Màu áo lính thân thương

08:07, 27/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày tháng bảy, tôi thường cùng ông  ngồi trước hiên nhà. Ông với tay vặn to volume những ca khúc cách mạng hào hùng từ chiếc radio nhỏ của ông. Màu nắng vàng như chan hòa cùng sắc đỏ lá cờ Tổ quốc tung bay. Những khúc ca hào hùng khơi dậy niềm tự hào vọng về gắn với những chiến công một thời máu lửa...
TIN LIÊN QUAN

Và tiếng ông tôi trầm lắng kể lại những chiến tích vào sinh ra tử của ông cùng đồng đội mình. Tôi như lạc vào từng trang sử sống động mà người viết chính là ông tôi. Dường như đã đợi từ lâu, ông tôi lại cẩn thận trải ra tấm áo lính thân thương của một thời trận mạc, nâng niu từng tấm huân chương, khóe mắt nhăn nheo rưng rưng xúc động...
Ngày hòa bình lập lại, ông tôi trở về cùng chiếc ba lô đơn sơ của người lính. Chiếc mũ tai bèo sờn vành, chiếc võng bộ đội nhuốm màu bụi đất chiến trường, bi đông nước bạc màu, chiếc hộp thiếc đựng những lá thư gửi từ hậu phương đọc nhiều đến mức đã cũ sờn... Và không thể thiếu chiếc áo lính đã cùng ông băng rừng vượt suối, đội nắng dầm mưa, vượt qua bao hiểm nguy cùng đồng đội.

Chiếc áo lính là kỷ vật của những năm tháng anh hùng ấy. Theo thời gian, chiếc áo ấy đã phai màu. Có những vết nhựa cây còn vương trên tay áo. Vài chiếc cúc cũ sờn mòn. Lưng áo ngả màu nâu sẫm chất chứa bao thăng trầm... Tất cả là dấu tích của một thời binh lửa.

Chiếc áo đúng như tưởng tượng của tôi khi nghe bài hát “Màu áo chú bộ đội, mới trông là màu xanh. Như màu lá trên cành, trộn màu xanh rêu đá. Màu áo chú bộ đội, đi trên đường cát bụi. Lại ánh sắc màu vàng, có màu đỏ đất núi. Xen nâu đất đường làng…” (Màu áo chú bộ đội – Nguyễn Văn Tý). Chiếc áo lưu giữ thời gian, lưu giữ tuổi đôi mươi dạt dào sức trẻ, cùng bao hồi ức in đậm trong tiềm thức của ông tôi. Đó là những niềm vui, nỗi buồn, cùng mồ hôi, nước mắt, cả những giọt máu mà ông đã đổ xuống vì quê hương, đất nước thân yêu.

Trong những ngày lễ trọng đại của đất nước ông thường mặc lại bộ quân phục một thời. Năm nào cũng vậy, cứ đúng dịp 27.7 dù có bận bịu đến mấy, cậu tôi cũng tranh thủ về sớm để đưa ông đến nghĩa trang liệt sĩ. Từ tốn cắm từng nén hương lên phần mộ đồng đội, trong khói hương nghi ngút ông lẩm nhẩm như trò chuyện, “Các ông còn nhớ không? Tấm áo này, chúng ta cùng nhau mặc!...”

Đi trong những ngày tháng bảy, tôi càng thấy biết ơn dân tộc mình, biết ơn màu áo lính của ông, biết ơn chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, biết ơn từng cánh rừng, dòng sông đã đùm bọc quân dân ta một thời đạn bom khốc liệt. Dòng máu anh hùng đổ xuống vì non sông gấm vóc đã thành bất tử. Bao chiến công, rạng ngời mãi khắc ghi trong tim của những người ở lại, của thế hệ mai sau.
LI LAM
 

 


.