Tuổi sống và “tuổi chết”

09:07, 27/07/2013
.

* Thanh Thảo


(QNĐT)- Với rất nhiều liệt sĩ thời chống Pháp và chống Mỹ, “tuổi chết” của họ rõ ràng đã nhiều hơn hẳn tuổi sống. Cuộc kháng chiến chống Pháp dừng lại sau chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 59 năm. Cuộc chiến tranh với Mỹ đã chính thức dừng ở cột mốc 30/4/1975, cách đây 38 năm.

TIN LIÊN QUAN
Nhưng với hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, hai cuộc chiến dai dẳng, kéo dài, độ lùi thời gian cũng đã vào khoảng 30 năm có lẻ. Và những liệt sĩ của chúng ta hy sinh ở hai cuộc chiến ấy, nhiều người cũng đã “tuổi chết dần hơn tuổi sống”. Bởi lúc hy sinh, họ chỉ ở độ tuổi hai mươi.

Khi các đoàn viên và thanh niên của thế hệ trẻ hôm nay thắp lên những ngọn nến tri ân liệt sĩ tại các nghĩa trang và các điểm di tích lịch sử chiến tranh trong cả nước, các em có thể nghĩ:
 

cvbcv
 

Những người nằm dưới mộ kia đúng bằng tuổi các em hôm nay, và những liệt sĩ ấy đã có “tuổi chết” nhiều hơn hẳn tuổi các em bây giờ đang sống. Nghĩ như thế để có thể vừa kết nối tình cảm, ước mơ, rung động giữa những người có “tuổi sống” bằng nhau nhưng nay đã thuộc về hai thế giới khác nhau, vừa bày tỏ niềm kính trọng và tiếc thương những liệt sĩ đã từng sống, ước mơ, hy vọng, đau khổ như chúng ta đang sống hôm nay, nhưng rồi với họ, tất cả đã phải dừng. Và họ chỉ còn được đếm hàng năm bằng “tuổi chết”-họ đã hy sinh bao nhiêu năm rồi?

Với mỗi ngọn nến thắp lên ở nghĩa trang liệt sĩ trong ngày 27/7, lòng biết ơn của các đoàn viên và thanh niên hôm nay đi cùng sự sẻ chia, còn sự tiếc thương lại gắn với niềm day dứt: Cùng ở tuổi thanh xuân như mình, lẽ ra, nếu được sống, các liệt sĩ sẽ đóng góp cho đất nước ra sao, sẽ có được cuộc sống hạnh phúc như thế nào cho bản thân và gia đình. Không người lính nào muốn chết, nhưng người lính nào cũng hiểu và cảm thấy sâu sắc ý nghĩa tối thượng của hai chữ “hy sinh”. Và họ đã chấp nhận “Nếu ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”.

Tôi đã từng được sống, được chia sẻ với những người lính đang độ tuổi mười tám đôi mươi. Họ hồn nhiên và trong sáng. Nhưng họ đã sớm có ý thức. Nhiều người trong số họ, khi hy sinh, vẫn tuyệt đối trong sáng và hồn nhiên. Nhưng họ đã hy sinh với tinh thần trách nhiệm cao và nặng hơn độ tuổi của họ.

Các bạn thanh niên hôm nay có thể nhìn sâu hơn vào cách sống "trong sáng, hồn nhiên, và không chỉ như thế” của các liệt sĩ chúng ta. Đó cũng là cách để xác định và khẳng định thái độ sống cho mình ở một đất nước mà những nguy cơ luôn rình rập, mà sự hy sinh chưa bao giờ thôi ám ảnh những công dân yêu nước thuộc nhiều thế hệ.

Năm ngoái, tôi đã đi viếng nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp trước ngày 27/7. Tại nhiều nghĩa trang, tôi đã ghi lại độ tuổi của các liệt sĩ (có tên) đang nằm ở đó. Những liệt sĩ ở độ tuổi hai mươi (thậm chí chỉ 17 hay 18 tuổi) vẫn chiếm nhiều nhất. Với mười nghìn liệt sĩ nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, những người lính trẻ vẫn chiếm đa số.

Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang)-nơi các liệt sĩ của chúng ta hy sinh từ năm 1984 tới 1987-những liệt sĩ có “tuổi sống” 17, 18, 19 tuổi là rất đông. Những người lính từ 30 tỉnh thành trong cả nước đã góp máu xương mình giữ từng mỏm núi, từng tấc đá ở chiến trường Thanh Thủy-Vị Xuyên-Hà Giang.

Sang năm 2014 là tròn 30 năm cuộc chiến đẫm máu bảo vệ Tổ quốc ở Vị Xuyên, điều cần thiết bây giờ là mọi người Việt Nam yêu nước phải biết tới sự kiện này, để sống có ý thức và có tinh thần cảnh giác cao hơn. Và cũng để sẻ chia, yêu thương, kính trọng nhiều hơn những liệt sĩ của chúng ta đã hy sinh vì Tổ quốc./.  
 
 


.