Sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế (kỳ cuối)

11:01, 08/01/2019
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ cuối: Sẵn sàng hy sinh vì nước bạn Campuchia


(Báo Quảng Ngãi)- Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam và vận mệnh đất nước Campuchia. Từ đây đã mở ra tương lai tốt đẹp cho cả hai dân tộc, hai đất nước; các thế hệ nhân dân hai nước Việt Nam -Campuchia mãi khắc cốt ghi tâm một điều rằng: Quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc không gì có thể lay chuyển, đó là mối quan hệ được xây đắp từ sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế, từ chính những giọt máu đào thắm tình thủy chung, gắn bó giữa hai dân tộc.
 
Những người lính quân tình nguyện Việt Nam vẫn nhớ như in ngày 7.1.1979 ở đất nước Chùa Tháp. Thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng trong niềm vui sướng tột cùng của bộ đội Việt Nam, lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia.

Gửi lại một phần cơ thể

Ông Nguyễn Toàn Thắng (63 tuổi, thương binh 1/4), ở tổ dân phố Quyết Thắng B, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), nguyên là Trung đội trưởng trinh sát, Tiểu đoàn 48 (Trung đoàn 270) kể: Thủ đô Phnôm Pênh trước ngày được giải phóng là một "thành phố chết", không một tiếng gà gáy, không một bóng người dân... Quân Pol Pot đã bắt tất cả người dân ra ở ngoài rừng để lao động.

Thương binh Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: P.LÝ
Thương binh Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: P.LÝ
Sau khi Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng, chúng tôi ra rừng gọi người dân trở về. Cảnh đói cơm, thiếu nước diễn ra triền miên trong những tháng ngày chiến đấu ở Campuchia, nhưng chúng tôi đặt lên trên hết là nghĩa vụ quốc tế cao cả, vì sự thúc giục của lương tri. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hừng hực khí thế tấn công tiêu diệt quân Pol Pot. “Mấy anh đến chậm một chút nữa là cả gia đình tôi không một ai sống sót, bọn Pol Pot rất tàn ác”, hình ảnh một người dân Campuchia vừa nói vừa khóc khi gặp bộ đội Việt Nam khiến ông Thắng nhớ mãi.

Sau khi toàn bộ đất nước Campuchia được giải phóng, phần lớn lực lượng Pol Pot bị tiêu diệt và tan rã, số còn lại lẩn trốn vào rừng, ông Thắng cùng với hàng nghìn cán bộ, chuyên gia Việt Nam được cử sang và hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở lại tiếp tục giúp cách mạng và nhân dân Campuchia, ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại. Từ đó, đất nước Campuchia đã từng ngày hồi sinh trở lại.
 
Cuối năm 1979, trong một lần đi trinh sát địa hình ở nước bạn Campuchia, ông Thắng trúng mìn và mất cả đôi chân. Ở tuổi đôi mươi, ông đã trở thành người tàn tật. Dẫu chịu nhiều mất mát, đau thương, nhưng anh thương binh Nguyễn Toàn Thắng vẫn luôn tự hào về những tháng ngày chiến đấu anh dũng giúp nước bạn. “Đó là những tháng ngày ý nghĩa của tuổi trẻ, của người lính Cụ Hồ”, ông Thắng bộc bạch. Sau khi về lại quê hương, cựu chiến binh Nguyễn Toàn Thắng đã biến nỗi đau thành hành động, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và ông vẫn hằng mong được một ngày trở lại Campuchia để tận mắt nhìn thấy những ngôi đền cổ Angkor Wat uy nghi và nhân dân Campuchia tươi cười trong điệu múa Apsara tuyệt đẹp.

Ông Ung Tấn Đức (61 tuổi) ở thôn Phú Sơn, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cũng bị thương, liệt cánh tay phải khi tham gia chiến đấu ở Campuchia. Ông Đức cười hiền bảo: “Tôi cũng mong có một ngày về thăm lại Campuchia, nơi mà tôi và đồng đội đã gửi lại xương máu của mình; nơi chúng tôi xem như quê hương thứ hai luôn trọn nghĩa vẹn tình”.

“Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay, dứt khoát là thế".


Thủ tướng Campuchia HUN SEN


Vẹn tình nước non, sắt son nghĩa vợ chồng

Góp phần vào thắng lợi của cách mạng Campuchia không thể không kể đến sự hy sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ của những người lính quân tình nguyện Việt Nam. Vợ của Đại tá Bùi Thanh Hồng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Quảng Ngãi là một trong số đó.

 

 Đại tá Nguyễn Khánh Hùng cùng vợ xem lại cuốn nhật ký năm xưa. Ảnh: T.Thanh
Đại tá Nguyễn Khánh Hùng cùng vợ xem lại cuốn nhật ký năm xưa. Ảnh: T.Thanh
 
Cho đến tận hôm nay, bà Nguyễn Thị Tuyết Vọng (vợ đại tá Bùi Thanh Hồng) vẫn giữ những lá thư ông Hồng viết gửi về cho bà khi đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Bà Vọng  kể: Cưới nhau được mấy ngày thì ông nhà tôi lại tiếp tục nhận nhiệm vụ ở nước bạn. Tôi sinh ba người con cũng không có ông ấy bên cạnh. Gần 10 năm ông Hồng làm nhiệm vụ bên Campuchia, những lần vợ chồng gặp nhau chỉ đếm đầu ngón tay, còn lại chủ yếu là viết thư động viên nhau cho đỡ nhớ mong. Mỗi lá thư là lời động viên, đặt niềm tin và hy vọng cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

 
Từ ngày 23.12.1978 đến 17.1.1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn quân Pol Pot, diệt 12 nghìn tên, bắt 8.800 tên, gọi hàng 3.200 tên và làm tan rã tại chỗ 44 nghìn tên; giải phóng trên 4 triệu dân Campuchia, thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật quân sự của quân Pol Pot; đập tan bộ máy thống trị của tập đoàn phản động Pol Pot trên toàn đất nước Campuchia.
Còn Đại tá Nguyễn Khánh Hùng (80 tuổi), ở thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung (Bình Sơn), trong những năm tháng ở Campuchia, ông gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ vợ và người thân ở quê nhà vào cuốn nhật ký. “Ăn thì không rau, không thịt, không cá, chỉ có  gạo và muối đen mà vẫn thấy ngon lành, bữa nào cũng 3- 4 bát mà chưa thấy no. Còn uống thì nước ao và tắm giặt cũng nước ao đó. Nếu em nghe và thấy cuộc sống ở đây chắc là không khỏi khóc rồi. Mình làm cách mạng cho mình cũng đã khổ nhiều rồi, bây giờ làm cách mạng cho bạn lại càng khổ hơn, nhưng các anh vẫn động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là những dòng nhật ký mà ông Hùng đã viết cho vợ. Cuốn nhật ký ông viết để tâm sự với người vợ nơi quê nhà cũng là thứ duy nhất còn lại của những tháng ngày tình nguyện trên đất nước Chùa Tháp mà ông Hùng còn lưu giữ.

Tháng 3.1979, đơn vị của ông Hùng gồm 20 cán bộ, chiến sĩ sang Campuchia với tư cách là chuyên gia Việt Nam để tìm vị trí xây dựng Trường Lục quân cho bạn (lúc đó ông Hùng là Trưởng phân khoa chiến thuật của Trường Sĩ quan Lục quân 2 đóng tại tỉnh Đồng Nai).

Những ngày đầu mới sang, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhưng ông Hùng cùng với anh em trong đơn vị động viên, sát cánh cùng nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của người lính. Ông Hùng xúc động kể: Có một kỷ niệm mà đến giờ tôi không thể quên được, nơi chúng tôi ở có một cái giếng, khi múc nước nghe cộm ở đáy giếng, cho người xuống vét thì phát hiện xác chết vẫn còn nguyên. Trong làng có nhiều giếng nước, ao nước khi cạn đều thấy xác chết. Sau ngày giải phóng, xác chết vẫn còn la liệt, đau thương lắm! Giữa nơi chiến tuyến xa xôi, sợi chỉ giúp người ở lại và người ra đi vững tâm chiến đấu, hy vọng và có thêm niềm tin vào sự sống có lẽ chỉ thông qua những bức thư, sổ nhật ký để bày tỏ nỗi lòng mình mà thôi. Đó cũng là sức mạnh tinh thần vô biên để cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam vượt qua gian khổ, hiểm nguy, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Những hy sinh cao cả của quân tình nguyện Việt Nam được khắc ghi trong thiên sử vàng đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt Nam- Campuchia. Thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc một lần nữa khẳng định nhân dân Việt Nam với ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng, sẵn sàng đập tan bất kỳ âm mưu và hành động chống phá nào của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, mối quan hệ truyền thống gắn bó thủy chung, lâu đời, sự giúp đỡ trong sáng, chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Campuchia.

Chiến thắng ngày 7.1.1979 đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn Pol Pot, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia; cứu nhân dân Campuchia ra khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự, hồi sinh đất nước và dân tộc, xây dựng cuộc sống hòa bình, tươi đẹp. Thắng lợi vĩ đại ngày 7.1.1979 là thắng lợi chung của nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia, thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế, sự thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia. Từ đây, hai nước Việt Nam và Campuchia đã không ngừng vun đắp mối quan hệ "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" ngày càng phát triển, như thể dòng sông Mêkông nối liền hai đất nước không bao giờ cạn.  


T.THUẬN-P.LÝ


.