Khó khăn ở "làng cô lập"

02:12, 27/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mưa lũ đã tạm đi qua nhiều ngày. Thế nhưng, nhiều vùng dân cư miền núi Quảng Ngãi vẫn còn bị cô lập, chia cắt do sạt lở núi, sông suối, gây tắc nghẽn giao thông, nên cuộc sống người dân rơi vào tình cảnh khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Đất đá chắn đường

Hơn 10 ngày qua, mưa lớn làm sạt lở hàng ngàn mét khối đất đá tràn xuống, tạo thành "quả đồi" nằm chắn tuyến đường liên xã Trà Thọ - Trà Trung (Tây Trà). Tắc đường, người dân hai thôn Nước Biếc và thôn Tre, xã Trà Thọ bị cô lập hoàn toàn.

Sạt lở tuyến Ba Tơ - Ba Bích - Ba Lế - Ba Nam, gây chia cắt giao thông, cô lập dân cư quanh vùng.
Sạt lở tuyến Ba Tơ - Ba Bích - Ba Lế - Ba Nam, gây chia cắt giao thông, cô lập dân cư quanh vùng.


Hiện tại, chính quyền vẫn chưa tiếp cận được khu vực này. Mọi nhu yếu phẩm của người dân đều phải tự cung tự cấp. Trước mưa lũ, Trà Thọ đã đưa lương thực, mì tôm về các địa bàn này. Nhưng số lượng cũng chỉ đủ cho người dân dùng tạm trong 5 - 7 ngày. Do đường bị sạt lở, các tiểu thương buôn bán cũng chưa thể vận chuyển hàng hóa lên phục vụ bà con thôn Tre, Nước Biếc.

Hiện tại, huyện Ba Tơ còn tuyến đường Ba Tơ - Ba Bích - Ba Nam có hai điểm sạt lở rất nặng, với khối lượng đất đá khoảng 9.000m3. Sạt lở gây chia cắt một vùng rộng lớn gồm một phần xã Ba Bích, Ba Lế và xã Ba Nam. Mọi hoạt động sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều giáo viên và cán bộ từ đồng bằng lên công tác tại xã Ba Nam, Ba Lế đã phải ở lại địa phương dài ngày vì không có đường đi lại. Nhu yếu phẩm dự trữ trong dân đã bắt đầu cạn kiệt.

Từ ngày sạt lở, không có xe  chở hàng hóa lên vùng này buôn bán. Phương án giúp người dân vượt qua khó khăn trong lúc này vẫn là "tại chỗ". Hiện tại, hệ thống điện thắp sáng trên địa bàn Làng Tốt xã Ba Lế và một phần ở Ba Nam chưa được khắc phục. Người dân vẫn chưa có điện trở lại.

Tại huyện Sơn Tây, các điểm sạt lở lớn trên tuyến Trường Sơn Đông (Sơn Long), sạt lở đèo Tà Vạc (Sơn Tinh) đã được các đơn vị thi công dùng phương tiện cơ giới giải tỏa. Tuy nhiên, các điểm sạt lở tuyến đường thuộc huyện quản lý vẫn chưa được khắc phục. Trong đó, điểm sạt lở nặng nhất là tuyến đường Trung tâm y tế huyện đi thôn Gò Lã, xã Sơn Dung. Sạt lở đã gây cô lập nhiều hộ dân sống phía cuối tuyến đường này.
 
Vẫn phải chờ nhiều ngày nữa

 Chủ tịch UBND xã Trà Thọ Hồ Tấn Vũ, cho biết: "Xã đã báo cáo huyện về khó khăn do sạt lở ở thôn Tre, thôn Nước Biếc. Huyện hứa là sẽ sớm khắc phục, để bà con có đường đi lại thuận lợi trong dịp Tết Đinh Dậu 2017". Hiện tại, thôn Tre, thôn Nước Biếc có khoảng 150 hộ. May mắn là hai thôn này đều có điểm trường lẻ, học sinh không phải nghỉ học, vì sạt lở gây ách tắc giao thông. Tuy nhiên, mỗi ngày, giáo viên hai điểm trường này đều phải đi bộ khoảng 7km từ UBND xã lên điểm trường để dạy học.

Đối với huyện Ba Tơ, nguy cơ tiếp tục sạt lở cao, nên việc khắc phục, giải tỏa ách tắc giao thông trên tuyến Ba Tơ - Ba Bích - Ba Lế - Ba Nam chưa thực hiện được. Giám đốc BQL Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Ba Tơ  Thành Minh Thuận, cho biết: "Phương tiện cơ giới của các đơn vị thi công sẵn sàng hỗ trợ việc khắc phục sạt lở, thông tuyến giao thông này, nhưng xét thấy chưa an toàn cho người và phương tiện thi công, nên chưa triển khai. Nếu tình hình thời tiết tuần này nắng ráo, khi UBND huyện chỉ đạo khắc phục, BQL Dự án và các đơn vị liên quan sẽ tập trung triển khai".

Riêng các điểm sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông ở Sơn Tây, Phó Ban chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Phạm Hồng Đạo, cho biết: "Khối lượng đất đá sạt lở quá lớn. Huyện đang tính toán huy động phương tiện tổ chức khai thông các tuyến đường. Cố gắng hoàn thành trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, để bà con thuận lợi đi lại".

Bài, ảnh: THANH NHỊ   


 


.