh những hành vi ứng xử của con người, nâng cao nhận thức của mỗi người về phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cần phải được coi trọng.
 

 

 

Năm 2017, nước ta đã hứng chịu 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Mưa bão, lũ ống, lũ quét, vỡ đê đã cuốn phăng mất 60.000 tỷ đồng cùng nhà cửa, ruộng vườn, gia sản của người dân, gần 400 người chết và mất tích do thiên tai và mưa lũ.

 
Từ đầu năm 2018, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, rét đậm, rét hại, dông lốc, mưa đá, nắng nóng liên tục xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của người dân và nhà nước.
 
Thiên tai làm 75 người chết và mất tích, 48 người bị thương; trên 500 nhà bị đổ, sập, trên 12.000 nhà bị hư hại, gần 2.000 nhà bị ngập, trên 14.000 ha lúa và hoa màu, 1.600 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại; tổng thiệt hại về kinh tế trên 860 tỷ đồng.
 
Theo Bộ NN và PTNT, mỗi năm thiên tai ở Việt Nam làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng ngàn người, thiệt hại về tài sản trên dưới 1,5% GDP/năm. Bão lũ ngày càng hung dữ, không theo quy luật. Tình trạng hạn hán, xâm mặn, sạt lở bất thường, nghiêm trọng diễn ra không chỉ do thiên tai mà thực tế cho thấy còn do cả nhân tai. Nhiều hành động của con người chính là tác nhân khiến cho bão lũ nặng nề thêm và nguy hại hơn.
 
Tại các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên hay vùng núi Bắc Trung Bộ, lũ quét, sạt lở đất không phải do địa hình phức tạp, độ dốc lớn, mưa to mà xuất phát từ hành động phá rừng của con người. Những cánh rừng không ngừng bị xâm phạm. Có nhiều nơi, nạn phá rừng không thể kiểm soát nổi.
 
Việc phát triển kinh tế, công nghiệp hóa tốc độ cao mà không tính toán đến tác động của môi trường gây hiệu ứng nhà kính và nước biển dâng ngày càng lớn. Ngay tại các thành phố, tình trạng chưa mưa đã ngập, phố biến thành sông cũng là do con người xây dựng đường sá, công trình thiếu quy hoạch, không tính toán đến phương án thoát nước. 
 
Thiên tai, bão lũ ngày càng phức tạp và biến đổi thất thường. Cho dù không chống được thiên tai thì chúng ta hoàn toàn có thể phòng, tránh, giảm nhẹ được thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra. Con người ứng xử với thiên nhiên như thế nào sẽ bị đáp trả như vậy. Những thiệt hại về người và tài sản sau những trận mưa lũ, thiên tai chính là lời cảnh báo từ thiên nhiên đòi hỏi mỗi cá nhân phải có thái độ ứng xử đúng đắn hơn với môi trường sống của chính mình./. 
 
PV

.