Cách né tàu vận tải trên biển

04:11, 07/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ việc tàu cá BĐ 96443 TS của Bình Định bị đâm chìm trên biển, khiến nhiều ngư dân tiếp tục loay hoay với câu hỏi về việc né tàu vận tải như thế nào?

TIN LIÊN QUAN

Trang bị hệ thống đèn

Việc tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định mang số BĐ 96443 TS do Lê Văn Dung làm thuyền trưởng biết được tàu vận tải Đại Lộc 36 là thủ phạm gây ra vụ tai nạn là điều may mắn cho các ngư dân Bình Định. Bởi phần lớn các vụ việc ngư dân bị tàu vận tải đâm chìm từ trước đến nay, thủ phạm hầu như không truy ra được.

Tàu vận tải hành trình gần cảng Sa Kỳ.
Tàu vận tải hành trình gần cảng Sa Kỳ.



Tiến sĩ Nguyễn Đức Sĩ - Trưởng bộ môn An toàn hàng hải, Viện Khoa học - Công nghệ khai thác thủy sản, trường Đại học Nha Trang cho biết: Tàu ngư dân Quảng Ngãi còn thiếu nhiều hệ thống đèn chiếu sáng để đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành. Có tàu trang bị đèn nhưng lại lắp không đúng cách làm giảm hiệu quả.

Theo Luật Tránh va và các văn bản hướng dẫn của ngành hàng hải, thuyền ngư dân hành trình vào ban đêm phải có các nguồn sáng như: Trang bị một đèn trên đỉnh cột, tầm nhìn xa của các đèn là 3 – 5 hải lý. Hai đèn mạn có tầm nhìn xa 2 hải lý.  

Ban đêm, ngoài đèn hiệu của tàu đánh cá thông thường phải treo thêm một đèn trắng trên đòn nằm ngang và chỉ hướng lưới trải (nếu lưới dài trên 150m). Nếu tàu đánh cá bằng giã cào thì đèn trên xanh, đèn dưới trắng; hai đèn này đặt trên cột giữa tàu, thấp hơn đèn cột.  

Đối với tàu vào ban đêm neo lại thì phải treo đèn chiếu sáng bốn phía, vị trí thấp hơn đèn phía mũi; đặt các đèn tương đương khác để chiếu sáng boong thuyền. Khuyến khích các thuyền sử dụng pháo hiệu… Khi thời tiết xấu, tầm quan sát trên biển hạn chế thì các thuyền phải sử dụng âm hiệu. Hệ thống âm hiệu đó là: Còi hơi, còi không khí hoặc còi điện. Khi tầm nhìn xa bị hạn chế, thuyền đang hành trình phải bật còi 2 phút/lần. Quy định là như vậy,  nhưng hiện nay phần lớn ngư dân không lắp hệ thống còi vì cho rằng chỉ dành cho tàu biển.

Tuân thủ luật tránh va

Vùng biển Quảng Ngãi đã xảy ra nhiều vụ việc ngư dân bị tàu vận tải đâm chìm, gây tai nạn, chìm tàu chết người, nhưng thủ phạm thì không điều tra ra. Vụ việc của ông Bạch Cơ, ngư dân ở Sa Huỳnh là một điển hình. Tàu của ông bị tàu vận tải húc từ phía sau làm chìm cách cửa biển Sa Huỳnh khoảng 7 hải lý, gây chìm tàu và chết một ngư dân. Suốt 10 năm qua, ông Cơ vẫn yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra, vì một ngư dân trên tàu của ông đã kịp nhìn thấy mũi tàu vận tải ghi chữ Thanh 09.

Nhiều ngư dân vẫn thắc mắc không nắm rõ tuyến đường mà tàu vận tải thường đi qua. Qua trao đổi, các ngư dân gặp rất nhiều tàu vận tải hành trình theo hướng Bắc – Nam, tọa độ cách cửa biển Sa Kỳ từ 4 đến 8 hải lý.

Các thủy thủ tàu vận tải Hải Long cho biết, tàu vận tải nội địa thường lập trình để chạy theo tuyến: Cắt đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) 2 hải lý về hướng đông - bắt điểm Cù Lao Chàm (Quảng Nam) 5 hải lý về phía đông - chuyển hướng cách mũi Ba Làng An (Quảng Ngãi) 4 hải lý về phía đông - chuyển hướng tại hòn Ông Căn ông Cơ (Bình Định) cách 1,5 hải lý về phía đông - chuyển hướng cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 2 hải lý về phía đông.

Các thủy thủ cho rằng, tuyến đường thủy nội địa thường đi gần bờ và phía trong đảo Lý Sơn, vì đi theo tuyến này sẽ giảm được cường độ sóng gió, tàu lợi nhiên liệu và hành trình thuận lợi. Như vậy, nếu ngư dân không có hệ thống chiếu sáng cảnh báo thì tai nạn rất dễ xảy ra.


     Bài, ảnh: VĂN CHƯƠNG

 


.