Luật BHYT (sửa đổi): Quyền lợi người bệnh đảm bảo khi khám, chữa bệnh đúng tuyến

09:03, 08/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày 1.1.2015, Luật BHYT (sửa đổi) bổ sung một số điều của Luật BHYT chính thức có hiệu lực. Với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung, trong đó đáng chú ý là quy định về khám chữa bệnh vượt tuyến. Đến nay đã hơn 2 tháng áp dụng, nhưng không ít người dân vẫn “chưa thông”, lo lắng đến quyền lợi của họ trong khám chữa bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Siết chặt vượt tuyến

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau hơn một tháng thực hiện Luật BHYT (sửa đổi), nhiều bệnh nhân vẫn tỏ ra bất ngờ trước quy định mới. Đặc biệt, đối với một số bệnh nhân tham gia BHYT mắc các bệnh mãn tính như: Huyết áp, tiểu đường, viêm gan siêu vi… phải đi khám, xét nghiệm, lấy thuốc định kỳ. Trước đây, họ chấp nhận chỉ được hưởng 50% chi phí khám bệnh ở tuyến trên thay vì phải xin giấy chuyển viện ở tuyến dưới. Nay theo quy định mới, họ sẽ không được bảo hiểm thanh toán nếu đi trái tuyến và không nhập viện điều trị. Tại Khoa Khám bệnh – BVĐK Quảng Ngãi vào những ngày đầu tháng 3, nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT nhưng thuộc diện khám chữa bệnh ngoại trú phải ngậm ngùi thanh toán 100% chi phí.
 

 

Người dân chấp nhận khám trái tuyến bởi một phần chưa an tâm vào chất lượng điều trị ở tuyến cơ sở. (Ảnh minh họa)
Người dân chấp nhận khám trái tuyến bởi một phần chưa an tâm vào chất lượng điều trị ở tuyến cơ sở. (Ảnh minh họa)

Anh Trần Văn Chiến (42 tuổi) ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) vừa được siêu âm, bác sĩ Bệnh viện ĐK tỉnh chẩn đoán viêm đại tràng, chia sẻ: “Lâu nay, tôi và gia đình hay trực tiếp xuống bệnh viện tỉnh để khám bệnh cho chắc ăn, mà không xin giấy giới thiệu ở Trạm y tế xã. Không ngờ hôm nay khám như thế này phải tự trả hoàn toàn chi phí khám ngoại trú”. Hầu hết bệnh nhân có BHYT mà vượt tuyến khám, chữa bệnh là do không tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới. Bà Trần Thị Mai, ở xã Đức Chánh (Mộ Đức), cho biết: “Nhiều lần bị đau, tôi đi khám ở tuyến huyện nhưng bệnh tình không thuyên giảm, tôi đành lên tuyến tỉnh khám. Dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nếu không được BHYT hỗ trợ một phần chi phí khi đi khám vượt tuyến nhưng tôi vẫn chấp nhận. Khám, chữa bệnh ở tuyến trên tôi thấy yên tâm hơn!”. Theo thống kê, từ đầu tháng 1 đến nay, BVĐK tỉnh đã có khoảng trên 1.250 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trái tuyến.

Cũng theo quan sát của chúng tôi, lượng bệnh nhân đến khám ở BVĐK tỉnh rất đông nên bác sĩ làm việc chịu nhiều áp lực. Nhiều người bệnh khi chưa hiểu quy định mới nên bức xúc liên tục thắc mắc, khó chịu với nhân viên y tế. Sự không thông suốt này cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận người đến khám và cấp phát thuốc, gây áp lực cho y, bác sĩ.

Theo quy định của luật mới, người bệnh khám ngoại trú tuyến Trung ương sẽ không được hưởng 30% phí thanh toán BHYT như trước. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà Hường- chủ xe khách Quảng Ngãi đi Đà Nẵng thì: Trung bình mỗi ngày 4 xe khách của bà chở hơn 100 hành khách đi khám bệnh tại các bệnh viện Đà Nẵng. Thực tế cho thấy, quy định mới buộc bệnh nhân tự chi trả hoàn toàn nếu khám ngoại trú vượt tuyến nhằm giảm quá tải cho các bệnh viện. Tuy nhiên, “bài thuốc” giảm quá tải này dường như khó có thể phát huy tác dụng, khi không ít bệnh nhân vẫn còn tâm lý thích vượt tuyến, vì nhu cầu khám chữa bệnh nên chấp nhận tốn kém.

Cũng theo phản ánh của bệnh viện các huyện, thành phố, người nhà trẻ em dưới 6 tuổi thắc mắc khi đi khám trái tuyến ở huyện trước đây không bị thu phí khám, nay theo luật mới thì không được miễn giảm. Nhiều phụ huynh cho rằng, đối với trẻ em, nên để muốn khám ở đâu thì khám, không cần giấy giới thiệu sẽ rất phiền hà.

Tăng quyền lợi người tham gia

Tuy thu hẹp quyền lợi của bệnh nhân khám, chữa bệnh ngoại trú vượt tuyến nhưng theo quy định của Luật BHYT (sửa đổi), quyền lợi của bệnh nhân khám, chữa bệnh nội trú vượt tuyến đã được mở rộng hơn. Cụ thể đối với những trường hợp vượt tuyến điều trị nội trú thì mức chi trả còn tăng hơn so với lâu nay. Đơn cử, người điều trị nội trú trái tuyến sẽ được chi trả theo thứ tự tăng dần là 40%, 60%, 70% đối với bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh - huyện. Ông Nguyễn Xuân Sơn ở Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cho biết: “Vợ tôi tôi bị tai biến, đều trị nội trú hơn 10 ngày qua. Nếu trước kia sử dụng thẻ BHYT điều trị nội trú trái tuyến chỉ được chi trả 50% thì nay quỹ BHYT đã chi 60%. Tuy mức hỗ trợ chưa tăng nhiều nhưng đây là sự hỗ trợ kịp thời cho chúng tôi” .

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cơ bản mở rộng quyền lợi, mức hưởng BHYT hơn cho người tham gia. Cụ thể: Luật bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

Luật cũng bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Thân nhân khác của người có công, người thuộc hộ cận nghèo cũng được giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5%. Khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở còn được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh. Trường hợp tự tử, tự gây tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… cũng được Quỹ BHYT thanh toán.

Thiết nghĩ, để người dân tham gia BHYT hiểu được quyền lợi của bản thân và yên tâm khám chữa bệnh đúng tuyến thì các tuyến y tế cơ sở cần phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ y tế cơ sở. Ngành y tế cần có những biện pháp tăng cường hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện các kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh... Như vậy, sẽ làm thay đổi cách nhìn của người dân khi đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế địa phương, góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
 
*Ông Tiêu Sinh- Phó Giám đốc BHXH tỉnh:
BHXH tỉnh đang phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn tính ưu việt của Luật BHYT sửa đổi. Đồng thời phân công cán bộ BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh phối hợp với các đơn vị này để giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân và giải đáp, tuyên truyền cho người tham gia BHYT nắm rõ các quy định.
 
**Bác sĩ Phạm Ngọc Lân- Giám đốc BVĐK Quảng Ngãi
Từ khi áp dụng Luật BHYT sửa đổi đến nay, BVĐK Quảng Ngãi gặp nhiều áp lực trong vấn đề khiếu nại, phàn nàn khi người dân chưa nắm luật. Ngoài tăng cường tập huấn cho cán bộ đơn vị nắm rõ Luật để tư vấn cho người bệnh hiểu, chúng tôi cũng tăng cường sử dụng loa tuyên truyền, dán các quy định tại bảng thông báo để người dân dễ nhìn thấy. Đồng thời chỉ đạo các bộ phận liên quan, tạo điều kiện tốt nhất để giảm phiền hà cho người bệnh có thẻ BHYT được khám chữa bệnh đúng quy định.

 *Bác sĩ Đồng Văn Thân-Trưởng Trạm y tế Nghĩa Trung (Tư Nghĩa)
Theo Luật BHYT sửa đổi mới áp dụng thì đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em khám tại nơi đăng ký ban đầu mới được thanh toán BHYT diện ngoại trú. Vì không hiểu luật mới nên nhiều bệnh nhân lên bệnh viện huyện, sau đó được giải thích nên quay về trạm để khám bệnh. Chúng tôi tăng cường giải thích cho người dân hiểu, để khám đúng tuyến quy định. Nếu là các bệnh thông thường người dân nên tin tưởng vào trạm y tế, không nhất thiết phải đi lên tuyến trên để giảm chi phí và cũng giảm tải bớt cho y tế tuyến trên.

 *Bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm (45 tuổi), ở thôn Nguyên Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành):
Tôi hay đau ốm, nên thời gian qua, tôi hay đi  khám trái tuyến tại Bệnh viện tỉnh và các bệnh viện tại Đà Nẵng. Giờ theo quy định mới, tôi không được giảm thanh toán 30% khám ngoại trú. Để giảm chi phí, tôi sẽ quay về khám chữa bệnh ở nơi đăng ký ban đầu. Tuy nhiên, tôi cũng chưa yên tâm về hiệu quả điều trị của nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Tôi rất mong ngành y tế cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế xã để người dân chúng tôi yên tâm hơn.    

 

Bài, ảnh: KN

                                                  

 

.