Truyện ngắn: Những bước chân xa

10:01, 27/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bao giờ cũng vậy, trước những chuyến đi xa trong cuộc đời, tôi đều thấy lòng mình bồi hồi xúc động. Đó là cái đêm háo hức trước ngày khai trường đầu tiên, cái đêm trước ngày tôi theo mẹ ra chợ tỉnh thăm dì - chuyến đi xa nhất thời thơ bé của tôi, rồi cái đêm trước khi tôi lên thành phố học đại học... Còn bây giờ là cái đêm trước ngày tôi rời xa mái nhà mình đã sống bao nhiêu năm tháng, có biết bao kỷ niệm đẹp, ấm áp, thanh bình. Những chuyến trở về với mẹ càng vui vẻ, hồ hởi thì những cuộc rời quê càng buồn tủi, xót xa.
 
Tôi ngồi với mẹ trên bộ vạc tre đã cũ mà tuổi của nó cũng xấp xỉ tuổi của tôi, mỗi khi di chuyển hay đập muỗi lại kêu cót két. Đêm nay trăng sáng. Biết là chỉ có mỗi một vầng trăng trên thế gian này thôi, nhưng trăng được ngắm nhìn từ quê nhà lại tròn đầy, sáng rực và êm ả hơn vầng trăng được ngắm nhìn từ thành phố. Chắc tại trong lòng tôi, quê hương chiếm giữ một vị trí vô cùng đặc biệt, nó khiến tôi thấy lòng bình yên mỗi khi trở về và lại đau đáu nhớ thương mỗi khi cất bước ra đi.
 
Cầm bàn tay gầy guộc của mẹ, tôi nói:
 
- Hay là mẹ lên thành phố sống với con để con tiện chăm sóc mẹ. Để mẹ một mình ở quê, con không yên tâm.
 
Mẹ nhìn tôi cười hiền. Nét cười ấy mẹ tôi vẫn giữ qua bao nhiêu năm tháng, mặc cho dòng đời đổi thay:
 
- Mẹ sống ở đây quen rồi, lên thành phố cái gì cũng lạ, mẹ không quen.
 
Mẹ tôi nói vậy, nhưng tôi biết mẹ không lên thành phố còn vì lý do khác nữa. Đó là vì mẹ tôi không muốn xa mảnh đất quê hương, xa căn nhà tuy đã cũ kỹ nhưng chứa đầy kỷ niệm đẹp từ thuở tóc mẹ còn xanh, vì căn nhà có những ký ức thiêng liêng về ba tôi.
 
Đôi lần tôi tự hỏi lòng rằng, phải chăng mẹ tôi đang sống vì những ký ức thật đẹp - những dấu ấn đã qua không bao giờ trở lại nhưng mẹ cứ nhớ hoài, gìn giữ như là lẽ sống. Tôi ngồi nhổ tóc bạc cho mẹ. Mẹ nói: “Ai già mà tóc chẳng bạc hả con? Nhổ làm gì, rồi tóc cũng bạc”. Hôm trước Tết tôi đòi dẫn mẹ đi nhuộm tóc, mẹ lắc đầu. Mẹ chấp nhận sự già nua của chính mình, chấp nhận cho thời gian trôi qua mái tóc để lại biết bao nhiêu sợi bạc vô tình, nhưng không bao giờ bằng lòng để thời gian rửa trôi tất cả những kỷ niệm đẹp về ba tôi, về thời son trẻ.
 
*
 
Về quê, tôi được sống lại những ngày mình còn nhỏ. Kể từ ngày thu xếp công việc ở thành phố để về chơi với mẹ ít ngày, tôi thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng, bao muộn phiền bỗng chốc tan biến. Cảnh quê bình dị xoa dịu tâm hồn tôi. Từng hình ảnh thân quen mà tôi đã trông thấy từ lúc thuở bé như con sông uốn khúc giữa màu nâu trầm của đất, những cánh cò trắng rập rờn bay, những nông dân sớm tinh mơ lại lùa trâu ra đồng mang theo bao ước mơ, khát vọng về vụ mùa bội thu... khiến tim tôi rộn rã.
 
Mẹ nấu cho tôi những món ăn quê. “Ở thành phố lâu ngày, ăn toàn cao lương mỹ vị, về đây mẹ cho ăn món quê dân dã cho biết” - Mẹ đùa. Tôi vừa lột bông súng vừa cười giòn tan. Thật ra món quê chính là nỗi thèm thuồng khó tả của tôi những ngày ở phố xá chộn rộn đông đúc. Những bữa ăn vội vã trong cửa hàng, những món ăn đặt nhanh chỉ đủ khiến tôi no tạm thời chứ chẳng để lại bất kỳ dư vị nào cả. Tôi lại thấy thèm món quê, muốn ăn cơm mẹ nấu. Tôi sực nhớ ra rằng cũng đã lâu lắm rồi mình không được một bữa cơm gia đình trọn vẹn...
 
Mẹ dọn cơm, hai mẹ con, ba cái bát. Một bát cúng ba. Hai mẹ con ngồi cạnh nhau. Tôi gắp thức ăn cho mẹ. Mẹ gắp bỏ vào bát tôi khúc cá to:
 
- Ăn đi con, ở thành phố làm gì có cá lóc đồng ngọt thịt. Con ăn cơm với mẹ, mẹ mừng quá. Con đi, mẹ ăn một mình, buồn lắm!
 
Nghe mẹ nói, nước mắt của tôi tự dưng trào ra. “Khói bếp cay mắt quá” - Tôi biện minh. Mẹ gắp khúc cá khác đặt trên bát cơm trắng của ba tôi. Ba mất từ lâu, lúc tôi còn bé. Từ ấy đến nay, bàn thờ ba tôi lúc nào cũng bàng bạc khói hương. Trong bữa cơm bao giờ cũng có cái bát riêng dành cho ba tôi. Mẹ vẫn giữ những thói quen như thể ba vẫn còn ở đâu đó bên cạnh mẹ, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ mà ấm áp này.
 
Tôi đi học đại học ở xa, rồi khi tốt nghiệp, tôi đã chọn thành phố làm nơi phát triển bản thân, thực hiện những giấc mơ mà mình ấp ủ. Mẹ ủng hộ quyết định của tôi. Ngày tôi chuẩn bị đi thành phố, mẹ nói với tôi: “Đi đi con, đừng lo cho mẹ! Hãy bước đi mạnh mẽ vì mình chỉ sống có một lần trên đời”. Tôi nghe theo lời mẹ. Chưa bao giờ tôi để mẹ thất vọng về mình. Tôi xin được việc làm, có nhà cửa ổn định ở thành phố. Mỗi lần mẹ lên thành phố, mẹ ở lại chơi với tôi được ít hôm rồi về. Tôi năn nỉ mẹ ở lại. Mẹ vẫn một mực về quê:
 
- Về còn lo hương khói cho ba con. Mẹ đi ổng buồn! Con Hồng gọi điện lên nói cây mận chín đã rụng đầy gốc.
 
Tôi làm bộ giận, nói mẹ đau đáu cây mận, đau đáu mảnh đất quê hương hơn tôi. Mẹ cười xoa đầu tôi, lau đôi mắt ngấn nước của tôi. Đối với mẹ, đất quê thiêng liêng lắm! Cái cây mận, cái nhà dột mỗi khi trời mưa, cái bờ ruộng nứt toác mỗi khi nắng hạn, cành cây ngọn cỏ trong vườn... đều trở thành nỗi nhớ, thành một phần tâm hồn của mẹ. Bởi mẹ đã gắn bó cuộc đời mình với quê, với ruộng đồng nên mẹ không thể nào lên thành phố sống cùng tôi được. Ngày ấy, khi đi xa, tôi tự hứa với lòng khi kinh tế ổn định sẽ đón mẹ lên thành phố sống cuộc sống sung túc đủ đầy. Thuở khăn gói chập chững thoát khỏi vùng nông thôn nước mặn đồng chua lên xứ hoa lệ, đông đúc, sang giàu, tôi ước ao có được căn nhà nho nhỏ làm chỗ sớm đi tối về chứ không phải ở nhà trọ, tới hạn lại nơm nớp lo chuyện tiền nong. Cho đến khi tôi đã có được nhà ở thành phố, có công việc ổn định, thừa sức để nuôi mẹ tôi trọn đời thì tóc mẹ đã bạc phơ. Thời gian khiến lưng mẹ ngày thêm còng xuống. Tôi năn nỉ cỡ nào mẹ cũng không chịu lên ở luôn với tôi, ở ít hôm thì mẹ còn chấp nhận. Một buổi chiều nọ tôi thấy mẹ  ngồi ở ban công nhìn xuống đường thưa người sau một cơn mưa, nước mắt mẹ ướt nhòe, tôi hốt hoảng hỏi:
-
 Trời ơi! Mẹ làm sao vậy?
 
Mẹ bảo:
 
- Mẹ nhớ quê quá con ơi! Mẹ nhớ nhà cũ, nhớ vườn xưa, nhớ cánh đồng... Tôi ôm mẹ, nước mắt nhạt nhòa. Hóa ra những đủ đầy về vật chất không thể nào làm dịu lòng mẹ tôi được. Ở cái tuổi xế chiều, điều mà mẹ tôi cần chính là sống trong yên bình ở nơi thôn dã, bên những thứ tuy bé nhỏ nhưng đủ sức gợi những kỷ niệm dìu dặt lòng người, để mẹ tôi nhớ rằng mẹ đã từng đi qua những năm tháng gian khổ mà hạnh phúc cùng ba, cùng tôi. Những ký ức đó, dẫu năm tháng trôi qua, dẫu bụi đời phủ mờ mọi thứ... vẫn lung linh trong lòng mẹ.
 
Tôi đưa mẹ về quê cũ. Mẹ sờ nắn từng vết sẹo trên cột nhà. Mẹ thắp hương cho ba... Về quê, tôi thấy mẹ thật sự hạnh phúc. Nụ cười mới thực sự tươi rói trên khuôn mặt còn nhiều nét tảo tần của mẹ.
 
*
 
Tôi lại đi, như những chuyến đi khác mà tôi đã từng, và sẽ còn đi tiếp. Những bước chân xa đưa tôi rời khỏi mái nhà thân yêu, xa làng cũ, xa lũy tre xanh, xa hình bóng mẹ đang như ngọn đèn trước gió. Và rồi chính những bước chân ấy lại đưa tôi trở lại mảnh đất dung dị, hiền lành này vào một ngày không xa, khi trái tim tôi thổn thức. Tôi biết rằng, dù mình có đi đâu chăng nữa, dù ngoài kia có bao nhiêu niềm vui, có thành công, có hào nhoáng thế nào đi nữa thì chẳng thể bằng những bình yên, an trú chốn quê nhà. Bởi ở đây tôi có người mẹ hiền đêm ngày thao thức trong ngôi nhà chứa đầy ký ức đợi tôi về. Bởi ở đây có những điều giản đơn mà thiêng liêng, không có gì thay thế được.
 
- Mẹ vào đi. Trời trở gió. Con đi! Đầu mùa mưa con lại về với mẹ - Tôi vịn vai mẹ nói, cố gượng cười nhưng vẫn không thể che giấu được đôi mắt đỏ hoe, cay cay.
 
Mẹ vẫy tay về phía tôi.
 
Đường làng cong cong. Bụi tre xanh một sớm tinh sương đã giấu hình bóng tôi, âm thầm nói lời chào tạm biệt. Biết rằng rồi sẽ có một ngày cánh chim di ấy sẽ rời xa mãi mãi, nhưng tôi vẫn mong rằng những cuộc trở về trong tương lai vẫn sẽ có bóng dáng mẹ chờ tôi. Trong thâm tâm tôi, mẹ và quê hương là một, là điều tuyệt vời, là lẽ sống của tôi!
 
HOÀNG KHÁNH DUY
 

.