Kỳ vọng vào chặng đường mới

01:10, 22/10/2015
.

 


TIN LIÊN QUAN

Ông Phạm Hữu Tôn - Nguyên Phó Chủ tịch  UBND tỉnh: “Phải có cơ chế đặc biệt hơn nữa cho KKT Dung Quất”
 Trong khoảng 10 năm trở lại đây, KKT Dung Quất đã trở thành động lực phát triển của cả tỉnh, với nhiều dự án lớn đi vào hoạt động như: NMLD Dung Quất, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina, Cảng Dung Quất, Nhà máy đóng tàu Dung Quất... Cùng với đó, KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi được triển khai từ năm 2013 đã tạo ra cú huých lớn cho nền kinh tế của tỉnh. Thế nhưng, xét một cách tổng thể, KKT Dung Quất vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó phải kể đến nguồn vốn dành để phát triển hạ tầng, khu đô thị, dịch vụ… còn ít; chưa tương xứng với nhu cầu thực tế.  

Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xác định phát triển công nghiệp là một trong ba khâu đột phá, để đưa tỉnh sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo tôi, trong quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian đến, KKT Dung Quất vẫn đóng vai trò đầu tàu. Hiện nay, dự án mở rộng NMLD Dung Quất, đầu tư dự án Nhiệt điện Sembcorp, các dự án thuộc VSIP Quảng Ngãi… đang được triển khai, với số vốn hàng tỷ USD. Đây là những dự án hứa hẹn sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho KKT Dung Quất. Do đó, tỉnh cần tranh thủ sự giúp đỡ từ Trung ương, đồng thời tập trung nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện các giải pháp chiến lược, hình thành các khu đô thị hiện đại, tiếp tục thu hút các dự án có tiềm lực và khả năng cạnh tranh cao, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhằm xây dựng KKT Dung Quất thật sự trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh và cả miền Trung.

 

Ông Nguyễn Văn Liêm - Bí thư Đảng ủy xã Đức Nhuận (Mộ Đức): “Nông dân phải được hưởng lợi từ tái cơ cấu nông nghiệp”.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh ta xác định phải thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong  tái cơ cấu nông nghiệp, điều quan trọng là làm thế nào để người nông dân có cuộc sống ổn định và có thể vươn lên làm giàu từ nông nghiệp. Bởi thời gian gần đây, ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu về giống, năng suất, nhưng nông dân vẫn chưa có cuộc sống bền vững.

Tôi xin nêu ví dụ, hiện nay, Mộ Đức được xem là “vựa lúa” của tỉnh, trong đó xã Đức Nhuận luôn là địa phương có năng suất lúa cao nhất huyện (khoảng 70 tạ/ha). Thế nhưng, cuộc sống của người nông dân vẫn còn bấp bênh, bởi giá thu mua lúa không ổn định, trong khi giá phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công... luôn tăng. Vì vậy, để nông dân gắn bó với ruộng đồng, có cuộc sống khấm khá trên chính mảnh đất của mình, Nhà nước phải dành nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp thỏa đáng, để nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu cho nông sản, gắn sản xuất với chế biến…

 

Ông Nguyễn Tấn Lực (57 tuổi), tổ 9, phường Quảng Phú (TP. Quảng Ngãi): "Đảng bộ tỉnh đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế".
Qua theo dõi các báo cáo trình bày tại phiên khai mạc Đại hội, tôi thấy rất phấn khởi về những kết quả tỉnh ta đạt được trong nhiệm kỳ qua. Thành tựu đó cũng được bà Tòng Thị Phóng- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng biểu dương và đánh giá cao.

Tôi tin tưởng và đánh giá cao nội dung Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trình bày tại Đại hội. Đó là, đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, tồn tại một cách khách quan, sát thực tế. Đây cũng là bài học kinh nghiệm rút ra để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới, cũng như các đồng chí lãnh đạo khắc phục trong thực hiện nhiệm vụ thời gian đến. Để đạt những mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội khóa mới đề ra, tôi mong muốn Đại hội sẽ bầu ra những đồng chí đủ năng lực, có tâm và hết lòng phục vụ nhân dân, vì cái chung, mạnh dạn đổi mới để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong những năm tiếp theo. Thời gian đến, tôi mong Ban Chấp hành khóa mới thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, quan liêu; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 quyết liệt hơn để tạo niềm tin cho nhân dân.

 

Ngư dân Nguyễn Tình, xã Bình Hải (Bình Sơn): Cần có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân
Tôi mong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này đề ra nhiều quyết sách tạo điều kiện để ngư dân được vay các nguồn vốn ưu đãi nhiều hơn để sửa, đóng mới tàu công suất lớn, đầu tư ngư lưới cụ, thiết bị liên lạc hiện đại để đánh bắt dài ngày trên biển. Quan tâm đầu tư xây dựng các bến cá, khu neo đậu tàu thuyền... Vì thiếu bến cá nên rất nhiều tàu cá phải cập bến ở các tỉnh để bán hải sản làm phát sinh chi phí, thậm chí còn bị ép giá...

Một nỗi lo khác là, ngư dân thường xuyên đối mặt với nhiều hiểm nguy khi ra biển đánh bắt, nên chúng tôi mong muốn các lực lượng chức năng như cảnh sát biển, kiểm ngư thường xuyên có mặt ở các ngư trường truyền thống để bảo vệ ngư dân và kịp thời cứu hộ cứu nạn khi gặp gió bão, rủi ro... Có như thế, chúng tôi mới yên tâm bám biển làm ăn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Chị Trần Thị Thu Trang – Công nhân Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Thuyên Nguyên (KCN Tịnh Phong): "Tỉnh cần có cơ chế xây dựng nhà ở, trường học, khu vui chơi giải trí... gần các khu công nghiệp".
Thời gian qua, nhờ chính sách tiền lương của Nhà nước có điều chỉnh nên thu nhập của công nhân cũng từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là sau khi lập gia đình gặp khó khăn về chỗ ở, nơi gửi con. Phần lớn công nhân xa nhà hiện nay đều phải ở nhà thuê, trong khi khu vực này nhà trẻ, trường học cho con em công nhân thì không có. Do đó, tiền thuê nhà, tiền gửi con nhà trẻ tư nhân đều từ đồng lương hàng tháng, nên phần lớn cuộc sống của những công nhân có gia đình riêng rất chật vật. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh có nhà ở giá rẻ cho công nhân, có nhà trẻ, trường học gần nơi làm việc để đưa, đón con được thuận lợi, giảm bớt chi phí. Chúng tôi cũng mong muốn được xây dựng các địa điểm vui chơi, sân thể thao để anh em công nhân có nơi giải trí, thể thao sau thời gian làm việc, nhằm giúp giảm bớt áp lực trong công việc cũng như trong cuộc sống, để có tinh thần làm việc hăng say hơn.

 

Ông Trần Văn Thanh - người dân tổ 14, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi): “Gắn phát triển đô thị với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”
TP.Quảng Ngãi vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II là niềm vui, niềm tự hào của những người dân gắn bó máu thịt với mảnh đất này như chúng tôi. Đây là nền tảng để tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng TP.Quảng Ngãi trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ của cả tỉnh. Dẫu vậy, trong quá trình phát triển, TP.Quảng Ngãi vẫn còn những bất cập như: Nhiều dự án khu đô thị bị “treo” quá lâu; khoảng cách về thu nhập, đời sống văn hóa - tinh thần giữa người dân các phường trung tâm và người dân ở các xã mới sáp nhập vào thành phố còn lớn; hệ thống giao thông còn nhiều “điểm nghẽn”…  

Tôi mong rằng, phát triển TP.Quảng Ngãi phải gắn liền với việc nâng cao đời sống của nhân dân, hướng đến mô hình đô thị năng động, thân thiện, thu hút được người dân trong tỉnh và cả nước đến sinh sống và làm việc. Riêng các xã mới được sáp nhập, thành phố cần quan tâm bố trí vốn để đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối với trung tâm được dễ dàng. Đặc biệt, tỉnh và TP.Quảng Ngãi có hướng xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp để tận dụng lợi thế về đất đai của các địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Chị Đinh Thị Thúy Kiều - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi: “Tạo cơ hội cho những người trẻ “thể hiện năng lực” nhiều hơn nữa”.
Nhân dịp Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đang diễn ra, tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thu hút sinh viên mới ra trường có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bởi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh là một trong ba khâu đột phá được xác định trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Thiết nghĩ, với vị trí và vai trò là “rường cột” của nước nhà, tương lai của dân tộc, thanh niên xứng đáng được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Nếu tạo cơ hội cho những người trẻ “thể hiện năng lực”, thì đây sẽ là động lực giúp tuổi trẻ tỉnh nhà trau dồi bản thân và có thể có nhiều đóng góp cho quê hương, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”. Đó không chỉ là yêu cầu khách quan của tình hình thanh niên và yêu cầu phát triển của tỉnh nhà, mà còn là yêu cầu cấp thiết của chính công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng thế hệ thanh niên “Tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn”, góp phần xây dựng quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp và văn minh.

N.TRIỀU- X.THIÊN

(ghi)
 


.