Xây dựng, chỉnh đốn đảng ở Lý Sơn: Phát huy quyền giám sát của người dân

01:06, 18/06/2012
.

(QNg)- Để Nghị quyết TƯ 4 đi vào cuộc sống, huyện Lý Sơn đã tận dụng những đặc điểm riêng có trong mối quan hệ giữa chính quyền và người dân trên đảo, xem đó là chìa khóa để việc xây dựng chỉnh đốn Đảng thực hiện hiệu quả.  

TIN LIÊN QUAN


Sau khi quán triệt Nghị quyết TƯ 4, các cấp lãnh đạo của huyện, đặc biệt là đồng chí Bí thư Huyện ủy đã thể hiện quyết tâm làm gương cho cán bộ bằng những hành động rất cụ thể. Hình ảnh cán bộ ra đồng tỏi để tưới nước, hoặc xuống bến cảng để xem tình hình đánh bắt hải sản của bà con đã không còn xa lạ với người dân trên đảo. Ông Đặng Văn Phước (64 tuổi), ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải cho biết, hầu hết cán bộ từ huyện đến xã đều rất gần gũi với người dân. Cán bộ trên đảo làm, đi đâu chúng tôi đều biết hết cả. Nếu cán bộ không làm tốt, có lối sống buông thả, hoặc làm ảnh hưởng xấu đến dân là chúng tôi góp ý liền"- ông Phước thẳng thắn.

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Võ Xuân Huyện (trái) thăm hỏi ngư dân Nguyễn Văn Duyên chuẩn bị ra khơi đánh bắt.
Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Võ Xuân Huyện (trái) thăm hỏi ngư dân Nguyễn Văn Duyên chuẩn bị ra khơi đánh bắt.


Nhiều cán bộ lãnh đạo ở Lý Sơn nói rằng, khi người dân có việc cần đến chính quyền là họ  đến thẳng nhà của cán bộ để nhờ giải quyết. Có người đến nhà Bí thư huyện nói rằng "Con tôi vừa tốt nghiệp đại học, tôi giao cho ông bí thư lo cho cháu việc làm đấy nhé. Có khi không có việc gì họ cũng đến nhà chơi, ngồi tán chuyện" - Bí thư Võ Xuân Huyện vui vẻ cho hay. Tất nhiên, những việc mà người dân đến nhờ giúp đỡ chỉ là những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, chỉ cần động viên, hòa giải là êm xuôi. Việc đến nhà cán bộ trình bày sự việc nhờ giúp đỡ là trong sáng không mang ý nghĩa tiêu cực. Tuyệt nhiên trên huyện đảo, không có những tranh chấp gay gắt xảy ra trong cộng đồng. Hầu hết người dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và việc làm của cán bộ địa phương.

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Võ Xuân Huyện nhấn mạnh rằng, không địa phương nào có điểm đặc biệt như Lý Sơn. Ở đây cán bộ và người dân như chung trên một chiếc thuyền giữa biển, mọi hoạt động, lối sống sinh hoạt của cán bộ thì người dân đều biết, và biết rất rõ. Vai trò giám sát của người dân được phát huy rất hiệu quả. Nhờ đó, mỗi cán bộ, đảng viên ở đây luôn phải giữ uy tín của mình. Phát huy đặc điểm này, chúng tôi tăng cường tổ chức đối thoại với người dân để họ thực hiện quyền giám sát của mình đối với từng cán bộ, đảng viên từ huyện đến xã, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Đối với cán bộ, chúng tôi quán triệt thực hiện việc tự phê bình và phê bình từ cấp trên xuống. Người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo cơ quan phải làm gương và chịu trách nhiệm khi cấp dưới có sai phạm.

Thực tế ở Lý Sơn lâu nay, cán bộ đi đâu, làm gì đều được người dân giám sát. Mặt khác, có lẽ ở Lý Sơn các tộc họ trên đảo đã có truyền thống đoàn kết, gắn bó với nhau từ bao đời nay. Cán bộ trên đảo phần lớn là con em địa phương nên có mối quan hệ thân thiết với người dân. Đây là điểm đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 tại huyện đảo Lý Sơn.  


X.Thiên
 


.