Mua thuốc cho con phải mang chứng minh nhân dân: Không khả thi

07:05, 13/05/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Thông tư 52 của Bộ Y tế về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú quy định, từ ngày 1.3.2018, đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi bắt buộc phải ghi thêm tên, số chứng minh nhân dân của cha hoặc mẹ của trẻ hoặc người giám hộ. Theo giới chuyên môn và người dân, quy định này không khả thi.

TIN LIÊN QUAN

Không cần thiết
 
Theo quy định tại Thông tư 52,  điểm mới so với các quy định trước là khi kê toa thuốc đối với trẻ dưới 72 tháng tuổi thì phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số chứng minh nhân dân hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.
 
Như vậy, bắt buộc khi đi khám, chữa bệnh cho trẻ dưới 72 tháng tuổi, bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ phải đem theo chứng minh thư nhân dân để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên vào toa thuốc. 
 
Khi có đơn thuốc với đầy đủ thông tin trên thì nhà thuốc mới bán thuốc. Nếu phát hiện việc bán thuốc mà không ghi chứng minh nhân dân trên toa thuốc của trẻ dưới 72 tháng tuổi tại các nhà thuốc, cơ quan chức năng sẽ xứ lý trách nhiệm của nhà thuốc và trách nhiệm của bác sĩ kê đơn.
 
 
Mua thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải mang giấy chứng minh nhân dân
Mua thuốc cho trẻ dưới 72 tháng tuổi phải mang giấy chứng minh nhân dân của bố, mẹ hoặc người giám hộ là không cần thiết.
 
Lý giải của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), như thế là để đảm bảo tính chuyên môn trong việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả; quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc lạm dụng kháng sinh cho trẻ đang diễn ra phổ biến hiện nay.
 
Sau hơn 2 tháng thông tư có hiệu lực, nhiều cơ sở y tế vẫn chưa thực hiện. Theo giới chuyên môn và người dân, quy định này không khả thi, gây phiền hà, rắc rối, mất thời gian của người dân và bác sỹ. 
 
Nhiều bác sỹ được hỏi nhìn nhận, quy định này không thực tế bởi khi trẻ phát bệnh bố mẹ hoặc người thân đưa đi viện chỉ kịp mang theo thẻ BHYT, đưa đi đến phòng khám tư thì ít khi nhớ đến việc mang theo chứng minh nhân dân. 
 
Nhiều bố, mẹ khi đi khám bệnh cho con, bác sỹ hỏi số chứng minh nhân dân còn không nhớ. Đó là chưa kể có những gia đình bố mẹ đi xa, con ốm đau phải nhờ người khác đưa con đi khám bệnh, mua thuốc, gây khó cho các gia đình.
 
Cùng quan điểm, chủ nhà thuốc Thành Phát, trên đường Hùng Vương TP. Quảng Ngãi cho rằng, quy định không thực tế nên rất khó triển khai thực hiện. Từ khi quy định này có hiệu lực thi hành, chưa có toa thuốc nào của trẻ dưới 72 tháng tuổi được bố mẹ mang đến mua thuốc ở nhà thuốc này có ghi số chứng minh nhân dân. 
 
“Muốn quản lý tốt việc lạm dụng kháng sinh cho trẻ, các cơ quan chức năng cần kiểm soát tốt việc hành nghề của bác sỹ. Chứng minh nhân dân trong trường hợp này không giải quyết được vấn đề” - chủ nhà thuốc Thành Phát nói.
 
 

Muốn quản lý tốt việc lạm dụng kháng sinh cho trẻ, cần kiểm soát tốt việc hành nghề của bác sỹ hơn là ghi chứng minh nhân dân.

 
Anh Nguyễn Thành Tấn, ở xã Nghĩa Thắng, Tư Nghĩa đưa con 27 tháng tuổi đi khám bệnh cho biết, khi đến phòng khám tư, bác sỹ có hỏi chứng minh nhân dân, nhưng anh không mang theo lại không nhớ số.
 
"Chúng tôi là người dân, con đau thì đưa đi khám, mua thuốc cho con uống, tin vào lương tâm và trách nhiệm của bác sỹ. Nếu muốn quản lý việc kê đơn, tôi nghĩ nên ghi đầy đủ thông tin bác sỹ, thông tin nhà thuốc hơn là chứng minh nhân dân của cha, mẹ” - anh Tấn chia sẻ.
 
Đang góp ý sửa đổi
 
Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) Phạm Văn Túc cho biết, sau khi Thông tư 52 ban hành, sở đã triển khai đến các đơn vị, địa phương trong tỉnh để thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, theo phản ánh của các đơn vị, việc này làm tăng thủ tục hành chính, làm mất thời gian. 
 
Trước phản ánh của giới chuyên môn và người dân, ngày 6.4.2018, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã có công văn 372 ghi nhận những kiến nghị cần điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn và đã xây dựng dự thảo thông tư bổ sung, sửa đổi chờ ý kiến đóng góp từ các địa phương, đơn vị. Sở cũng đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 52 từ các đơn vị để tổng hợp báo cáo gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh.
 
“Trong thời gian chờ ý kiến đóng góp vào dự thảo, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân dưới 72 tháng tuổi cần linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng không có hoặc quên chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh” - ông Túc cho biết thêm.
 
 
Bài, ảnh: A.KIỀU
 
 

.