Nghề may gia công: Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

02:12, 18/12/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi vốn là xã thuần nông. Trước đây, địa phương này có rất nhiều phụ nữ phải rời quê kiếm sống ở các tỉnh phía Nam vì thu nhập từ nghề nông quá thấp. Nhưng 5 năm trở lại đây, nhờ nở rộ các cơ sở may gia công tại nhà, hàng trăm phụ nữ trong xã đã có công ăn việc làm ở ngay tại quê nhà với thu nhập ổn định.
 
 
Xuất thân là công nhân may mặc, nhiều năm lăn lộn ở Sài Gòn, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoanh vẫn không thoát khỏi cảnh nhà thuê, chi tiêu chật vật. Nên từ năm 2016, chị Hoanh trở về quê ở thôn Long Bàn, xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi với một ít vốn và vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh vốn giải quyết việc làm.
 
Nhận thấy việc may gia công có thể phát triển ở quê nhà nên vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mở cơ sở may gia công để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo việc làm cho chị em trong xã và các địa bàn lân cận. Đến nay, cơ sở may của chị đang có 10 lao động nữ với thu nhập khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng.

 

Chị Hoanh mở cơ sở may gia công để kiếm thu nhập và giúp nhiều chị em khác có việc làm ổn định
Chị Hoanh mở cơ sở may gia công để kiếm thu nhập và giúp nhiều chị em khác có việc làm ổn định
 
“Để làm ra một sản phẩm may mặc cần phải qua nhiều công đoạn, như: Cắt vải, ráp đô, túi, se lai, vắt sổ, may... nên cần rất nhiều lao động. Chị em tới xưởng của tôi làm thì ăn lương theo hiệu quả lao động. Ai làm được nhiều thì sẽ hưởng nhiều, nên các chị em rất chịu khó học hỏi và hăng hái làm việc”- Chị Hoanh chia sẻ.
 
Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị Hoanh nhận gia công 1-3 nghìn sản phẩm may mặc, chủ yếu là váy, áo. Nhưng có những lúc cao điểm như lễ, tết, đơn hàng nhiều thì chị phải huy động thêm thợ may tại địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để các lao động nữ có thu nhập cao lúc nghề nông nhàn rỗi.
 
Hiện chỉ riêng trên địa bàn xã Tịnh An đã có gần 20 cơ sở may gia công đang hoạt động nhộn nhịp, giải quyết cho hơn 200 lao động nữ của địa phương. Nghề may gia công dễ học, dễ làm và có lợi thế là tiện sắp xếp thời gian để đưa đón con và chăm lo cho gia đình.
 
Chị Nguyễn Thị Thúy 32 tuổi ngụ ở thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An vốn chỉ biết trồng hoa màu, lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhưng thu nhập quá ít ỏi từ nghề nông khiến gia đình chị thường lâm vào cảnh túng thiếu. Đến khi hay tại địa phương có rất nhiều cơ sở may cần tuyển lao động, chị liền đi học may.
 
“Chỉ hơn 1 tháng vừa học vừa làm, tôi đã thành thạo các kỹ thuật may ráp. Lúc đầu học việc thì lương chỉ hơn 1 triệu đồng/ tháng. Nhưng khi mình lành nghề thì được trả tận gần 4 triệu đồng nếu làm việc hiệu quả, cho ra nhiều sản phẩm”- chị Thúy hồ hởi nói.

 

Các cơ sở may gia công ở các vùng nông thôn đã giúp cho nhiều lao động nữ không phải tha hương kiếm sống và có thời gian chăm sóc con cái, gia đình
Các cơ sở may gia công ở các vùng nông thôn đã giúp cho nhiều lao động nữ không phải tha hương kiếm sống và có thời gian chăm sóc con cái, gia đình
 
Không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, các cơ sở may gia công cũng thu hút nhiều lao động nữ xa quê có động lực trở về và sống “khỏe” với thu nhập ổn định. Như trường hợp của chị Lê Thị Dung ngụ ở thôn Long Bàn, xã Tịnh An từng là công nhân may có kinh nghiệm gần 10 năm ở Bình Dương. Chị Dung cho biết, lương công nhân may ở các tỉnh phía nam được trả khá bèo bọt, chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian làm việc lại rất nghiêm ngặt.
 
Do vậy, chị đã quyết định về quê xin vào các xưởng may gia công để làm việc. Nhờ có tay nghề lâu năm, thu nhập của chị luôn trên 4 triệu đồng/ tháng. “Thu nhập ổn định giúp mình trang trải cuộc sống là một phần. Phần khác là mình có thời gian rảnh rỗi để chăm sóc con cái và tăng gia trồng rau, nuôi gà ngay tại quê nhà. Sau gần 10 năm xa quê, giờ tôi đã có cuộc sống ổn định ở nơi chôn rau cắt rốn của mình”- chị Dung chia sẻ.
 
Nhận thấy mô hình may gia công phát triển tích cực, giúp phụ nữ nông thôn bớt dầm mưa, dãi nắng hay phải tha hương cầu thực, Hội LHPN TP.Quảng Ngãi đã tích cực tạo điều kiện mở các lớp học may cho phụ nữ. Đồng thời, phối hợp với các ngành và doanh nghiệp để giúp cho các cơ sở gia công có nguồn thu ổn định và có điều kiện thuê lao động làm việc lâu dài.
 
Chị Võ Thị Mỹ Duyên- Chủ tịch Hội LHPN TP.Quảng Ngãi cho hay: Đa số chị em sống bằng nghề nông, nên các cơ sở này đã thu hút, giải quyết công ăn việc làm may gia công hằng ngày cho các lao động nữ ở các vùng nông thôn, ven biển. Thời gian qua, Hội đã tạo điều kiện giúp các cơ sở này vay vốn của hội phụ nữ và nhiều nguồn vốn khác để mở rộng việc sản xuất, kinh doanh và giúp lao động của cơ sở có việc làm hằng ngày.
 
Chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình ly nông, bất ly hương là cách làm hiệu quả trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó, việc ăn nên làm ra của các cơ sở may gia công đang góp phần giúp cho đời sống của nhiều phụ nữ thêm ổn định mà không phải xa quê.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

 


.