Đồng vọng yêu thương

08:02, 06/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dân tộc Việt Nam ta từ nghìn đời nay đã có tinh thần đoàn kết, lòng bác ái bao dung nghĩa tình, sẻ chia bắt đầu từ cái nghĩa “đồng bào” cùng chung bọc trứng của mẹ Âu Cơ, cùng nòi giống “con Lạc, cháu Hồng”. Những câu ca dao đã đúc kết chắt lọc trải qua bao biến đổi khắc nghiệt của thiên nhiên, của chiến tranh, của dịch bệnh vẫn vẹn nguyên minh triết Việt và cốt lõi của văn hóa Việt, nâng lên thành đạo đức, cung cách ứng xử, lối sống của người Việt. 
 
Đó là sự thấm thía nghĩa tình rất hay: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Chữ “thương” chứa đầy đủ trọn vẹn cung bậc sâu thẳm da diết và ân tình biết bao. Thương vừa cho, vừa nhận với bao đồng cảm sẻ chia: “Lá lành đùm lá rách/ Lá rách ít đùm lá rách nhiều” đó là sự đắp bồi phù sa của lòng nhân ái. Đó là ứng xử uyển chuyển trong văn hóa giao tiếp để nhân lên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh nội lực từ mạch nguồn yêu thương đồng vọng. Đất nước ta có nhà thơ ví: “Đất nước dáng như nàng tiên múa/ Lại hóa thành ngọn lửa lúc cuồng phong”, một đất nước mang dáng con đê trên bán đảo, lưng  tựa dãy Trường Sơn vững chãi, hướng ra Biển Đông mênh mông sóng lớn đã đối chọi bao cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc, bao trận bão lụt của thiên nhiên và gần đây nhất là đại dịch Covid-19...
 
Tết là thời điểm giao hòa của thiên nhiên với con người, giữa con người với con người, giữa cá nhân với gia đình, gia đình với cộng đồng xã hội. Tết bao giờ cũng mong ước để được đoàn viên sum vầy, sum họp. Đại dịch Covid-19 buộc chúng ta phải giãn cách xã hội, thậm chí có những trường hợp “cách ly”; và luôn thực hiện biện pháp 5K triệt để trong đó khẩu trang như một lá chắn mềm giản đơn mà vô cùng hữu hiệu. Nhưng cách ly không thể cách lòng, càng giãn cách thì lòng người, tình thân ái sẽ càng gần nhau hơn bao giờ hết. Đoàn kết và sẻ chia là hai yếu tố sức mạnh để gắn kết mọi người với nhau. Sức sáng tạo của người Việt Nam trong đại dịch để giúp đỡ, tương trợ cùng vượt khó khăn như “ATM gạo”; “cửa hàng 0 đồng”; “phiên chợ 0 đồng”, “túi an sinh”, ”bếp yêu thương” và lớn hơn là “Quỹ vắc xin” đã minh chứng cụ thể cho việc phát huy động lực nội sinh trong cộng đồng, giá trị nhân văn truyền thống văn hóa, bản lĩnh trí tuệ của người Việt Nam trước những khó khăn, thử thách do dịch bệnh. Những tháng ngày căng mình chống dịch với bao sắc áo: “Những thiên thần áo trắng” của ngành y, những “siêu nhân áo xanh, áo vàng” của bộ đội, công an.
 
Còn có bao tình nguyện viên, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực với nhiều phương thức chống dịch. Tất cả điều đó đều khởi đầu từ nguồn mạch sẻ chia thật cao cả mà rất gần gũi, ấm áp đời thường. Hai tiếng sẻ chia chứa bao đạo lý. Bởi trong sẻ chia ta mới thấy, mới thấm hơn cái nghĩa cử “một miếng khi đói bằng một gói khi no” có khi đó là những sản vật nông nghiệp đơn sơ, mộc mạc, chắt chiu, chắt lọc chăm bẵm thường ngày để đến được với những hoàn cảnh khó khăn qua bao khoảng cách, giãn cách. 
 
Rau và quả ở đây được nâng niu chứa đựng bao hạt nghĩa, hạt tình vun xới nẩy mầm yêu thương. Sẻ chia không chỉ vật chất đơn thuần, mà có khi là ánh mắt truyền niềm tin cậy của người thầy thuốc của người thân đến với người bệnh tất cả dào dạt lên những bước sóng yêu thương, những tần số truyền cảm cùng giao hòa đồng điệu. Sẻ chia bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Ai mà có thể yên lòng, cầm lòng được tiếng khóc của những đứa trẻ mồ côi bố mẹ vì đại dịch Covid- 19. Và bao bàn tay, vòng tay nhân ái đón nhận yêu thương và ấp iu vỗ về.
 
Các em sẽ được lớn lên trong tình cảm sẻ chia như thế, dòng sữa mới nuôi các em từ “bầu vú sữa” của mạch nguồn truyền thống đạo lý nghìn đời của dân tộc Việt. Chúng ta sẻ chia cho nhau niềm yêu thương, sự cảm thông nỗi lo lắng và tri thức hiểu biết vì dịch bệnh. Chúng ta ủng hộ lan tỏa điều tốt ngoài các vắc xin chống dịch còn có vắc xin liên kết trong cộng đồng là “vắc xin ý thức”. Đôi lúc chúng ta với một động thái nhỏ thường trực khi có dịch bệnh trên địa bàn phải “ở chỗ nào ở yên chỗ ấy” cũng có thể là biểu hiện của chung tay, của đoàn kết, của thái độ dũng cảm, hành động văn minh, ý thức trách nhiệm. 
 
Ở đây không phải là sự “chia rẽ” mà chính là sự “chia sẻ”. Sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau thể hiện rõ nét khi đất nước phải đối diện khó khăn. Chúng ta đã trải qua những ngày gian khó sau Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã có chủ trương thực hiện “hũ gạo cứu đói” và Người đã tự nguyện thực hiện để góp gạo cho người dân. Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, quân dân đã đồng cam cộng khổ “củ sắn chia đôi, bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Những ngày chống Mỹ ác liệt, những người lính ra trận mang theo bao tình cảm sẻ chia của hậu phương: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/ Mừng thì mừng thương mẹ biết bao nhiêu” trong thơ thi sĩ người lính Hữu Thỉnh. Và đặc biệt, trong những ngày đại dịch Covid -19 này, chúng ta đón một cái Tết sẻ chia thật bình an đến với mọi nhà, mọi người cùng chung một đồng vọng yêu thương...
 
Tùy bút NGUYỄN NGỌC PHÚ
 

.