"Bài toán" nước sinh hoạt cho "huyện nghèo nhất nước"

02:04, 28/04/2012
.

(QNg)- Năm nào cũng vậy,  thời điểm này huyện miền núi Tây Trà, một huyện được xem là nghèo nhất nước lại phải đối diện với nỗi lo thường trực: Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nước sinh hoạt đang là đề tài "nóng" của không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ ở đồng bằng đang công tác ở  trung tâm huyện Tây Trà.
 

TIN LIÊN QUAN


Đến hè lại… khát

Giữa cái nắng như đổ lửa của những ngày cuối tháng 4, chúng tôi vượt gần 100km về huyện vùng cao Tây Trà. Khi chúng tôi đến nơi, chiều vừa ngả bóng, đây cũng là thời điểm bà con nơi đây bắt đầu kéo nhau đi lấy nước. Xã Trà Phong mặc dù nằm ở trung tâm huyện, song cảnh thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra từ nhiều tháng nay. Có mặt ở một giếng nước ven đường, hàng chục người dân tay can nhựa, vai gánh thùng đang cố vét những giọt nước cuối cùng còn sót lại.

Bà Hồ Thị Út ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong hằng ngày phải đi lấy nước  phục vụ sinh hoạt.
Bà Hồ Thị Út ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong hằng ngày phải đi lấy nước phục vụ sinh hoạt.


Bà Hồ Thị Út ở đội 6, thôn Gò Rô, xã Trà Phong đang gùi trên lưng can nước 20 lít cho biết: "Khổ lắm, ngày nào cũng phải đi lấy nước, không thì lấy nước đâu mà tắm rửa, ăn uống". Nước đã trở thành nỗi ám ảnh với những người dân nơi đây. Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân phải gánh từng thùng nước cách xa nhà hàng trăm mét, có hộ đi xa từ 2-3km, đôi lúc nước hiếm phải mua là chuyện bình thường.  Anh Hồ Văn Sơn ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong than vãn: Không đủ nước sinh hoạt, cuộc sống chúng tôi bế tắc đủ đường. Nước thiếu nên người dân phải chắt chiu từng giọt, thậm chí phải chia nước từng bữa để nấu ăn, chưa nói  đến phục vụ các nhu cầu khác. Những người già ốm yếu, neo đơn không đủ sức đi xa tìm nước, đành cố  gồng mình với sự thiếu thốn này. "Bây giờ còn có nước giếng, chứ đến vài tháng nữa, nắng nóng gay gắt thì giếng cũng cạn, mọi sinh hoạt trong gia đình gặp rất nhiều khó khăn phải đi xa đến các khe suối để lấy nước" - Anh Sơn lo lắng.

Không riêng gì người dân than vãn mà hàng trăm cán bộ công chức viên chức ở các huyện đồng bằng đang sinh sống và làm việc tại trung tâm huyện Tây Trà cũng dở khóc, dở cười. Cũng vì thiếu nước sinh hoạt nên không ít công trình vệ sinh tại các trụ sở làm việc của nhiều ban ngành trong huyện đã trở thành nỗi ám ảnh cho cả chủ lẫn khách, bởi nhà vệ sinh luôn trong tình trạng đóng cửa. Chị Hằng- một cán bộ văn phòng UBND huyện Tây Trà cho biết, nước sinh hoạt đang là đề tài nóng của chúng tôi. Ngoài giờ làm việc, để có nước sinh hoạt, mình còn phải mang thùng đi lấy từng thùng nước về sử dụng. Thậm chí có những cán bộ sáng đi làm còn mang theo thùng để chiều mang nước về nhà.

Bên cạnh phục vụ sinh hoạt thường ngày thì nhu cầu sử dụng cho dịch vụ y tế, trường học ở huyện Tây Trà cũng chẳng khá gì hơn. Thầy Nguyễn Công Hòa- Hiệu trưởng Trường THPT Tây Trà cho hay, hiện trường có số lượng học sinh ở nội trú khá đông, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn thường xuyên xảy ra, khiến cuộc sống, sinh hoạt của các em gặp không ít khó khăn. Còn Trung tâm Y tế huyện Tây Trà hằng ngày khám chữa bệnh cho hàng chục bệnh nhân, thế nhưng thiếu nước sạch, nên Trung tâm Y tế huyện Tây Trà cũng chỉ dùng nguồn nước dẫn từ trên núi về, ảnh hưởng rất lớn đến khám và điều trị bệnh cho nhân dân.

Bao giờ hết khát?

Giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt là vấn đề không phải bây giờ  các cấp, ngành cũng như chính quyền địa phương mới đặt ra. Trong thực tế, trước đây, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường, năm 2006, huyện Tây Trà đầu tư xây dựng Công trình Hệ thống cấp nước sinh hoạt Trung tâm huyện Tây Trà trên địa bàn xã Trà Phong, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Công trình được đưa vào sử dụng từ năm 2008, nhưng đến khoảng đầu năm 2011 công trình ngừng hoạt động do trong quá trình thi công tuyến đường Trà Phong-Gò Rô ở gần đó, một khối lượng đất đá trôi xuống làm tắc, hư công trình này, khiến cho khoảng 3.000 người dân tại trung tâm huyện Tây Trà và các cơ quan ở trung tâm huyện rơi vào tình trạng thiếu nước. Nhằm tạm khắc phục sự cố trên, tháng 7/2011, UBND huyện Tây Trà  trích ngân sách gần 100 triệu đồng để mua 2 bồn chứa, loại 6000 lít/bồn lắp đặt ở chân núi và dẫn nước từ sông suối về. Thế nhưng, cũng chỉ dùng được mùa mưa, còn hiện tại, nguồn nước sông suối đã cạn kiệt nên giờ cũng không có nước. Đồng thời huyện đã cho khoan 5 giếng, nhưng vẫn không cung cấp đủ nguồn nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà Hoàng Anh Ngọc, thừa nhận: Việc thiếu nước sinh hoạt đã gây nhiều khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân và cán bộ đang công tác tại huyện. Để khắc phục phần nào tình trạng trên, cách đây hơn 1 tháng chính quyền địa phương đã chi thêm khoảng 170 triệu đồng nhằm nạo vét, sửa lại đường ống dẫn. Và đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt, còn về lâu dài để cung cấp nước sinh hoạt cho cả khu trung tâm phải tốn thêm khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, muốn sửa lại toàn bộ hệ thống thì ít nhất cũng phải một vài năm đến, khi công trình giao thông Trà Phong-Gò Rô hoàn thành, chứ nếu không thì cũng sẽ bị đất đá lấp lại.

Câu hỏi ngắn nhân dân Trà Phong bao giờ hết khát? Thật khó trả lời đối với huyện Tây Trà lúc này. Hiện nay, vấn đề nước sinh hoạt  vẫn đang là bài toán mà huyện Tây Trà loay hoay đi tìm lời giải. Còn nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt của hàng ngàn người dân và cán bộ ở Trà Phong sẽ chưa có hồi kết.


 Bài, ảnh: Ngọc Đức
 


.