Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc tại Quảng Ngãi

10:04, 08/04/2013
.

(QNĐT)- Chiều 8/4, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đinh Văn Cương- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về tình hình đầu tư phát triển Khu Kinh tế Dung Quất.

TIN LIÊN QUAN


Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí Phạm Minh Toản- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh- Phó Bí thư Tỉnh ủy; Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với Đoàn về tình hình đầu tư phát triển của Khu Kinh tế Dung Quất (KKT DQ). Theo đó, sau 17 năm đầu tư và phát triển (1996- 2013), KKT DQ được đánh giá là một trong những KKT thành công trong cả nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ngãi; từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị- công nghiệp- dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và làm động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực miền Trung và cả nước.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động của KKT DQ theo mô hình KKT đa ngành, đa lĩnh vực thì việc thu hút dòng vốn FDI vào KKT DQ tăng lên đáng kể, đã tạo tiền đề khu vực miền Trung nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng.

 

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc


Tại KKT DQ đã thực hiện lập hầu hết các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở triển khai, quản lý; hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT DQ đến năm 2025 từ 10.300 ha lên 45.332 ha.

Đến cuối năm 2012, tại KKT DQ có 111 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 8 tỷ USD; vốn thực hiện đầu tư khoảng 4,8 tỷ/8 tỷ USD (đạt 60% vốn đăng ký đầu tư). Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, với một số đối tác và dự án mới hết sức quan trọng đối với sự phát triển KKT DQ như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Sembcorp; dự án Nhà máy bột giấy, dự án Nhà máy thép Guang Lian; dự án khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị VSIP...

Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại KKT DQ đạt 129.800 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 350 triệu USD; hàng hóa thông qua cảng ước 13,8 triệu tấn. Theo thông kê,  tại KKT DQ hiện có khoảng 12.008 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp và trên 3.000 lao động làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ và xây dựng ...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển, KKT DQ còn gặp những khó khăn vướng mắc như: Cơ chế quản lý, phát triển vẫn chưa đáp ứng yêu cầu mới; thực hiện một số quy hoạch còn hạn chế, quy hoạch các khu tái định cư chưa đồng bộ; thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển KKT DQ chưa cân đối giữa phát triển đô thị, dịch vụ với phát triển công nghiệp....

Để KKT phát triển bền vững, trở thành KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực tỉnh Quảng Ngãi  đề xuất, kiến nghị Trung ương một số vấn đề như: Sớm ban hành Luật KKT, Khu Công nghiệp; quy định rõ vai trò, thẩm quyền của Thanh tra các khu kinh tế; cho thành lập thành phố Dung Quất để có mô hình quản lý đủ mạnh; tiếp tục đầu tư mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; hỗ trợ phát triển KKT DQ và một số dự án trọng điểm...

 

Đồng chí Đinh Văn Cương- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Đinh Văn Cương- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc


Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Văn Cương- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những thành quả mà tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là sự phát triển của KKT DQ với nhiều dự án lớn đã được đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách cho địa phương.

Đồng chí Đinh Văn Cương nhấn mạnh, nếu có chủ trương, mô hình phát triển đúng thì KKT DQ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Về các tồn tại của KKT DQ, địa phương cần rà soát lại những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của cơ sở, của tỉnh thì chủ động giải quyết, vấn đề nào thuộc thẩm quyền cấp trên thì tổng hợp, kiến nghị Trung ương giải quyết.

Đối với các kiến nghị của tỉnh liên quan đến KKT DQ, Ban Kinh tế Trung ương sẽ nghiên cứu đề xuất các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ quan tâm giải quyết...



Tin, ảnh: N. Đức
 


.