Thảo luận, bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

05:12, 06/12/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Chiều 6/12, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII tiếp tục làm việc để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023; thông qua nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tài chính, ngân sách. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân điều hành phiên thảo luận.
[links()]
 
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, cũng như những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách của chính quyền các cấp; đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đề xuất giải pháp cho phù hợp và hiệu quả để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.
Các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp.
Năm 2023, Quảng Ngãi đề ra 25 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, với các chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân âm (-3,5) - (-3)%; GRDP bình quân đầu người khoảng 3.780 USD; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt khoảng 33 nghìn - 34 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 31%; phấn đấu thu ngân sách vượt mức chỉ tiêu trung ương giao trên 5%; có 7 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 62,95%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1 - 1,5%; trong đó, miền núi giảm từ 4 - 4,5%, đồng bằng giảm 0,4 - 0,6%...

Các đại biểu nhận định, việc đạt và vượt 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ, nỗ lực vượt bật của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho rằng, kết quả này là bức tranh kinh tế - xã hội sáng nhất thời gian qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, trong những chỉ tiêu đã đạt thì vẫn còn một số chỉ tiêu phát triển nhưng chưa bền vững. Trong năm 2023, các ngành, địa phương cần đề ra những giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra một cách hiệu quả.

Theo Bí thư Thị ủy Đức Phổ Nguyễn Kiên, thời gian tới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cần tập trung vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, hội đoàn thể để tháo gỡ vướng mắc trong công tác này. Ngoài ra, tỉnh cần ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông, y tế, giáo dục… để tạo đòn bẫy phát triển đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực.
Bí thư Thị ủy Đức Phổ Nguyễn Kiên tham gia thảo luận tại kỳ họp.
Bí thư Thị ủy Đức Phổ Nguyễn Kiên tham gia thảo luận tại kỳ họp.
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc đề cập đến tình trạng thiếu giáo viên ở miền núi đã ảnh hưởng đến công tác giáo dục của địa phương trong nhiều năm qua. Cần có giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, cần bố trí nguồn lực kịp thời để đảm bảo các xã nông thôn mới về đích đúng theo lộ trình đã đề ra; có chính sách hỗ trợ, quan tâm đến đời sống của nông dân, triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông trong thời gian tới. Trong đó, cần chú trọng đến công tác dồn điền đổi thửa; áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản vừa đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ môi trường. Những giải pháp cụ thể sẽ giúp ngành nông nghiệp phát triển một cách bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu ý kiến tại kỳ họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu ý kiến tại kỳ họp.
Một số đại biểu cũng đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng thu ngân sách từ đất để đạt được chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất; cần đảm bảo hỗ trợ kinh phí cho các hội có tính chất đặc thù; tăng cường hiệu quả hoạt động của báo chí để làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội…
 
Kết luận phần thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh, thời gian tới, Quảng Ngãi đặt quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu để đạt 25 chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2023. Tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cho y tế.
 
Các ngành, địa phương cần đảm bảo thực hiện đúng các kế hoạch, chương trình, nội dung nhiệm vụ đã đề ra. Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư. Phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị, sở, ngành, địa phương. Chú trọng đến quyết định chủ trương đầu tư, giải ngân đầu tư, đầu tư công.
Các đại biểu thảo luận bên lề kỳ họp.
Các đại biểu thảo luận bên lề kỳ họp.
Tăng cường công tác kết nối, trao đổi thông tin giữa các ngành, địa phương để phối hợp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ. Tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, nâng chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, tập trung giảm nghèo bền vững. Nâng cao hiệu quả thực thi, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính; đảm bảo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung cho công tác chuyển đổi số; tiếp dân, đối thoại của bí thư cấp ủy với nhân dân; đảm bảo công tác quốc phòng – an ninh, gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội…
 
Cũng tại phiên họp chiều 6/12, các đại biểu đã thảo luận và thông qua nội dung Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2021; quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương áp dụng từ năm 2023 và những năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định ngân sách mới; dự toán và phân bổ ngân sách địa phương năm 2023; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
 
Tin, ảnh: N.ĐỨC – T.PHƯƠNG

 


.