Tác giả - Tác phẩm: Hình ảnh phụ nữ Việt trong văn học

08:49, 09/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)-Tháng Ba, tháng tôn vinh người phụ nữ với sự kiện ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) chúng ta cùng nhìn lại hình ảnh người phụ nữ Việt được phản ánh trong các tác phẩm văn chương tự cổ chí kim.

Hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trong các tác phẩm văn học Việt Nam trải dài tự cổ chí kim.
Hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trong các tác phẩm văn học Việt Nam trải dài tự cổ chí kim.

Qua mỗi thời đại, hình ảnh người phụ nữ trong văn học Việt Nam lại có những nét đẹp rất riêng. Trong văn học dân gian, truyện cổ tích Việt Nam, nhân vật nữ đại diện cho phẩm chất, lý tưởng tốt đẹp của nhân dân như hình tượng cô Tấm (Tấm Cám) tiêu biểu cho quan niệm “ở hiền gặp lành” của cha ông ta; cô Út lấy Sọ Dừa (Sọ Dừa), cô Tấm lấy vua (Tấm Cám), hay Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử (Chử Đồng Tử)... thể hiện ước mơ về sự công bằng và dân chủ, theo quan điểm của người Việt xưa.

Thời trung cận đại, hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm văn học được khắc họa với những phẩm chất cao quý, tốt đẹp nhưng lại có số phận đầy bi thương. Các tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ này như: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ), Truyện Kiều (Nguyễn Du), Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)... đã lên tiếng phản ánh xã hội phong kiến bất công gây đau khổ cho người phụ nữ. Song song với đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên thật đáng trân trọng và tự hào. Đó là vẻ đẹp truyền thống: Đảm đang, vị tha, thủy chung son sắt, giàu đức hy sinh.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, số phận người phụ nữ trong văn chương vẫn đầy bi kịch như chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất Tố), Thị Nở (Chí Phèo - Nam Cao). Sau năm 1945, những người phụ nữ hiện lên trong các áng văn thơ thời kỳ này đã có lý tưởng sống, họ không chỉ tự giải thoát mình như cô Mỵ trong "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài), mà còn tích cực tham gia vào hai cuộc kháng chiến. Nhân vật nữ trong văn chương Việt thời điểm này đã có những dấu mốc quan trọng, với sự xuất hiện các nhân vật nữ mới. Nếu các chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng - Nguyễn Thi), chị Tư Hậu (Một chuyện chép ở bệnh viện - Anh Đức)... mạnh mẽ, quả cảm trong chiến đấu, thì cô Đào (Mùa lạc - Nguyễn Khải), cô Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu) rất dịu dàng, nết na, thùy mị, góp phần xoa dịu sự mất mát, vất vả của cuộc sống trong những năm tháng đất nước bị chiến tranh và trong giai đoạn đầu tái thiết đất nước.

Nói đến người phụ nữ trong văn học Việt Nam không thể không nhắc đến những người mẹ. Trong những năm tháng chiến tranh, hình ảnh người mẹ lại càng được tô đậm, được nhắc đến đầy trang trọng. Đơn cử như hình ảnh người mẹ trong các bản trường ca kháng chiến là những người phụ nữ bình dị, tảo tần và giàu lòng yêu thương các con. “Chúng tôi biết ơn bà mẹ nghèo làng Gióng/Đã nuôi con lam lũ nhọc nhằn/... Mẹ ngồi đó đêm mưa ngày nắng/Mẹ ngồi đó một thời bom đạn” (Trường ca sư đoàn - Nguyễn Đức Mậu). Trên chặng đường hành quân ra chiến trường của người con trai tuổi đôi mươi, hình ảnh người mẹ luôn xuất hiện trên mọi dặm đường: “Anh đi đi, đường dài đội ngũ/mẹ phía trước mỗi chặng đường kháng chiến/...trái tim mẹ trải mọi vùng bom đạn/anh đi đi, phía trước, mẹ đang chờ” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo). Hay những người mẹ ở khắp mọi miền đất nước được khắc họa trong thơ Tố Hữu như: Bà má Hậu Giang (trong tập thơ Từ ấy); Bầm ơi! (trong tập thơ Việt Bắc); Mẹ Tơm (trong tập thơ Gió lộng); Mẹ Suốt (trong tập thơ Ra trận...) đã khắc họa một cách chân thực về chân dung người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh, ca ngợi những phẩm chất cao đẹp cũng như khắc ghi công lao to lớn của người phụ nữ đối với cách mạng, với đất nước.

Hình ảnh người phụ nữ trong văn chương Việt Nam đã được các nhà văn khắc họa bằng những sáng tạo mới mẻ và sâu sắc như thế. Từ văn chương, chúng ta sẽ thấy được sự kế thừa, gìn giữ và phát triển những đức tính tuyệt vời, vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách của người phụ nữ Việt từ xưa đến nay...

Bài, ảnh: VŨ YẾN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:49, 09/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.