Nguy hiểm từ nghề rà sắt phế liệu

01:08, 16/08/2011
.

(QNg)- Dụng cụ hành nghề của những người rà sắt phế liệu chỉ là cái máy rà sắt, cây cuốc, cái xẻng và sức lao động. Những thứ họ tìm được cũng chẳng có giá trị gì nhiều, nhưng công việc này lại tiềm ẩn vô số  rủi ro. Đôi khi họ đổi cả tính mạng của mình để kiếm miếng cơm, manh áo cho gia đình.
 

Nghề nguy hiểm

Sau chiến tranh, bom đạn tồn dư, vùi lấp trong đất còn nhiều. Do đời sống còn khó khăn, nênmột bộ phận người dân không có đất sản xuất, không có công việc ổn định lấy nghề tìm những phế liệu để mưu sinh.
 
Một quả bom còn sót lại sau chiến tranh được các đối  tượng rà sắt phế liệu “xẻ thịt” để lấy thuốc.                              Ảnh: T Sự
Một quả bom còn sót lại sau chiến tranh được các đối tượng rà sắt phế liệu “xẻ thịt” để lấy thuốc. Ảnh: T Sự

Anh Trần Văn Thân, ở thôn Thạch Trụ Tây, xã Đức Lân (Mộ Đức), được xem có thâm niên trong nghề rà sắt, kể: "Chúng tôi thường đi vài ngày mới về nhà. Dụng cụ rà sắt là cây gậy thô sơ, phía dưới gắn một bộ phận rà kim loại hình trò. Giữa gậy có một biến điện dùng pin.

Tai mang phone để nghe báo tín hiệu khi rà gặp sắt. Nhìn sơ sài vậy thôi, chứ tôi cũng như anh em trong nghề đã bỏ ra hơn 700.000 đồng (bây giờ lên đến vài triệu đồng) mới sắm được đấy". Anh Thân cho biết, nơi làm việc không cố định chỗ thì vài ngày, chỗ đến vài tháng, lại cách xa nhà. Đường đi khó khăn nên nhiều khi mỗi chuyến đi họ phải mất cả tuần mới về đến nhà.

Nhiều khi phải chạy trốn vì chủ đất không cho mình đào trên đất của họ. Rồi còn bị chính quyền địa phương cảnh cáo trước dân, vì tìm gặp vỏ đạn, thuốc súng mà không chịu nộp. Nhưng không làm thì lấy gì mà ăn? Anh Thân thở dài: "Đi xa nhưng nhiều lúc cũng chẳng thu hoạch được gì, có khi trắng tay nếu gặp những ngày mưa. Anh em chúng tôi đều nghèo cả, có thì chia đều cho nhau kiếm vài trăm ngàn đồng, để nuôi vợ, con. Người trong nghề này thường chẳng mấy ai lành lặn. Ai cao số thì mất ngón tay, ngón chân, yểu mệnh thì về với đất. Chẳng thể biết được mình rà được cái gì dưới lòng đất, nhưng nghề nào mà chẳng là nghề, miễn kiếm được miếng ăn".

Không riêng gì gia đình anh Thân, nhiều gia đình ở thôn Thạch Trụ Tây theo nghề này cũng chẳng có cuộc sống khá giả gì hơn. Hầu hết họ đều nghèo, không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, nên vẫn làm nghề dù biết nguy hiểm, có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Chẳng ai chịu bỏ nghề vì buông ra thì không biết làm gì để sống.

Bỏ mạng vì … sắt vụn

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề rà sắt phế liệu, lúc rà tìm ít sợ hơn là lúc đào, xới. Vì, nếu gặp phải trái nổ hoặc đạn lép thì nguy hiểm vô cùng. Một người dân ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) một trong những vùng có nhiều gia đình làm nghề rà sắt phế liệu cho biết: Tai nạn xảy ra như cơm bữa như trường hợp của anh N.T bị cụt mất bàn tay và hư luôn con mắt trái; hay như anh H.Q.M bị bỏng nặng toàn thân (do nổ trái đạn sau khi dùng búa đục lấy phế liệu). Anh N.T cho biết, làm nghề này chẳng có bảo hộ an toàn gì nên chuyện bị mất tay, mất chân, có khi mất cả mạng rất dễ xảy ra. Nhưng mình chỉ biết cái nghề này, nên vẫn cứ phải làm.

Cách đây không lâu ở thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn) chấn động bởi vụ nổ quả pháo làm 2 người chết và một người bị thương nặng. Sáng 30/7/2011, ông Nguyễn Tấn Lưu (46 tuổi), ông Trần Minh Trí (52 tuổi) và ông Trương Văn Phu (51 tuổi) đều ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) làm nghề rà sắt phế liệu, trong lúc rà sắt tại thôn An Hải đã tìm được quả đạn pháo. Cả ba ông đã không nộp quả pháo cho chính quyền, mà lại đem đến khu đất hoang để "xẻ thịt" và kết quả xảy ra thật tàn khốc.

Được biết, ông Trần Minh Trí đã từng "xẻ thịt" rất nhiều quả đạn pháo như thế trong nhiều năm qua, nhưng lần này thì đạn pháo đã cướp sinh mạng của ông. Đó chỉ là vài những trường hợp mà chúng tôi tìm hiểu và biết được. Còn từ trước đến nay đã có bao nhiêu người chết vì "làm bạn với tử thần" thì chưa có con số thống kê chính xác.

Năm nào tỉnh ta cũng xảy ra những vụ chết người thương tâm vì bom, đạn nổ, mặc dù chiến tranh đã lùi xa. Những cái chết thương tâm để lại vợ con nheo nhóc mà nguyên nhân chính là sự bất chấp, liều lĩnh của những người làm nghề rà phế liệu gặp đạn bom còn sót lại sau chiến tranh.

Vũ Yến

.