Người dân cản trở vận chuyển chất thải công nghiệp:
KKT Dung Quất có nguy cơ chìm trong ô nhiễm

03:04, 08/04/2013
.

(QNg)- Như BQN ngày 1/4/2013 phản ánh, thời gian qua, một số người dân thôn Đông Bình, xã Bình Chánh (Bình Sơn) có hành vi cản trở Công ty Cổ phần Cơ-Điện-Môi trường Lilama vận chuyển chất thải thu gom trong KKT Dung Quất vào khu xử lý chất thải rắn Bình Nguyên. Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về vụ việc, PV Báo Quảng Ngãi đã vào cuộc tìm hiểu và có bài viết sau.

TIN LIÊN QUAN


Vấn đề môi trường tại Khu xử lý chất thải rắn Bình Nguyên phát sinh từ nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã vào cuộc đối thoại với hy vọng người dân sẽ chia sẻ, đồng thuận với doanh nghiệp, nhưng tình hình vẫn không khả quan…
    
Xây dựng đúng quy hoạch...


Khu xử lý chất thải rắn của KKT Dung Quất được Chính phủ phê duyệt tổng diện tích 19,28 ha trên địa bàn xã Bình Nguyên. Giai đoạn 1 thực hiện 12,08 ha do Ban quản lý KKT Dung Quất làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 30 tỷ đồng. Tháng 4/2007 công trình hoàn thành đưa vào vận hành và sau đó tỉnh giao cho Công ty cổ phần Cơ Điện - Môi trường Lilama tiếp nhận, xử lý từ 50-100 tấn/ngày đối với rác thải sinh hoạt; 25.000 tấn/năm đối với chất thải công nghiệp và 30.000 tấn/năm đối với chất thải nguy hại.

 

Hiện trường khu xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp Bình Nguyên (Bình Sơn).
Hiện trường khu xử lý rác thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp Bình Nguyên (Bình Sơn).


Công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp thông thường; xử lý nước rỉ rác theo công nghệ sinh-hóa-lý kết hợp, công suất 24 m3/ngày; tiêu chuẩn nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Chất thải nguy hại được xử lý bằng lò đốt hai cấp, nhiệt độ 1.100 độ C. Tuy nhiên, công ty vẫn bị UBND tỉnh "điểm tên" là 1 trong 5 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, buộc khắc phục trước tháng 9/2013.

... Nhưng dân vẫn lo

Khu vực này trước kia có ít dân sinh sống, nhưng nay do mở đường nên dân đến làm nhà ngày một nhiều. Chị Lê Thị Vàng ở thôn Đông Bình, xã Bình Chánh có nhà ở gần khu xử lý cho biết: Tuy đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc xử lý nhưng vẫn còn mùi hôi. Còn ông Nguyễn Văn Tứ thì lo ngại, vì nơi đây không chỉ xử lý rác thải sinh hoạt mà còn xử lý cả chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Trong khi đó quy trình xử lý người dân ở xung quanh bãi rác không được biết để thực hiện quyền giám sát. Đây cũng là lý do dẫn đến người dân có hành vi ngăn cản xe vận chuyển chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại  vào khu xử lý.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, đối với rác thải sinh hoạt công ty thu gom về đổ lộ thiên, phun thuốc xử lý và đốt. Còn rác thải công nghiệp thì được chôn, phía trên phủ một lớp bạt. Trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 32 tấn rác thải sinh hoạt, 2 tấn chất thải và 18m3 rác thải công nghiệp. "Đối với rác thải thông thường thì đốt, rác thải nguy hại thì xử lý hóa lý, còn đối với chất thải công nghiệp là bùn đất thì xử lý bằng cách chôn lấp" - ông Huỳnh Văn Phúc - Phó Giám đốc sản xuất công ty cho biết.

Ông Trần Quang Tâm- Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho rằng, phương án dùng bạt chống thấm của công ty địa phương tạm chấp nhận, nhưng cần phải tính toán thật kỹ để tránh tình trạng nước từ khu xử lý rò rỉ, thẩm thấu ra môi trường. "Về việc một số người dân ngăn cản xe vào đổ chất thải công nghiệp là hành vi không đúng pháp luật. Địa phương có trách nhiệm tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hiểu, không có hành vi quá khích. Về lâu dài, công ty cần công khai lộ trình di dời khu xử lý này ra xa khu dân cư để đảm bảo môi trường"-ông Tâm nói.
    
Cần sự vào cuộc tích cực
 

Ngày 3/4, trao đổi với phóng viên tại buổi họp báo Quý I của UBND tỉnh, ông Lê Văn Dũng (ảnh)- Phó Ban quản lý KKT Dung Quất, cho biết: BQL KKT Dung Quất rất lo ngại trước việc một số người dân cản trở không cho Công ty Lilama EME vận chuyển chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại vào khu xử lý Bình Nguyên. Nếu tình trạng này không sớm giải quyết thì các kho chứa rác thải công nghiệp và chất thải nguy hại của một số doanh nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất sẽ quá tải, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Về lâu dài, BQL sẽ phối hợp cùng công ty di dời khu xử lý chất thải công nghiệp và chất thải độc hại ra xa (cách bãi rác cũ khoảng 3km). Để làm được điều này thì ngân sách phải đầu tư khoảng 20 tỷ đồng để làm 3 km đường giao thông và đền bù, giải phóng mặt bằng 5 ha đất lâm nghiệp của dân. Tiến độ di dời nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc tỉnh bố trí ngân sách đầu tư.
                                                  Phú Đức

Nhiều ngày qua, khu xử lý rác thải rắn xã Bình Nguyên của Công ty Lilama EME phải "tự đóng cửa". Nguyên nhân do một số người dân thôn Đông Bình, xã Bình Chánh có hành vi ngăn cản các xe chở chất thải công nghiệp thu gom tại KKT Dung Quất vào khu xử lý. Trung bình mỗi tháng đơn vị tiếp nhận và xử lý từ 10 -14 tấn rác thải công nghiệp và hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt. Do đó, việc người dân cản trở vận chuyển chất thải công nghiệp vào khu xử lý là vụ việc nghiêm trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Cao Khoa cho rằng: "Hành vi trên của một số người dân là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn KKT Dung Quất và các khu vực lân cận, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty".

Ông Huỳnh Văn Phúc - Phó Giám đốc sản xuất công ty, cho biết: Từ ngày tiếp nhận khu xử lý rác thải này (1/1/2008) đơn vị đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để xử lý rác thải một cách tốt nhất. Cũng theo ông Phúc, trung bình mỗi ngày có khoảng 15m3 nước thải ở đây cần được xử lý.  Ông Lê Hoàng Chương - Trưởng phòng kỹ thuật công ty cho biết thêm, nước thải ở đây lưu thông qua 3 bể xử lý mới cho chảy ra tự nhiên theo các con suối nhỏ. "Chúng tôi khẳng định nước thải ở đây khi cho ra môi trường là đảm bảo theo quy định của Bộ TN&MT" - ông Phúc khẳng định.

Tuy nhiên, trước phản ứng của người dân, Công ty Lilama EME đã triển khai phương án xử lý tuần hoàn và tái sử dụng nước thải trong khu vực bãi rác trình UBND tỉnh cho ý kiến. "Nếu được chấp thuận thì nước thải ở đây không còn chảy ra ngoài như trước. Trước mắt người dân cần chia sẻ để  doanh nghiệp tiếp tục vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn KKT Dung Quất. Nếu chậm thu gom, xử lý thì mức độ ô nhiễm sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp đang hoạt động tại KKT Dung Quất"- ông Chương nói. Về việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện công ty đang khẩn trương thực hiện việc phủ bạt trên các bãi rác và tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lộ trình di dời khu chôn lấp chất thải công nghiệp ra xa khu dân cư.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.