Cấp chồng sổ đỏ, gian nan thu hồi

03:11, 26/11/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Trong khi người dân đã nhận tiền xong, đất vừa được thu hồi để nhường cho Dự án Hồ chứa nước Nước Trong, thì sổ đỏ lại cấp chồng lên diện tích đất này khiến công tác thu hồi vốn đã trở trên nên vô cùng gian nan.

TIN LIÊN QUAN

Lịch sử để lại

Năm 2006, để bàn giao mặt bằng cho Dự án hồ chứa nước Nước Trong, huyện Sơn Hà đã thu hồi 104ha đất của 68 hộ dân ở thôn Nước Nia, thị trấn Di Lăng. Tổng số tiền đền bù cho 68 hộ này là 4,4 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, khi ấy hầu hết các hộ dân đều đồng tình và tình nguyện nhường đất cho dự án. Ông Đinh Văn Hoách- hiện là Bí thư Chi bộ thôn Nước Nia cho biết, gia đình ông có 12ha đất lâm nghiệp phải nhường cho Dự án hết một nửa. Số tiền đền bù mà gia đình ông nhận được khoảng 200 triệu đồng.

Sau 2 năm ròng rã nhường đất cho Dự án, gia đình ông và nhiều gia đình khác trong thôn không thấy động tĩnh gì nên phát rẫy trồng keo, trồng mì. Đến năm 2009 thì ông kê khai cấp sổ đỏ cho toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp mà gia đình đang sở hữu, trong đó có 3 ha đất đã bị thu hồi.

 

Dù thuộc diện thu hồi, nhưng UBND huyện Sơn Hà vẫn cấp sổ đỏ cho người dân sản xuất.
Dù diện tích thuộc diện thu hồi, nhưng UBND huyện Sơn Hà vẫn cấp sổ đỏ cho người dân.


Không chỉ gia đình ông Hoách mà có tới 32/68 hộ ở thôn Nước Nia thuộc diện có đất bị thu hồi để nhường cho Dự án hồ Nước Trong được cấp chồng sổ đỏ lên diện tích này với tổng diện tích là 72,27ha.

Sở dĩ có sự việc trên theo ông Đinh Quốc Bình- Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng lý giải: Thực hiện Chương trình này, địa phương phối hợp với Liên đoàn trắc địa địa hình thuộc Bộ NN&PTNT triển khai kê khai, cấp đất lâm nghiệp cho dân sản xuất.

Vì là cán bộ ở xa tới nên chưa nắm bắt tường tận về quá trình thu hồi, đền bù của các Dự án, không phân biệt rõ diện tích đất quy hoạch hay chưa quy hoạch, cộng với năng lực lãnh đạo của cán bộ địa phương còn yếu nên mới xảy ra tình trạng này.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Hồng Anh- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Di Lăng cho hay: Đền bù rồi mà bỏ lâu quá nên bà con xâm canh trồng cây. Do lịch sử để lại, lỗi thuộc về thế hệ lãnh đạo trước. Giai đoạn ấy, người phụ trách lại chuyển công tác, người không nắm lại kế tục, khi trình lên UBND huyện cũng không nắm nên huyện mới cấp sổ đỏ.

Thu hồi không giản đơn

Từ khi phát hiện cấp chồng sổ đỏ đến nay, UBND huyện Sơn Hà đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân để thu hồi lại sổ đỏ đã cấp chồng và giao đất cho Dự án. Thế nhưng năm lần bảy lượt vẫn bất thành.

“UBND huyện đã thông báo 3 lần yêu cầu người dân thu hoạch sản phẩm trên đất, trả lại đất cho Dự án, nhưng người dân không đồng tình. Nhiều người còn không tới cuộc họp hoặc bỏ về. Cái lý mà người dân đưa ra là giờ thu hồi hết dân lấy đất đâu mà canh tác?- ông Anh bày tỏ.

 

Diện tích cấp chồng người dân đang sản xuất trồng mỳ, trồng keo nên họ không đồng tình trả lại đất cho Dự án.
Diện tích cấp chồng người dân đang trồng mỳ, trồng keo nên họ không đồng tình trả lại đất cho Dự án.


Cũng như gia đình ông Hoách, gia đình anh Đinh Văn Hiếu, một gia đình thuộc diện được cấp chồng sổ đỏ trên đất đã thu hồi không đồng tình trả lại đất, nêu lý do: Hồi đó, những gia đình tình nguyện nhường đất lần đầu tiên được đền bù có 2.000 đồng/m2, còn người đi sau được tới 11.000 đồng/m2. Chúng tôi đã chịu thiệt vậy mà Nhà nước còn bảo lấy đất của chúng tôi để chia cho họ nữa không biết là chia kiểu gì? Đất giờ đang trồng mì, trồng keo, bảo chúng tôi chặt bỏ là bỏ thế nào được?

Chuyện tưởng chừng đơn giản nếu theo lý thuyết, sổ đỏ không hợp lệ thì giờ thu hồi là xong, nhưng giờ hóa ra vô cùng phức tạp khi một số người lại tranh thủ chuyển nhượng, trao tay cho người khác. Vì sổ đỏ là thật nên chính quyền đã cho phép chuyển nhượng là chuyện đương nhiên.

Nguyên nhân cốt lõi của việc người dân không đồng tình với việc trả lại đất cho Dự án, đó là sự thiếu công bằng trong chính sách đền bù giữa người đi trước và người đi sau. Còn các cơ quan chức năng thì bảo rằng, sở dĩ có sự chêch lệch là là thời điểm áp dụng chính sách khác nhau. Nhùng nhằng giữa chính quyền và nhân dân đã khiến tình trạng này kéo dài 5 năm vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tấn Tài- Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Sơn Hà thừa nhận thực trạng trên là có thật. Trong 32 hộ được cấp chồng sổ đỏ có 10 hộ với 12 sổ đỏ chồng nguyên thửa và 22 hộ với 31 sổ đỏ chồng một phần.

Hướng của huyện là xác định lại hiện trạng, những hộ đã nhận tiền nhưng chưa thu hồi bây giờ sẽ phải thu hồi, hủy sổ đỏ. Trong quá trình thu hồi sẽ lồng ghép luôn việc rà soát lại ranh giới, điền thửa của từng hộ đã nhận tiền bồi thường. Sau khi mặt bằng được bàn giao, huyện sẽ lấy Quỹ đất sạch chia lại cho dân theo hình thức người bị thu hồi nhiều sẽ chia nhiều và người bị thu hồi ít sẽ chia ít. Phấn đấu đến cuối năm 2014, huyện sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này để người dân ổn định sản xuất.


Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.