Chuyện buồn ở làng Mô-Níc

05:07, 12/07/2013
.

(QNg)- Làng Mô – Níc, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) trong chiến tranh là căn cứ cách mạng. Sau 38 năm giải phóng, Mô- Níc vẫn ngổn ngang những câu chuyện buồn.

TIN LIÊN QUAN


*Đường tắc…

Đường về căn cứ cách mạng năm xưa – Mô-Níc hôm nay rộng, nhưng nhiều đoạn không có lối chạy xe. Cây cối bi bít, đá cuội nổi đầy trên nền đường. Từ trung tâm xã Sơn Kỳ lên làng Mô-Níc chỉ dài 13 cây số, nhưng nếu đi xe máy phải mất 2 - 3 tiếng đồng hồ. Xe máy phải “vừa cưỡi vừa dắt”. Vậy nên lối về Mô-Níc quen thuộc của hơn 200 hộ dân nơi đây là đi nhờ đường xã Sơn Lập (Sơn Tây) băng sông Xà Lò men theo lối mòn đổ ra đường Giá Gối – Mô-Níc vào làng. Chúng tôi về với Mô-Níc cũng theo cách đi nhờ ấy…

 

Trường học ở Mô-Níc rệu rã, đổ sập nhiều lần, dân làng phải chặt cây rừng dựng lại.
Trường học ở Mô-Níc rệu rã, đổ sập nhiều lần, dân làng phải chặt cây rừng dựng lại.


Buổi trưa, làng vắng tanh. Các cụ già trong làng bảo: “Người nhà đi họp dân chưa về”. Hôm nay, làng Mô-Níc mời dân về họp để triển khai hiến đất, góp công làm đường vào rẫy sản xuất. Già làng Đinh Văn Sang – chủ trì cuộc họp nói với người trong làng: “Mỗi người phải hy sinh quyền lợi một ít để làm cho được con đường đi lại trồng keo, trồng mì. Sức mình yếu làm con đường nhỏ. Khi nào Nhà nước đầu tư thì sẽ có đường lớn hơn”.

Nói đến chuyện con đường 13 cây số từ làng ra xã, dân làng ai cũng ngao ngán bởi càng làm thì đường càng khó đi hơn trước. Với chiều dài chừng ấy, nhưng do thiếu vốn, chỉ được đầu tư làm phân nửa (khoảng hơn 6km). Thế nhưng thay vì làm từ dưới lên trên thì huyện Sơn Hà lại “bỏ qua” khúc đầu đường rẽ về Mô-Níc, để lập dự án thi công đoạn trên… non! Đã thế, dự án này bị “chạy thầu” khiến con đường chặt ra làm nhiều khúc. Đường về Mô-Níc bây giờ có thể hình dung thế này: Hơn 6 km đường đá cuội, ổ voi; 2 km đường nhựa; rồi 3 km ổ voi, đá tảng; tiếp đến 2km đường phối đá.

* Trường sập…

Già làng Đinh Nga ở làng Mô-Níc năm nay ngoài 90 tuổi đời, hơn 55 tuổi Đảng. Mắt mờ, chân chậm nhưng trí nhớ của già vẫn còn minh mẫn. Già Nga kể cho chúng tôi nghe câu chuyện oanh liệt của mình và đồng đội “nếm mật nằm gai” một lòng theo cách mạng, góp công, góp của giải phóng quê hương mình. Ở ngôi làng này già Nga còn có 4 đồng chí “thời vào sinh ra tử” nay vẫn còn sống và đều ngót tuổi 100. Già Nga sôi nổi kể về thời giữ đất, giữ làng bao nhiêu thì lại buồn rười rượi khi nói về cuộc sống hôm nay của dân làng mình.

“Làng có một ngôi trường lắp ghép dựng lên cách đây hơn chục năm nay đã mục nát. Trường mà sập con cháu làng này chẳng còn chỗ học. Bọn trẻ có muốn xuống trung tâm xã để học thì cũng khó lắm vì đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Chỉ mong sớm có một con đường, một ngôi trường tử tế thôi” – già Nga nói mà đôi mắt nhìn về xa xăm như thể đang ước nguyện vậy.

Hôm chúng tôi về làng, điểm trường này đang được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh! Già làng Đinh Văn Sang bảo: “Nhà vệ sinh cũng cần, nhưng cái trường lấy chỗ để học vẫn cần hơn. Năm học tới nếu không làm lại trường thì 29 học sinh của làng phải bỏ học mất!”

Ở làng Mô –Níc, người dân đã biết chủ động chung tay xây dựng cuộc sống mới song sức dân có hạn nên “xây” mãi mà chẳng đâu vào đâu. Nhà văn hóa thôn do người dân tự làm để lấy chỗ hội họp, sinh hoạt là căn nhà lá, phên tre, không tường rào, cổng ngõ nằm nhỏ nhoi bên vệ đường. Mỗi khi họp toàn thể dân, làng phải chia ra làm hai buổi vì không đủ chỗ… đứng!

* “Quá tải” máy xay xát !


Trong khi “thiếu đủ thứ” thì ở Mô-Níc vẫn có cái thừa, gây lãng phí. Ấy là chuyện cả làng chỉ có vài mảnh ruộng con con; rẫy cũng chỉ ít mảnh trồng được lúa. Sản lượng lúa mỗi năm chỉ độ ít tạ. Thế mà dân làng Mô-Níc lại được ở trên “ấn” về tới 3 cái máy xay xát gạo ! Lúa không có ắt máy phải bỏ không. Đã vậy, Mô-Níc cũng chưa có điện nên máy xay xát phải chạy bằng dầu. Dân không tiền mua dầu chạy máy lại quay sang giã gạo bằng tay.

Chúng tôi được người dân trong làng dẫn đi “mục sở thị” 3 cái máy xay xát to tướng đang để không, có 2 cái dân bảo chưa chạy ngày nào! Trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Sơn Hà về vấn đề này, chúng tôi nhận được câu trả lời: Việc đầu tư máy xay xát cho dân là do xã thực hiện từ nguồn vốn giảm nghèo. Tuy nhiên, huyện cũng nhận lỗi là chưa kiểm tra giám sát kỹ, nên để xảy ra bất cập, lãng phí.

* Mùa giáp hạt đến sớm

Bây giờ ở làng Mô-Níc dường như đã chẳng còn hột lúa nào còn nằm trong chòi nữa. Để có cái sinh nhai, người dân đã bắt đầu bán keo non. Giá bán từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/cây tùy loại lớn, nhỏ. Bà Đinh Cà Ru - nữ già làng Mô-Níc bảo: “Bán keo lấy tiền mua gạo. Một rẫy to bán được 5 - 10 triệu đồng. Keo lớn thì giá cao hơn”. Ở làng Mô-Níc chuyện làm ra cây keo đã khó, nhưng  bán keo có khi còn khó khăn hơn. Đôi khi muốn bán, nhất là mùa giáp hạt nhưng nằm trong vùng hẻo lánh lắm khi chẳng có người đến mua. Hơn nữa, đường giao thông không có, xe không vào được, bà con đành bán “keo đứng” – tức là bán cả rẫy cho tư thương với giá rất thấp, chứ không bán theo cân ký như thông lệ.

Cuộc sống của người dân làng Mô-Níc bây giờ chủ yếu “dựa vào rừng phòng hộ” là chính. Nhờ số tiền được hỗ trợ khoanh nuôi bảo vệ rừng 200.000 đồng/ha, với định suất mỗi hộ ba bốn chục hecta, một năm dân làng cũng có thêm tiền mua gạo. Mọi năm là thế, nhưng năm nay nguồn vốn hỗ trợ đến muộn. Để giúp dân có điều kiện vượt qua khó khăn, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham đã quyết định cho dân làng Mô-Níc “tạm ứng” tiền công khoanh nuôi bảo vệ rừng 1 triệu đồng/hộ.

Chúng tôi rời làng Mô - Níc khi trời đã sang chiều trên con đường gập ghềnh đá cuội, suối với sông sâu. Bao trăn trở ở ngôi làng hơn 200 dân đã khiến hành trình “hạ sơn” của chúng tôi thêm trĩu nặng. Mơ ước thay cho dân làng về con đường đàng hoàng, ngôi trường khang trang cứ miên man mãi không thôi…


Bài, ảnh: Thanh Nhị

 


.