Hội thảo khoa học Chuyên đề học tập và làm theo Bác năm 2014:
Chỉ ra kinh nghiệm khắc phục bệnh nói không đi đôi với làm

01:06, 07/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014 có ba nội dung lớn: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân và nói đi đôi với làm. Các nội dung này có mối liên hệ mật thiết, biện chứng, thực hiện tốt sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách con người nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng. Trong đó, nội dung “nói đi đôi với làm” là những biểu hiện hằng ngày, có tác động trực tiếp đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Minh Đích trình bày tham luận “Chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng lối sống trung thực, thẳng thắn trong đội ngũ những người làm báo” tại hội thảo.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Minh Đích trình bày tham luận “Chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng lối sống trung thực, thẳng thắn trong đội ngũ những người làm báo” tại hội thảo.


Cuối tháng 5 vừa qua, Hội thảo khoa học với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh tổ chức với sự tham gia đông đảo các báo cáo viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn trong tỉnh... Từ nhiều góc nhìn, các ý kiến tham luận tại hội thảo đã xác định đầy đủ khái niệm, phạm trù được đề cập trong chủ đề; đồng thời khẳng định sự cần thiết và cấp bách về nâng cao nhận thức đối với việc “chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng lối sống trung thực, thẳng thắn”; “nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm”... Điều này càng có ý nghĩa sâu sắc khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm thực hiện Nghị quyết TƯ4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Khi đề cập đến một trong những nguyên nhân yếu kém, Nghị quyết TƯ 4 của Đảng ta chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết, quy định về xây dựng và chỉnh đốn Đảng chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ”.

Biểu hiện cụ thể của bệnh nói không đi đôi với làm có thể nhận diện ở nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như: Nói một đằng làm một nẻo; nói mà không làm, hứa mà không thực hiện; nghĩ một đằng, nói một đằng; lúc đương chức nói thế này, khi về hưu nói thế khác; trong cuộc họp nói khác với khi ở ngoài cuộc họp; nói thì hay, làm thì dở... Ở một cấp độ cao hơn, nói không đi đôi với làm chính là thiếu trung thực, bệnh “thành tích”, bệnh giáo điều, thói “háo danh”, nói dối, khai man... nhằm động cơ vụ lợi, tham nhũng. Tác hại của nói không đi đôi với làm rất nghiêm trọng ở chỗ nó làm xói mòn niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Để khắc phục và đẩy lùi nguy cơ do căn bệnh nói không đi đôi với làm gây ra, các ý kiến, tham luận tại hội thảo lần này đều đi đến thống nhất, đề ra nhiều giải pháp tương đối toàn diện, sâu sắc. Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức cần thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. “Nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc, đạo đức, lẽ sống mà còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trong sáng của mỗi con người. Vì thế, nói phải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không được “nói một đằng, làm một nẻo”. “Nói đi đôi với làm” phải thực hiện đồng bộ, nhất quán từ trên xuống dưới, đề cao vai trò người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Theo Bác, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Vì vậy, cần phát hiện và nhân rộng điển hình, gương người tốt, việc tốt đi đôi với ngăn chặn các biểu hiện xuống cấp đạo đức trong gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi tập thể, tổ chức vừa đóng vai trò giám sát, vừa tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, đảng viên hoàn thiện nhân cách. Cùng với đó tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách, không tạo kẽ hở cho thói thiếu trung thực len lỏi trong đời sống xã hội. Bên cạnh đó, phải mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường đối thoại giữa Bí thư cấp ủy với cán bộ, đảng viên và nhân dân; thường xuyên tổ chức tự phê bình và phê bình, rút kinh nghiệm sau mỗi hoạt động của cơ quan đơn vị chứ không phải đến cuối năm mới tổ chức kiểm điểm. Đây là một nguyên tắc và là cơ sở xây dựng đức tính trung thực, thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Phạm Thanh Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Rất nhiều bài học được rút ra cũng như giải pháp để thực hiện Chỉ thị 03 tại Hội thảo lần này. Đáng nói là, vấn đề nhận thức đã được nhiều đại biểu quan tâm, nêu rõ và nhấn mạnh: “Nhận thức không đúng sẽ dẫn đến hành động không đúng”.

Do vậy, nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân là để đem lại kết quả trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng nhiều hơn, thiết thực hơn trong đời sống xã hội, đặc biệt trong cơ chế thị trường hiện nay. Nhằm thực hiện tốt chuyên đề này theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, trước hết cần sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tạo tiền đề để cấp dưới học tập, noi theo. Để từ “nhận thức đúng” đến “hành động đúng”, việc thực hiện các nội dung của chuyên đề cần đặt dưới sự kiểm tra của tập thể và sự giám sát của quần chúng nhân dân. Khắc phục, sửa chữa các yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ4 (khóa XI).

Có thể thấy rằng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng lối sống trung thực, thẳng thắn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lời nói đi đôi với việc làm trong cán bộ, đảng viên là công việc rất quan trọng, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với sự tồn vong của chế độ. Do đó, những giải pháp đặt ra tại Hội thảo cần phải thực hiện một cách quyết liệt, với quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, của các ngành, các cấp, của mỗi cán bộ đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Có như vậy, việc học tập và làm theo Bác mới thiết thực, thường xuyên, đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa rộng lớn.
  

Bài, ảnh: Thanh Thuận
 


.