Sơn Hà: Người dân khốn khổ tìm nước sinh hoạt

05:04, 16/04/2012
.

(QNg)- Đang vào mùa nắng nóng, nguồn nước sinh hoạt là vấn đề cấp bách. Trong khi đó, ở các xã Sơn Kỳ, Sơn Ba (Sơn Hà) người dân lại khốn khổ vì nguồn nước tự chảy mà bà con dùng để sinh hoạt lâu nay bị "cấm" dùng. Người dân nơi đây phải loay hoay tìm nguồn nước để sinh sống bằng giếng tự đào ở ruộng. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng được khuyến cáo là không an toàn và có nguy cơ mắc bệnh.

Hơn một tháng nay, người dân ở các xã Sơn Kỳ, Sơn Ba (Sơn Hà) vô cùng hoang mang vì nguồn nước sinh hoạt tự chảy của bà con lâu nay bị nghi nhiễm độc. Theo thống kê của ngành y tế huyện Sơn Hà thì từ giữa tháng 3 đến nay, tại hai xã nói trên đã có 3 người chết và hơn 50 người khác mắc các chứng bệnh như tê chân tay, tức ngực, khó thở, sảy thai và chưa có dấu hiệu dừng lại (trong đó có 50% là phụ nữ và trẻ em). Để tìm nguyên nhân, cơ quan chức năng đã gửi mẫu nước nghi nhiễm độc vào Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Trong khi chờ kết luận phân tích mẫu nước nghi nhiễm độc, ngành y tế huyện Sơn Hà cùng chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên dùng nước suối để hạn chế dịch bệnh lây lan.

Người dân phải đào giếng lộ thiên trên mặt ruộng để dùng.
Người dân phải đào giếng lộ thiên trên mặt ruộng để dùng.


Nhiều người dân ở thôn Làng Riềng, xã Sơn Kỳ cho biết, từ trước đến nay người dân dùng nước từ các khe suối tự chảy dẫn về để sinh hoạt. Từ khi có người chết và chính quyền khuyến cáo không được dùng nguồn nước này để uống nữa thì bà con phải đào giếng dưới ruộng để có nước nấu ăn, sinh hoạt. Tuy nhiên việc đào giếng gần nhà gặp rất nhiều khó khăn vì đụng đá và không có nước nên người dân phải đào giếng rất xa ở các ruộng bậc thang mới có nước.

Cả thôn Làng Riềng chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 20 cái giếng lộ thiên tự đào ở những ruộng bậc thang trong làng. Những cái giếng tự tạo sâu 1-2 mét bên những gốc rạ của vụ lúa vừa thu hoạch. Đây là nguồn nước mặt trên ruộng nên nguy cơ bị nhiễm dư lượng của phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi trồng lúa cũng rất lớn. Mặc dù nguồn nước trong giếng rất trong được bà con yên tâm sử dụng. Anh Đinh Văn Thắm, người dân trong thôn cho biết: Nếu không dùng nước này thì lấy gì mà ăn, uống. Việc tắm giặc thì ra sông.

Địa thế ở những bản làng nơi đây trải dài theo ruộng bậc thang. Những năm gần đây, để đỡ tốn công sức phát dọn nương rẫy, người dân nơi đây đã sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc khai hoang rất phổ biến. Đây là những loại thuốc cực độc nên dư lượng chất độc còn sót lại ngấm xuống mạch nước ngầm là không nhỏ. Ông Đinh Văn Trĩu, vừa đưa vợ cấp cứu ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà về cho biết, vợ ông bị ngộ độc ngất xỉu trên rẫy phải đưa đi cấp cứu, chúng tôi dùng thuốc diệt cỏ với liều lượng đậm đặc để cỏ nhanh chết. Mỗi lần bơm thuốc diệt cỏ bà con ở luôn trên rẫy từ sáng đến chiều không ăn, uống  cộng với hít thở khí độc cả ngày nên rất dễ bị kiệt sức. Đến nay, riêng xã Sơn Kỳ đã có 4/7 thôn có người chết và mắc các chứng bệnh kể trên. Số người chết và bị các chứng bệnh lạ liên tục tăng, khiến bà con nơi đây vô cùng hoang mang, thậm chí không dám lên rẫy, chăn thả gia súc ra ngoài. Cuộc sống bị đảo lộn.

Ông Đặng Minh Hoàng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà cho biết: Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã khuyến cáo bà con không nên dùng nguồn nước tự chảy trên núi nữa mà phải tìm nguồn nước cách xa những khu vực đồi đã phun thuốc diệt cỏ trên các rẫy mì, rẫy keo. Bà con nên đào giếng sâu rồi lọc để uống chứ nếu dùng nước tự đào như hiện tại ở ngoài ruộng thì không đảm bảo an toàn. Những ngày qua, Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà đã cử hai đoàn y, bác sĩ về Làng Riềng, Làng Trăng để khám, cấp phát thuốc điều trị cho dân.

Trước tình trạng trên, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Quảng Ngãi nhận định, có thể người dân sử dụng thuốc diệt cỏ không đúng quy trình kỹ thuật, pha chế với nồng độ đậm đặc nên gây ra tình trạng nhiễm độc trong không khí, ngấm vào nguồn nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Thuộc- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Ngãi lo ngại, việc người dân đào giếng sử dụng nước dưới mặt ruộng ở độ sâu khoảng 1 mét như hiện nay rất có thể các chất hóa học, dư lượng thuốc trừ sâu trôi chảy vào những giếng tạm này, về lâu dài dễ gây nguy hiểm đến sức khỏe. Ông Thuộc cho rằng, chính quyền địa phương cần xem xét hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn quy trình kỹ thuật giúp người dân đóng giếng sâu qua tầng cát đến mạch nước ngầm trong lòng đất; đồng thời xây bể lọc kèm theo thì nước sinh hoạt mới đảm bảo.


Bài, ảnh: XUÂN THIÊN
 


.