Lại chết vì đạn pháo

12:08, 05/08/2011
.

(QNg)- Mới đây, người dân xóm Núi, thôn An Hải xã Bình Châu (Bình Sơn) chứng kiến những cái chết thương tâm. Ba người đàn ông sắp bước vào tuổi 60, quê huyện Sơn Tịnh, làm nghề rà sắt phế liệu, tình cờ phát hiện một trái đạn pháo 105 li còn sót lại thời chiến tranh, thế là họ “dám” cưa quả đạn pháo ấy ra để lấy thuốc nổ.
 

Dù đã "ngủ" ngót 40 năm nhưng khi được "đánh thức" bằng cưa đục, trái pháo phát nổ ngay, hai người chết tại chỗ, một chết tại bệnh viện. Có thể nói đó là những cái chết không đáng chết chút nào. Vì rằng những người đàn ông này, với cỡ tuổi đó, tất cả đều đã đi qua cuộc chiến tranh, thậm chí có người còn cầm súng và hiểu khá kỹ về nguyên lý phát nổ của những trái bom câm. Chỉ cần một lực tác động mạnh và liên tục vào trái pháo, thuốc nổ trong lòng nó lập tức bén lửa qua ma sát giữa lưỡi cưa với vỏ trái pháo, thế là pháo nổ.

Biết nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tại sao họ vẫn cưa? Vì số thuốc lấy được trong trái pháo kia đem bán cho ngư dân chuyên đánh cá bằng mìn tự tạo, giá của nó cao hơn gấp nhiều lần số ký của trái pháo nếu đem cân sắt vụn. Một chút tham vặt ấy thôi, ba mạng sống đã phải trả giá.

Trên bờ là thế, dưới biển thì sao? Cách đây chừng nửa tháng, cũng xảy ra một vụ nổ mìn trên biển, làm ba người đàn ông chết thảm, trong đó có một thuyền trưởng quê xã Bình Châu (Bình Sơn). Số ngư phủ này hành nghề đánh bắt hải sản tại khu vực quần đảo Trường Sa. Một thoáng bất cẩn, trái mìn nổ ngay trên tay một ngư dân, hai người còn lại cũng bị chết luôn trên thuyền thúng.
 
Đây cũng là những cái chết không đáng chết chút nào. Vì rằng tình trạng dùng mìn khai thác cá đã được nghiêm cấm từ lâu và đã từng xảy ra nhiều cái chết thương tâm ngay trên biển. Nhưng ngư dân vẫn lén lút sử dụng mìn để khai thác thủy sản, vừa phá hoại môi trường sống của các loài hải sản, vừa nguy hiểm đến tính mạng mình.

Mới đây, nhân chuyến công tác tại đảo Lý Sơn, ngồi uống nước tại một quán cóc ven bờ gần khu vực chùa Hang, chúng tôi nghe vọng lại từ biển những tiếng nổ ì ùm. Hỏi một vị lãnh đạo xã ở đây thì được nghe câu trả lời tỉnh khô: "Ngư dân đánh mìn đấy!". Lại hỏi tiếp: "Chính quyền không nói gì à?". Lại một câu trả lời không đắn đo: "Chuyện thường ngày ở Lý Sơn mà anh".

Qua câu trả lời này tôi hiểu ra rằng, việc dùng mìn để khai thác cá của ngư dân là rất phổ biến hiện nay. Dù đã được nhắc nhở, thậm chí khởi tố nhiều vụ án mua bán thuốc nổ, nhưng ngư dân vẫn không từ bỏ thói quen nguy hiểm này. Bằng nhiều biện pháp tinh vi, những người buôn lậu thuốc nổ vẫn tuồn được hàng qua các cửa biển để bán cho ngư dân. Vì sao bắt gắt gao mà thuốc nổ vẫn lọt qua được các trạm kiểm soát với khối lượng lớn?  Đó cũng là một câu hỏi dành cho lực lượng biên phòng làm nhiệm vụ tại các cửa sông, cửa biển hiện nay.

Chừng nào còn sử dụng thuốc nổ để đánh cá, thì vẫn còn những cái chết không đáng chết như ba trường hợp trên đây.
 
Trần Đăng

.