Kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1.3.1906 - 1.3.2019)
Người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi

04:03, 01/03/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo có uy tín lớn, được Đảng, nhân dân ta và bạn bè trên thế giới tin yêu, kính trọng. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Thủ tướng được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng, dân tộc, gắn liền với những sự kiện trọng đại của đất nước và quê hương Quảng Ngãi.
TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bí danh là Tô, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1906 trong một gia đình công chức tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Trong thời gian theo học ở Trường Quốc học Huế, Phạm Văn Đồng có dịp tiếp xúc với báo chí cách mạng do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuyển về và truyền bá ở Việt Nam.
 
Khâm phục tinh thần yêu nước nồng nàn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đã có những hoạt động yêu nước từ rất sớm. Trong các năm 1925 - 1926, khi học tại Trường Bưởi (Hà Nội) đã tích cực tham gia phong trào bãi khóa, đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh, do tham gia vào những hoạt động đó, Phạm Văn Đồng bị thực dân Pháp đuổi học.
 
Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh TL
Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh TL

Sau khi được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, đồng chí Phạm Văn Đồng tham dự lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tổ chức. Thông qua hoạt động cách mạng, từ một thanh niên, học sinh yêu nước, đầy nhiệt huyết, Phạm Văn Đồng trở thành một chiến sỹ chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là những sự kiện, dấu ấn lịch sử khẳng định Phạm Văn Đồng là một trong những người thuộc lớp cán bộ tiền bối của cách mạng nước ta.

Cuối năm 1927, sau khi về nước và hoạt động ở Nam Kỳ, đồng chí Phạm Văn Đồng có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng các tổ chức cách mạng ở Sài Gòn. Tháng 7/1929, Phạm Văn Đồng bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù và đày đi nhà lao Côn Đảo. Sau khi được trả tự do, năm 1936, Phạm Văn Đồng ra Hà Nội hoạt động công khai, xây dựng mối quan hệ thân thiết với các trí thức yêu nước ở Trường Tư thục Thăng Long và bắt liên lạc với các cán bộ, đảng viên cộng sản hoạt động hợp pháp trong nhóm Tin Tức ở Hà Nội.
 
Vào tháng 5.1940, đồng chí Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng cử sang Côn Minh, Trung Quốc, liên lạc với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, năm 1941, trở về Cao Bằng, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và  có nhiều công lao trong việc xây dựng Mặt trận Việt Minh, căn cứ địa Việt Bắc; phụ trách Báo Việt Nam độc lập, chuẩn bị lực lượng và các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa.
 
Tháng Tám năm 1945 Phạm Văn Đồng dự Đại hội Quốc dân Tân Trào và được bầu vào Uỷ ban giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, được cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính; tháng 01/1946 được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I; cuối tháng 5 /1946 là Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán với Chính phủ Cộng hòa Pháp tại Hội nghị Phôngtennơblô.

Trước ngày toàn quốc kháng chiến (1946) đến tháng 01/1949, là Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung bộ, là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những sáng tạo và cống hiến trong việc tổ chức, xây dựng vùng tự do Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên; củng cố căn cứ địa phục vụ kháng chiến chống Pháp; thực hiện khẩu hiệu "Tự lực cánh sinh”, thành lập và trực tiếp giảng dạy tại Trường Trung học Bình dân Nam Trung bộ ở Quảng Ngãi.
    
Đầu năm 1949, đồng chí Phạm Văn Đồng được bổ sung làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; sau đó được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị và đảm nhận trọng trách này liên tục từ năm 1951 - 1986.
 
Từ năm 1955 - 1987, được Đảng, Nhà nước ta giao trọng trách Thủ tướng Chính phủ và kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng trong các năm 1954 - 1955; từ năm 1986 - 1997, là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng; ngày 29/04/2000 Thủ tướng từ trần tại Hà Nội.

Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết, sôi nổi và phong phú của Thủ tướng gắn liền với những chặng đường đấu tranh quyết liệt và đầy tự hào của nhân dân Việt Nam. Đảng ta đã khẳng định: "Suốt 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, Phạm Văn Đồng là nhà lý luận chính trị và văn hóa xuất sắc, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, tư duy năng động và sắc sảo, tình cảm chan hòa với nhân dân; nhạy cảm, thấu hiểu được nguyện vọng của đồng bào. Nhờ vậy, Thủ tướng có nhiều đóng góp to lớn trong việc hoạch định, làm thấu suốt và chỉ đạo thực hiện đường lối của cách mạng Việt Nam suốt hơn 70 năm" hoạt động.

Thấm nhuần quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, trong nhiều năm với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành pháp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất quan tâm đến công tác củng cố bộ máy chính quyền Nhà nước. Đồng thời coi việc đề cao ý thức tổ chức, kỷ luật, chế độ trách nhiệm, tăng cường pháp chế…là những biện pháp nhằm tổ chức tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.
 
Thủ tướng Phạm Văn Đồng yêu cầu cán bộ chính quyền các cấp phải "quan niệm cho đúng quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước". Trong hơn 30 năm đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành pháp của nước ta, Thủ tướng luôn trăn trở, nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tạo lập và phát triển một chính quyền của dân, do dân, vì dân, xây dựng xã hội mới, xã hội chủ nghĩa phù hợp với bản sắc của dân tộc.
    
Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế của Nhà nước, Thủ tướng đòi hỏi mọi cán bộ và người dân phải làm việc thật sự có hiệu quả, có năng suất và chất lượng; nhất là phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Trong những năm chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), Thủ tướng kêu gọi các ngành, các cấp, cán bộ, nhân dân phải sử dụng tiết kiệm mọi của cải, tài nguyên, nguồn vốn để xây dựng đất nước.
 
Theo Thủ tướng, muốn sử dụng tốt phải đi đôi với quản lý tốt và trong cơ chế quản lý phải luôn thể hiện tính năng động; có khả năng xóa bỏ sự tập trung quan liêu, tính bảo thủ trì trệ và sự bao cấp tràn lan. Phạm Văn Đồng nói: "…Tôi cần nhấn mạnh với các đồng chí và đồng bào những yếu kém và thiếu sót của các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý nền kinh tế quốc dân. Nói như vậy, chính là chúng tôi tự phê bình trước các đồng chí và đồng bào về trách nhiệm của mình...".

Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người luôn quan tâm sâu sắc đến văn hóa và liên tục trực tiếp sáng tạo văn hóa; nhấn mạnh văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa; đồng thời coi trọng và phát huy vai trò động lực của văn hóa đối với quá trình phát triển kinh tế và xã hội. Thủ tướng đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng với văn phong trong sáng, mẫu mực và uyên thâm.
 
Từ những công việc khoa học như giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt; phương châm hoạt động, sáng tác đến cuộc sống đời thường của đội ngũ văn nghệ sỹ đều được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo sâu sắc và xác định trách nhiệm của các nhà văn hóa là "hiểu biết, khám phá và sáng tạo". Đồng thời, đòi hỏi văn nghệ sỹ phải "thấm nhuần những tư tưởng lớn của Đảng, đường lối chính trị của Đảng…".

Với trọng trách là Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục Trung ương, Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu "Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh cả đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp…". Di sản của Thủ tướng để lại cho ngành giáo dục là to lớn, tiêu biểu là cuốn sách "Giáo dục - Quốc sách hàng đầu - Tương lai dân tộc".

Thủ tướng Phạm Văn Đồng không những tự mình rèn luyện theo tấm gương, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời hy sinh phấn đấu cho Đảng và dân tộc, mà còn có những đóng góp to lớn trong việc giới thiệu,  truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam. Đó là những nghiên cứu và xuất bản những tác phẩm lớn, tiêu biểu là: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp; Hồ Chí Minh - Quá khứ, hiện tại, tương lai; những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh… Đó là thể hiện sự kính trọng, niềm tin tưởng sâu sắc của Thủ tướng đối với con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà ngoại giao tài năng, có uy tín trên thế giới; nhìn xa thấy rộng, tinh tế và linh hoạt, kiên cường và mền dẻo, ứng xử nhanh nhẹn, sáng tạo; luôn thể hiện lập trường chính trị sáng suốt trước thời cuộc và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã là trưởng đoàn Việt Nam tham dự nhiều hội nghị quốc tế, giải quyết những vấn đề không chỉ của Việt Nam mà còn liên quan đến nhiều nước, nhiều phong trào của khu vực và quốc tế. Đó là các Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (1946), Giơ-ne-vơ (1954), Băng-Đung (1955), Hội nghị cấp cao của phong trào không liên kết…

Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của nước ta tham gia vào việc hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Những hoạt động và cống hiến to lớn trên lĩnh vực ngoại giao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như trong xây dựng và bảo vệ đất nước luôn thể hiện sinh động tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Vì vậy, luôn được bạn bè quốc tế tin yêu, kính trọng và khẳng định Phạm Văn Đồng "là một trong những nhân vật xuất sắc và có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam trong thế kỷ XX, nhờ những khả năng kiệt xuất về ngoại giao cũng như uy tín, ảnh hưởng to lớn ở trong nước".

Tấm gương Thủ tướng Phạm Văn Đồng mãi mãi là niềm tự hào sâu sắc và luôn tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam cũng như mỗi người dân Quảng Ngãi.

Tuấn Anh

 

.