Những ý kiến tâm huyết gửi đến Đại hội

09:10, 21/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù là đại biểu chính thức dự Đại hội hay cán bộ hưu trí, người dân bình thường, nhưng tất cả đều hướng về Đại hội trong niềm hân hoan và kỳ vọng. Dưới đây là những tâm tư, kỳ vọng mà phóng viên Báo Quảng Ngãi ghi lại được.

TIN LIÊN QUAN

 

Đường phố Quảng Ngãi rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.         Ảnh: P.DANH
Đường phố Quảng Ngãi rực rỡ cờ hoa chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Ảnh: P.DANH


 

Ông Vũ Tùng Vi - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Nhiệm kỳ XVIII vừa qua, với sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân, Quảng Ngãi đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện nhiều, thu ngân sách đạt cao, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, văn hóa - xã hội phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn có những chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có những chỉ tiêu rất quan trọng như tốc độ tăng trưởng, kết cấu hạ tầng đô thị… Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có nguyên nhân là chúng ta đề ra mục tiêu chưa thật sát với thực tiễn. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIX đề ra những chỉ tiêu mà theo tôi thấy phù hợp, sát với tình hình thực tiễn của tỉnh và trong khu vực, cả nước.

Để thực hiện đạt và vượt những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần này, theo tôi, có hai vấn đề cần phải lưu ý. Thứ nhất, Đảng bộ phải phát huy cho được truyền thống cách mạng của quê hương. Trong công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, nhân dân Quảng Ngãi đóng góp sức người, sức của rất lớn. Truyền thống đó phải luôn được giữ vững và tiếp tục phát huy. Thứ hai, xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch vững mạnh. Trong xây dựng Đảng hiện nay cần xoay quanh ba trụ cột: Chính trị, tư tưởng, tổ chức cán bộ. Trong đó, công tác cán bộ được xem là khâu then chốt. Phải xây dựng cho được đội ngũ cán bộ đúng với tiêu chuẩn mà Đảng đã đề ra, nhất là vấn đề cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư và phải có tầm nhìn, năng lực thực tiễn...

Đặc biệt, phải xây dựng tổ chức đảng từ cơ sở đến cấp tỉnh trong sạch, vững mạnh; tạo được sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ mỗi cấp. Đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, đoàn kết nhất trí giữa các địa phương, có như thế thì sức mạnh mới tăng lên, phát huy được sức mạnh toàn dân để cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đại biểu Hồ Thị Vân (đơn vị huyện Tây Trà)
 
Lần đầu tiên được tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 với tư cách là đại biểu chính thức của Đảng bộ huyện Tây Trà nên tôi rất lấy làm vinh dự và tự hào. Bản thân tôi và các đồng chí trong Đoàn đại biểu của huyện Tây Trà đặt ra rất nhiều kỳ vọng đối với sự phát triển của tỉnh nhà nói chung và miền núi Quảng Ngãi nói riêng trong giai đoạn 2015-2020.

Trước hết, kỳ vọng đó đã được thể hiện ở chủ đề Đại hội: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”. Kỳ vọng nữa là, các huyện miền núi nói chung và huyện Tây Trà nói riêng tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, đưa ra những chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho vùng miền núi, đặc biệt là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ vùng miền núi. Với trách nhiệm là đại biểu chính thức dự đại hội, bản thân tôi xác định nghiên cứu kỹ các nội dung trình bày tại Đại hội, nắm bắt đầy đủ thông tin, tinh thần Đại hội để có thể đóng góp thiết thực, trách nhiệm góp phần vào thành công Đại hội; lựa chọn những người thực sự có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn công tác để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới đủ sức lãnh đạo, sớm đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống...

Ông Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng phòng VH-TT huyện Trà Bồng

Tôi mong rằng, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các đại biểu dành thời gian để thảo luận, đề ra giải pháp thực hiện công tác bảo tồn, phát huy có hiệu quả bản sắc văn hóa đồng bào thiểu số. Trong đó, cần chú trọng đến chính sách ưu đãi cho các nghệ nhân, những người làm công tác văn hóa ở miền núi; đồng thời, quan tâm đến việc hỗ trợ, làm thủ tục để chứng nhận các danh hiệu nghệ nhân dân gian cho những người có nhiều cống hiến trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao.

Thực tế trong những năm qua, lĩnh vực văn hóa trên địa bàn các huyện miền núi đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm đầu tư đồng bộ trên cả hai mặt: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì công tác này vẫn còn những hạn chế và bất cập nhất định, do thiếu kinh phí, nguồn lực con người...

Đại biểu Đinh Văn Tơ – Đại biểu lớn tuổi nhất (73 tuổi), đơn vị huyện Sơn Hà:

Tôi mong muốn, Đại hội Đảng bộ tỉnh dành nhiều thời gian thảo luận, đề ra thêm những quyết sách mới để phát triển kinh tế nhanh hơn, mạnh hơn trong nhiệm kỳ đến. Đặc biệt, đối với 6 huyện nghèo trong tỉnh, có các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mang tính đột phá hơn nữa để giảm nghèo nhanh và bền vững. Quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người đồng bào thiểu số để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế trong những năm đến. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, giải quyết việc làm cho con em đồng bào vùng cao đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng...

Trong phát triển kinh tế ở miền núi, cần chú ý đến tính bền vững, đặc biệt là việc đầu tư, khai thác các loại tài nguyên khoáng sản quý hiếm; đầu tư các công trình thủy điện, vì miền núi là tấm lá chắn của vùng đồng bằng. Có biện pháp chấn chỉnh việc sử dụng đất rừng kém hiệu quả của các doanh nghiệp, công ty và lâm trường; rà soát và xây dựng phương án cấp đất lâm nghiệp cho dân thiếu đất sản xuất, đặc biệt là hộ đồng bào thiểu số. Xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và hỗ trợ cây, con giống mới có giá trị kinh tế để người dân học hỏi áp dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình...

Ông Nguyễn Quốc Bảo-Bí thư Đảng ủy xã Trà Trung (Tây Trà):
 
Tin rằng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX sẽ đề ra những giải pháp để lãnh đạo, đưa Quảng Ngãi phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, cần phải có giải pháp mang tính chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi trong tỉnh, vì vùng đất phía tây của tỉnh có một vị trí chiến lược quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. Thực tế, với sự quan tâm của tỉnh, đời sống của đồng bào miền núi nói chung, đồng bào thiểu số nói riêng đã được nâng lên đáng kể, song vẫn còn nhiều khó khăn. Riêng xã Trà Trung có đến hơn 66% hộ dân thuộc diện nghèo; tập quán sản xuất lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức đồng bào.

Việc tiếp cận với giáo dục, y tế, văn hóa của đồng bào thiểu số ở địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn cách trở; trường lớp chưa hoàn thiện; nhận thức của đồng bào còn hạn chế; ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo của các hộ dân rất mong manh. Để người dân vùng cao nói chung, đồng bào thiểu số nói riêng có cơ hội thoát nghèo bền vững, bà con rất cần được hỗ trợ đầu tư các phương tiện sản xuất, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nhất là phát triển lâm nghiệp và xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu.
 
Nhóm PV

 


.