Bức xúc ở một khu tái định cư giữa lòng thành phố

10:05, 11/05/2012
.

 * Ghi chép của Phú Đức


(QNĐT)- "...Mang tiếng là cư dân thành phố nhưng điều kiện sống ở đây thua cả ở thôn quê đấy. Trước khi chuyển đến đây tái định cư, chúng tôi được các cấp chính quyền hứa nào là điều kiện sống sẽ tốt hơn nơi ở cũ... nhưng rồi đó cũng chỉ là lời hứa suông...".

TIN LIÊN QUAN


Đó là những tâm sự đầy bức xúc của người dân ở khu tái định cư thuộc Dự án Trường đại học Phạm Văn Đồng, thuộc tổ 20, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi.

 

Một góc khu tái định cư
Một góc khu tái định cư


Sinh sống ở một đô thị loại 3 và chuẩn bị lên đô thị loại 2, nhưng điều kiện sống ở đây lại thiếu thốn trăm bề. Ngay cả nước sạch - một nhu cầu thiết yếu dùng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân cũng không có, huống chi những nhu cầu cao sang khác. - Bà Trần Thị Mùi chia sẻ với chúng tôi trong nỗi niềm thất vọng.

* Khát nước sạch...

Tiết trời tháng 5 nắng nóng như đổ lửa. Vì thế, nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt của người dân cũng sẽ tăng cao so với ngày thường. Ấy vậy mà người dân ở khu tái định cư thuộc Dự án Trường đại học Phạm Văn Đồng lại sống trong cảnh sử dụng nước phải tiết kiệm từng giọt.

Một góc khu tái định cư
Chị Loan phải chạy nước cách nhà hàng chục mét


Anh Cường đưa tay chỉ về phía những thùng nước lọc tinh khiết Thạch Bích để bên kệ bếp, kể:- "Từ nhiều năm nay, gia đình phải mua nước này về để nấu ăn và uống hàng ngày. Trong khi lương của vợ chồng cán bộ công chức chúng tôi chỉ ba cọc bảy đồng, phải chi tiêu bao nhiêu thứ trong gia đình".

Tuy có tiết kiệm nhưng trung bình mỗi tháng gia đình anh Cường (vợ chồng và hai con nhỏ) cũng phải mua 12 bình. Những tháng mùa hè lên đến 15 bình. Mỗi bình giá 18 ngàn đồng. Vị chi mỗi tháng vợ chồng anh Cường phải bỏ ra từ 200.000đ đến khoảng 300.000đ để mua nước lọc về dùng.

Sở dĩ có tình trạng không lấy gì làm vui đó là do khu tái định cư này chưa được cấp nước sạch bằng hệ thống nước máy như đã "hứa" ban đầu, mặc dù người dân đã chuyển đến ở được 3- 4 năm nay.

Để "giải cơn khát" người dân phải tự bỏ tiền túi vài triệu đồng đầu tư đóng giếng. "Người dân ở đây phải đóng từ 3- 5 lần mới tìm được nguồn nước. Nhưng rồi chất lượng nguồn nước không đảm bảo, do bị nhiễm phèn, nên người dân chỉ dùng để rửa, tắm giặt"- anh Nguyễn Tiến cho biết.

Vì thế, nguồn nước nấu ăn uống hàng ngày của người dân ở đây đều phải mua bình nước lọc tinh khiết về dùng. Một số gia đình có điều kiện kinh tế thì lắp đặt hệ thống bình lọc với nguồn nước lấy từ giếng đóng để sinh hoạt. Giá mỗi bình từ 7- 12 triệu đồng tuỳ loại. Tuy nhiên, gia đình anh Tiến cũng chưa thật sự an tâm khi dùng nguồn nước đã qua bình lọc này.

Anh Tiến chia sẻ: Dù gia đình chuyển đến nơi ở mới còn nhiều khó khăn nhưng cũng phải chắt chiu mua một bình lọc 7 triệu đồng. Song mỗi khi các con dùng nguồn nước này để uống tôi vẫn cảm thấy rất lo, vì thỉnh thoảng nước vẫn có mùi hôi, tanh rất khó chịu, mặc dù đã đun sôi".

Còn với những gia đình khó khăn thì chấp nhận dùng nước tự lọc bằng những dụng cụ thủ công thì khó có thể đảm bảo sức khỏe trước mắt cũng như về lâu dài.

Chị Nguyễn Thị Hồng Loan đưa tay chỉ vào đáy bồn nước có đóng lớp cặn của phèn, bức xúc nói: "Tôi mới súc bồn cách đây 2 ngày mà nay đã như thế rồi. Người lớn thì sao cũng được, chỉ lo cho mấy đứa nhỏ, dùng nước nhiễm phèn nghiêm trọng thế này không sớm thì muộn cũng mắc bệnh mà thôi".

Dù còn khó khăn nhưng gia đình anh Tiến vẫn mua bình lọc để xử lý nước uống
Dù còn khó khăn nhưng gia đình anh Tiến vẫn mua bình lọc để xử lý nước uống

Chất lượng nguồn nước không những không đảm bảo mà còn khan hiếm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân. Ngay ở khu tái định cư của chị Loan, có đến  gần 10 căn nhà nhưng chỉ đóng được một giếng có nước ở lô đất trống chưa có người sử dụng. Các hộ ở đây tự lắp đặt hệ thống ống và kéo điện từ trong nhà ra đấu nối với chiếc mô tơ riêng của gia đình để chạy nước theo lịch đã được cùng nhau thống nhất.
 

"Chúng tôi đang lo là sắp đến chủ lô đất này làm nhà thì không biết lấy đâu ra nước để dùng"- chị Loan băn khoăn.

 *... "đói" việc làm
    
Trước khi chuyển đến đây sinh sống, hầu hết những hộ dân trên đều sống bằng nông nghiệp, có đất lúa và cả đất vườn. Vì sự phát triển của tỉnh, họ đồng lòng nhường nơi chôn nhau cắt rốn, chuyển đến nơi ở mới với "sự cam kết của chính quyền" là sẽ có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Nhưng gần 3 năm trôi qua, cuộc sống của người dân ở đây không những không khấm khá mà ngày càng lâm vào cảnh khó khăn. Ở nhà lô (100 m2), vườn thì không, nghề nghiệp cũng chẳng có, nên cuộc sống vốn đã khó nay càng khó hơn.

Bà Nguyễn Thị Theo, bộc bạch: Những khoảng tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước đối với chúng tôi chẳng khác gì gió đi vào nhà trống".

Còn bà Trần Thị Mùi thì kể, trước kia rau quả dùng hàng ngày có thể tận dụng trồng trong vườn. Còn nay về dưới này trăm thứ đều mua nhưng không biết làm gì để ra tiền.

Gia đình bà Mùi có 4 người (2 con và 1 cháu) nhưng đều không có việc làm có thu nhập ổn định. Đứa con gái của bà không biết có phải do uống nước nhiễm phèn hay không mà mắc phải căn bệnh thiếu máu trầm trọng, trong khi đó phải nuôi con nhỏ. Cuộc sống cả gia đình chỉ biết trông cậy vào thu nhập từ chiếc xe bán nước giải khát hàng ngày mà bà Mùi rong ruổi đẩy đi bán hàng ngày trên đường phố Quảng Ngãi.

"Bình quân mỗi ngày thu nhập vài chục ngàn nhưng nào là gạo, mắm muối và nhiều khoản chi tiêu khác nữa thì làm sao cho đủ. Ấy là mùa nắng, chứ mùa mưa thì chỉ biết khoanh tay đứng nhìn"- bà Mùi than thở.

Khu khuôn viên cây xanh bị bỏ hoang cây cỏ mọc um tùm
Khu khuôn viên cây xanh bị bỏ hoang cây cỏ mọc um tùm


Không những thế, hệ thống đèn chiếu sáng cộng cộng ở đây đã có nhưng chưa bao giờ được bật sáng. Các đối tượng xấu lợi dụng điều này để làm những chuyện phi pháp nên khi màng đêm buông xuống người dân ở đây rất ngại đi ra đường.     Khu công viên cây xanh không được chăm sóc để cây cỏ mọc um tùm, tạo điều kiện cho đối tượng nghiện ẩn nấu tiêm chích ma tuý.

"Những khó khăn, thiếu thốn đó chúng tôi đã phản ánh ngay từ những ngày đầu đến đây ở nhưng không được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết"- bà Bùi Thị Sen, bức xúc.

Trước những khó khăn, phức tạp của cuộc sống ở nơi tái định cư, một số người đành từ bỏ cuộc sống phố phường mà bao đời đã gắn bó để về các xã lận cận thành phố mua đất lập vườn còn lại ít tiền làm vốn sinh sống.


Gia đình bà Lê Thị Lựu là một trong những gia đình như thế. Đến khu tái định cư thuộc Dự án Trường đại học Phạm Văn Đồng những ngày này, chúng ta không khó bắt gặp việc những hộ gia đình đang treo bảng rao bán suất tái định cư. Thoạt nghĩ ngỡ là chuyện bình thường, nhưng điều ấy cũng rất đáng để UBND tỉnh và thành phố Quảng Ngãi lưu tâm./.

 


.