Sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế (kỳ 1)

07:01, 07/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng là biểu tượng cao đẹp của tinh thần đoàn kết quốc tế giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia. Đến nay đã trải qua 40 năm (7.1.1979- 7.1.2019), nhưng thắng lợi đó vẫn mãi ngân vang, được khắc ghi trong lịch sử của hai dân tộc và luôn được muôn đời sau gìn giữ, vun đắp.
 

Kỳ 1: Nghĩa vụ quốc tế cao cả


Ngày 7.1.1979 là ngày lịch sử trọng đại của hai dân tộc Việt Nam-Campuchia. Nhờ có sự giúp đỡ tận tình của quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã khép lại một trang sử đen tối, đau thương, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa bình, tự do và phát triển cho đất nước Campuchia.



Lúc bấy giờ, dẫu chịu nhiều gian khổ, nhưng quân tình nguyện Việt Nam vẫn quyết tâm sát cánh cùng quân, dân Campuchia để chiến đấu đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Hòa chung khí thế ấy, những người lính Cụ Hồ ở quê hương núi Ấn - sông Trà cũng tiên phong lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của Tổ quốc và của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia.

“Giúp bạn là tự giúp mình”

Đại tá Ngô Đức Tấn (84 tuổi), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94 thuộc Sư đoàn 307 là người trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu tiêu diệt quân Pol Pot. Dù đã lớn tuổi, nhưng Đại tá Tấn (ở tổ 4, phường Trần Hưng Đạo, TP.Quảng Ngãi) vẫn không sao quên được câu chuyện của hơn 40 năm về trước. Đại tá Tấn kể: “Ngày đó, quân Pol Pot đã giết hại người dân Việt Nam và Campuchia rất khủng khiếp. Máu và nước mắt của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia ướt đẫm trên mảnh đất quê hương trước sự tàn bạo của chế độ diệt chủng".

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Quảng Ngãi, Đại tá Bùi Thanh Hồng kể với phóng viên Báo Quảng Ngãi về những năm tháng không quên bên nước bạn Campuchia.                                                            Ảnh: PV
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Quảng Ngãi, Đại tá Bùi Thanh Hồng kể với phóng viên Báo Quảng Ngãi về những năm tháng không quên bên nước bạn Campuchia. Ảnh: PV


Tháng 4.1975, sau khi lên nắm quyền, tập đoàn Pol Pot đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia và phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị của nhân dân Campuchia và Việt Nam, thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Đau thương bao trùm lên đất nước Campuchia khi Pol Pot thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc. Chỉ trong 3 năm 8 tháng và 20 ngày (tháng 4.1975 đến cuối năm 1978), chế độ Pol Pot đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, biến trường học, nhà chùa thành nhà tù, khắp mọi nơi đầy những hố chôn người tập thể.

Ông Tấn cho biết: “Trước những diễn biến ở khu vực biên giới Tây Nam của Tổ quốc và tình hình cách mạng của nước bạn, Đảng và Nhà nước ta quyết định đưa quân tình nguyện qua cứu bạn, coi cứu bạn cũng là cứu mình”. Vì lẽ đó mà ông Tấn cùng đồng đội đã xông pha trên chiến trường, quyết không lùi bước, dù biết rằng có thể phải hy sinh tính mạng. Trong một lần hành quân thực hiện nhiệm vụ cắt đường dây điện thoại về tổng tham mưu của quân Pol Pot, dù bị thương nặng ở chân nhưng ông Tấn vẫn bám chiến trường chỉ huy bộ đội chiến đấu.

“Thưa thủ trưởng, khi nào chiến trường dứt điểm tôi mới lui về phía sau”, ông Tấn báo cáo tình hình về Quân khu 5 và tiếp tục cùng động đội anh dũng chiến đấu tiêu diệt quân Pol Pot. Sau hơn 3 ngày đêm chiến đấu, khi giành thắng lợi hoàn toàn trên chiến trường, ông Tấn mới đồng ý để chiến sĩ đưa về phía sau để mổ lấy mảnh đạn cắm ở chân.

 

"Nhân dân và hai nước Campuchia - Việt Nam chúng ta là những người bạn tốt, anh em tốt, láng giềng tốt và đối tác tốt, từng có truyền thống đấu tranh, đoàn kết và cùng trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, gian khổ. Ngày nay, hai nước chúng ta đã bước sang một trang sử mới, có được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, tự do, vững tin tiến bước, đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác, thịnh vượng, phát triển kinh tế ở khu vực và trên thế giới. Một lần nữa, Campuchia bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất, đồng thời luôn ghi nhớ công ơn to lớn không thể nào quên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội và nhân dân Việt Nam anh em đã có những hy sinh to lớn để giải phóng và cứu Tổ quốc, nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng tàn bạo, góp phần vào tiến trình tìm kiếm hòa bình cho đất nước Campuchia chúng tôi".

(Trích phát biểu của ông Tep Ngorn, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng, tổ chức ở Hà Nội, ngày 4.1.2019).


Gần 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn, ông Tấn xem làng quê nơi đây như chính quê hương của mình. Ông nhớ như in từng tên làng, con sông, ngọn núi và hình ảnh con người Campuchia. Ông Tấn kể: Bộ đội Việt Nam mang lương thực sang cho lực lượng vũ trang cách mạng nước bạn để có cái ăn mà chiến đấu; giúp nhân dân Campuchia trồng lúa, khám, chữa bệnh cho nhân dân... Vì thế, đi đến đâu, người dân Campuchia đều ngợi ca chúng tôi: “Bộ đội Việt Nam tốt lắm”.

“Trong chiến tranh thì làm sao tránh khỏi những mất mát. Nhiều người lính quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống trên mảnh đất Campuchia trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả!”, ông Tấn xúc động nói.

Những năm tháng không quên

Suốt 10 năm tham gia tại chiến trường Campuchia là những ngày khó quên nhất trong cuộc đời quân ngũ của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân - Nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 5. Tháng 12.1978, ông cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 142 (đóng tại tỉnh Đắklăk) hành quân vượt sông Sêrêpôk, xuyên biên giới sang Mundulkiri phối hợp với cánh quân của ta cùng các đơn vị nước bạn đồng loạt tiến công tiêu diệt quân Pol Pot để giải phóng đất nước Campuchia.

Trung đoàn tiến sâu vào nội địa hướng lên đường 141, đông nam Mundulkiri làm nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực quân địch, thu hút Sư đoàn 920 của địch theo ý định tác chiến của ta, chuẩn bị hành lang chiến dịch. Trung đoàn 142 cùng lực lượng vũ trang của Campuchia tiến công giải phóng thị xã Cô-nhét, giải phóng tỉnh Mundulkiri. Cùng với các cánh quân khác theo các hướng đánh bật hầu hết quân Pol Pot khỏi những thành phố và tỉnh lỵ quan trọng của Campuchia,  giải phóng thủ đô Phnôm Pênh.

Ông Ân nhớ lại: “Lúc đầu chỉ nghĩ đi 3 tháng rồi về, nhưng vì tình hình cách mạng của nước bạn nên chúng tôi ở đến 10 năm. Những năm tháng ở bên nước bạn không thể quên được, rất gian khổ vì mình không biết địa hình, phong tục tập quán, tiếng Campuchia... Pol Pot gài mìn khắp nơi, sống-chết chỉ cách nhau trong gang tấc”.

Ông Ngô Đức Tấn được tặng thưởng Huân chương Chiến công vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế vẻ vang tại Campuchia.         Ảnh: P.Lý
Ông Ngô Đức Tấn được tặng thưởng Huân chương Chiến công vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế vẻ vang tại Campuchia. Ảnh: P.Lý


Cũng theo ông Ân, quy định khi làm nhiệm vụ quốc tế, mình chỉ được hưởng 3 cái, đó là "không khí, nước lạnh và củi khô", nên dù hành quân dài ngày, đánh dai dẳng nhưng phải chấp hành theo quy định, chỉ sử dụng lương thực mình đem qua. Tuy nhiên, tất cả chúng tôi đã được quán triệt giúp bạn là tự giúp mình, coi đất nước bạn như nước mình; coi người dân của nước bạn như người dân của mình, nên bộ đội ta đã trung thành với mục tiêu để hoàn thành nhiệm vụ.

Với sự giúp đỡ tận tình, không điều kiện của quân tình nguyện Việt Nam, Thủ tướng Campuchia Hunsen khẳng định: “Sự hiện diện của quân đội Việt Nam ở Campuchia là vì sự sống còn của nhân dân Campuchia... Bộ đội Việt Nam đã hy sinh tính mạng vì sự sống, sự hồi sinh của nhân dân Campuchia”. Hình ảnh hàng chục nghìn người lính Cụ Hồ hăng hái lên đường ra tiền tuyến để chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế cứu giúp nhân dân Campuchia thoát ra khỏi thảm họa diệt chủng sẽ mãi là những hình ảnh đẹp in dấu trong trái tim các thế hệ nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia.

Ngày ấy, chuẩn úy Bùi Thanh Hồng vừa tròn 25 tuổi, mang trong mình lý tưởng sống cao cả, với mong muốn được cống hiến cho Tổ quốc. "Thời kỳ đó, Pol Pot tuyên truyền là bộ đội Việt Nam sang Campuchia là thực hiện "3 sạch: đốt sạch, giết sạch, phá sạch" nên dân rất sợ và vô rừng ở hết. Vì thế, nhiệm vụ của chúng tôi lúc bấy giờ là vừa tổ chức truy quét quân Pol Pot, vừa đưa dân về với chính nghĩa. Khi dân về thì làm hai việc cơ bản nhất là, xây dựng cơ sở chính quyền cho bạn từ cán bộ thôn đến tỉnh, tăng cường cán bộ giúp chính quyền các cấp những ngày đầu mới thành lập; đồng thời hướng dẫn nhân dân sản xuất, nhường gạo, muối cho nhân dân Campuchia, mặc dù bộ đội Việt Nam còn thiếu ăn",  Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Quảng Ngãi, Đại tá Bùi Thanh Hồng nhớ lại.


   T.THUẬN-P.LÝ


----------------
Kỳ cuối: Sẵn sàng hy sinh vì nước bạn Campuchia
 


.