Chông chênh đò qua sông mùa lũ

03:11, 24/11/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau những đợt mưa lớn hay lũ về, với người dân ở những “ốc đảo” thì ghe, đò là phương tiện duy nhất để qua sông. Những chiếc ghe hoạt động theo hình thức tự phát nên chưa được đăng kiểm, đăng ký theo quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn.

TIN LIÊN QUAN

Bất đắc dĩ phải đi đò

Thời điểm này, mỗi ngày chiếc ghe của anh Trần Phố ở thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An (TP. Quảng Ngãi) phải qua lại hàng trăm chuyến để chở người dân trong thôn Ân Phú. Bởi, con đường độc đạo vào thôn đã bị chia cắt hoàn toàn. Người dân muốn qua sông, phải chịu khó “chờ đò” mới có thể qua bên kia bờ.


Ông Nguyễn Hồng Ninh, thôn Ân Phú cho biết: Đi đò qua sông gặp nhiều khó khăn nhưng giờ mưa lớn, thôn xóm bị cô lập như vậy, không đi đò thì biết đi bằng gì? Giống như thôn Ân Phú, những ngày này, người dân thôn Đông Yên, xã Bình Dương (Bình Sơn) cũng cùng chung cảnh ngộ. Chiếc cầu tre là phương tiện duy nhất vào thôn đã bị nước lũ cuốn trôi hơn 1 tháng nay. Nên giờ đây, muốn qua sông thì đò chính là phương tiện "hữu hiệu" nhất.

Như thường lệ, để đưa hàng hóa vào trong xóm cho người dân ở thôn Đông Yên, cô Lê Thị Nguyệt, tiểu thương ở Bình Chánh phải đi đi về về mấy chuyến đò. “Ngày nào tôi cũng phải mang hàng hóa vào thôn để giao cho khách hàng. Muốn qua sông phải gửi xe bên này rồi mới đi được. Chưa kể những chuyến hàng nhiều, nặng phải nhờ người đưa lên đò, rồi qua bên kia sông cũng lại nhờ người vác xuống. Đi đò, qua sông khó khăn, vất vả nhưng cũng đành chịu”, cô Nguyệt chia sẻ.

Theo người dân ở những vùng “ốc đảo”, bắt đầu tháng 8 (âm lịch) là phải đi ghe, đi đò. Có năm, thời tiết thất thường thì cảnh tượng này kéo dài đến bốn tháng liền. Vì thế ai ai cũng “ngán cảnh” chờ đò, khuân vác hàng hóa rồi mới qua được bờ bên kia. Dẫu biết rằng, những chuyến đò tự phát để qua sông còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, nhưng vì nhu cầu thiết yếu, vả lại, cũng không có một phương tiện nào khác có thể qua sông ở những vùng bị chia cắt trầm trọng này nên người dân phải đành chịu.

Cảnh giác với những chuyến đò “trần"

Vừa qua, chiếc ghe của vợ chồng anh Phố được cấp 15 áo phao và 10 phao cứu hộ. Theo đó, mỗi khi người dân lên đò qua sông phải được mặc áo phao để tránh rủi ro có thể xảy ra. Anh Phố chỉ tay vào các áo phao và cho biết: Áo phao và phao cứu sinh này là  trang bị cho mỗi ghe, hễ ai lên ghe là mình sẽ nhắc họ mặc vào. Mấy ngày nay nước sông vẫn còn lớn, nên đề phòng vẫn là tốt nhất. Ghe của vợ chồng chị Phạm Thị Nguyên ở thôn Đông Yên cũng vậy. Tuy nhiên, chính vì chưa tự giác cũng như chưa ý thức được mức độ nguy hiểm nên mặc dù đã được trang bị áo phao, phao cứu hộ, nhưng trên mỗi chuyến đò, không có người dân nào tuân thủ.

Bà Huỳnh Thị Diễm – Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh An, cho biết: Trên mỗi ghe đã được trang bị áo phao và phao cứu hộ, vì thế chủ đò cũng như người dân phải tự ý thức về vấn đề mặc áo phao mỗi khi qua sông. Vì đây là những ghe tự phát, chưa được đăng kiểm, đăng ký nên vấn đề rủi ro có thể sẽ xảy ra. Chính quyền địa phương cũng đã phân công bộ phận Công an xã túc trực ở hai bên bờ để nhắc nhở chủ ghe, bà con và kịp thời ứng phó nếu có tai nạn xảy ra.

Ông Đỗ Minh Huấn – Chủ tịch UBND xã Bình Dương chia sẻ: Vì không có cầu qua sông, nên mùa mưa người dân của thôn Đông Yên phải qua lại bằng ghe, đò rất vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chính quyền địa phương cũng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở việc đảm bảo an toàn trên mỗi chuyến đò cho người dân, nhưng việc tự giác và ý thức của họ còn thấp. Chính quyền và nhân dân rất mong muốn các cấp quan tâm nhiều hơn nữa để hỗ trợ kinh phí xây dựng chiếc cầu bắc qua sông, tạo điều kiện cho người dân đi lại được dễ dàng, thuận tiện hơn.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.