Góp ý xây dựng văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX: Ưu tiên phát triển kinh tế biển, đảo

09:08, 07/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là một trong những địa phương ven biển, Quảng Ngãi xác định phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm đến.  Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, cán bộ và nhân dân trong tỉnh quan tâm, đánh giá cao và tham gia đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thiết thực.
 

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định, trong 5 năm tới sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam, tạo bước phát triển mạnh về kinh tế biển. Tập trung xây dựng huyện đảo Lý Sơn trở thành đô thị biển xanh, sạch, đẹp, là huyện đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh...
 
Kinh tế biển là thế mạnh của tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư để phát triển trong những năm đến
Kinh tế biển là thế mạnh của tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư để phát triển trong những năm đến

Theo đó, tỉnh sẽ nỗ lực chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, giảm tỷ trọng nông nghiệp và diện tích nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên thì trong thời gian tới cần phải có những cơ chế, chính sách và hướng đi cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, tranh thủ các cơ chế, chính sách để đầu tư phát triển đồng bộ, bền vững cho huyện đảo, nhất là đối với phát triển kinh tế biển, nông nghiệp và du lịch.
 
Vấn đề này được hầu hết người dân huyện đảo Lý Sơn đồng tình, đóng góp ý kiến. Bà Huỳnh Thị Tuyết, xã An Vĩnh (Lý Sơn), cho rằng, để phát triển mạnh về kinh tế biển thì phải đầu tư, tạo điều kiện cho ngư dân nguồn vốn đóng tàu công suất lớn. Bên cạnh đó phải chuyển giao kỹ thuật để việc đánh bắt thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Về nông nghiệp cũng vậy, nguồn cát phục vụ trồng hành, tỏi ngày càng cạn kiệt nên phải có giải pháp  để duy trì việc sản xuất hành, tỏi đạt và vượt năng suất, nhưng không ảnh hưởng tới việc lấy cát trên đảo Lý Sơn gây sạt lở.

Là những người trực tiếp bị tác động bởi nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, nên ngư dân trong tỉnh đặt kỳ vọng được tiếp cận nhiều hơn, dễ dàng hơn với các cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho ngư dân. Đó là, hỗ trợ đầu ra đối với khâu bao tiêu sản phẩm sau đánh bắt, tạo điều kiện để ngư dân dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay, quan tâm đào tạo  nghề cho ngư dân, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản... Ngư dân Ngô Đình Cường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cho rằng: Chúng tôi mong sao trong thời gian đến, nhà nước cần quan tâm hơn nữa  để ngư dân chúng tôi được vay một số vốn lớn hơn để đóng tàu lớn, đầu tư ngư lưới cụ và trang thiết bị hiện đại để đánh bắt hiệu quả hơn...

Thực tế hiện nay, hạ tầng phục vụ kinh tế biển ở tỉnh ta còn yếu. Vấn đề này cũng cần được giải quyết để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển bền vững. Ông Lê Văn Nguyên – Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu (Bình Sơn) nêu ý kiến: Trong những năm tới, Nhà nước cần phải quy hoạch, đầu tư xây dựng nơi neo đậu tàu thuyền cho nhân dân một cách bài bản hơn. Có nơi neo đậu an toàn thì ngư dân mới yên tâm đóng tàu mới để làm ăn. Bên cạnh đó là dịch vụ hậu cần nghề cá cũng rất quan trọng, vì ngư dân khi đánh bắt cá đưa vào bờ mà dịch vụ hậu cần nghề cá không phát triển được thì khó khăn về đầu ra cho ngư dân.

Nhân dân ở các vùng  biển, đảo trong tỉnh cũng đề nghị Nhà nước cần chú trọng hơn trong việc tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Quan tâm hơn nữa đến việc kêu gọi xúc tiến đầu tư ,phát triển du lịch biển; hỗ trợ, ứng dụng các mô hình nuôi trồng, chế biến thủy hải sản có hiệu quả để giúp ngư dân giàu lên từ biển, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
 

Bài, ảnh X.THIÊN
 


.