Truyện ngắn: Chim bay về núi

08:29, 01/03/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)-Tiếng rền vang át cả tiếng chuông báo giờ ăn. Bên ngoài, sấm chớp giật liên hồi, mưa ào ào xối xả, thể như ông trời đang trút cơn thịnh nộ. Gió tạt điên cuồng qua các lối đi. Một tiếng sét đinh tai khiến ai đó hét lên hoảng hốt. Những bước chân hối hả tiến tới khu nhà ăn.

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Khu công nghiệp chìm trong màn mưa tối tăm. Dải sáng chói lói từ những cơn dông sét khiến mọi người rùng mình. Một công nhân nam trêu Nhiên:
 - Tối nay có Thiên lôi dẫn về, hết kêu đường vắng, hỉ!
Chị gái ngồi trước mặt cười hả hả:
- Còn được chụp hình “phờ ri” kiểu sấm sét.
Nhiên nguýt dài:
- Ai dám chơi với Thiên lôi chứ! Đang lo muốn chết đây còn cười.
- Thì kiếm thằng nào dẫn về, kén cá chọn canh cho cố. 

Nhiên mỉm cười mà ruột như thắt lại. Mấy cuộc gọi mẹ đều không bắt máy. Mưa to gió lớn thế này, mẹ có ra đập tôm như mọi khi không? Bình thường tầm này mẹ đang còn nhẩn nha ngoài đập, cho tôm ăn, kiểm tra nước, rồi đi quanh bờ coi coi ngó ngó. Có hôm mẹ ngủ lại luôn ngoài đập, nhất là gần ngày thu hoạch, tôm dày đan dưới hồ, phải trực sục khí liên tục.

Ba bỏ đi biệt xứ để lại đống nợ mẹ gánh còng lưng. Nhiên ức, bảo mẹ ly dị quách cho rồi, chưa thấy người đàn ông nào như ba. Mẹ chậc lưỡi, cái số mẹ nó vậy, chắc nợ ổng kiếp trước. Nhiên dỗi, chẳng lẽ cứ gây họa cho người khác gánh rồi bảo cái số phải vậy. “Cái số” nào mà ngang ngược quá! Nhiên không chấp nhận được người cha vô trách nhiệm của mình, càng không chấp nhận cái nhu nhược cam chịu của mẹ. Thấy mẹ gom tiền trả nợ cho ba, Nhiên tức cành hông, mặc kệ mẹ với mớ đạo lý quả nghiệp.

Tiếng điện thoại reo vang cắt ngang dòng suy nghĩ, nhưng không phải mẹ, một thoáng hẫng hụt trên khuôn mặt Nhiên. Dãy số lạ hoắc reo đến lần thứ hai Nhiên mới gạt được nút nhận. Đầu dây bên kia đòi gặp chị Huyền, nhân viên Nhiên quản lý. Sau chưa đầy hai phút, chị Huyền mặt tái xanh, tay run run trả điện thoại, giọng méo mó xin về gấp, nhà có việc.

***

Con đường nhão nhoét bùn đất, từng vết xe trượt dài, hình như ai đó vừa loạng choạng qua đây. Nhiên chợt chạnh lòng, đoạn đường chông chênh này anh ấy nỡ đi trước một mình, bỏ lại chị Huyền cùng các con thơ nheo nhóc.

Khoảng đất trống bên ngôi nhà ngổn ngang xe cộ cùng những thứ phục vụ tang lễ. Ông Công với đôi mắt xếch dữ dằn cùng bộ râu dài chạm ngực, bộ trang phục sặc sỡ nổi bật giữa đám đông. Con bé nhỏ nhất của chị Huyền trông thấy bộ dạng đó, nó khóc thét rồi gọi ba ơi liên hồi. Mắt ai cũng đỏ hoe. Nước mưa, nước mắt hòa chung. Chuyến đi này đột ngột quá, chưa ai sẵn sàng cho một cuộc chia tay.

Từng dòng người lặng lẽ bước trong màn mưa trắng xóa. Đám tang diễn ra trong nỗi đau khôn cùng. Nhìn ánh mắt thất thần của chị Huyền, bọn trẻ ngơ ngác trong bộ khăn xô, căn nhà tuềnh toàng toang hoác gió... Cổ họng Nhiên mặn đắng.

Trận dông chiều qua, chồng chị Huyền đang ở chòi canh đập tôm, bất ngờ bị một luồng sét đánh trúng. Sau giây phút định mệnh, các con mất cha, chị mất chồng, và ba mẹ anh mất đi một người con vĩnh viễn. Nỗi đau đến quá bất ngờ, anh chị còn quá trẻ, các con thơ dại. Không khí tang tóc bao trùm cả một làng quê nghèo.

Chị Huyền trở lại làm việc sau những ngày chịu tang với bộ dạng mệt mỏi, ảm đạm. Chị lẳng lặng như chiếc bóng, mặt hốc hác, mắt trũng sâu, những thao tác nặng nề. Trước mắt là một quãng dài chông chênh.

Đêm Chu Lai, khu công nghiệp chìm trong im lặng. Bốn mươi lăm phút ăn khuya và nghỉ giữa ca. Những đôi chân lê từng bước nặng nề chợt như được tuồng cho luồng sức mạnh sau hồi chuông quen. Họ tranh thủ ăn uống rồi vào tìm một chỗ ngả lưng. Những thùng giấy các tông được sắp kín các dãy hiên, những chiếc túi đựng rác chưa qua sử dụng khét lẹt mùi nhựa tái chế, những miếng xốp vụn được bó băng keo cẩn thận dùng làm gối. Họ chen chúc nhau trong mớ hỗn độn đó, mắt nhắm nghiền, hơi thở nhọc nhằn gãy khúc theo tiếng lạch bạch phát ra từ chiếc máy bên hông nhà xưởng.

Ánh trăng khuyết vành treo lơ lửng nơi trời đêm đen kịt. Phía xa là vài chùm sao lấp lánh. Có một ngôi sao xa lẻ loi nhưng rực sáng. Nhiên mải mê nghĩ, cốc cà phê nguội ngắt trên tay từ khi nào. Cột khói cuồn cuộn của nhà máy bên cạnh như thể muốn phi tang những hành vi mờ ám vào vũ trụ bao la. Nhiên thở dài rồi nhấp ngụm cà phê đắng, lại một đêm trắng trôi qua trong trăn trở. Nhiên nghĩ về Huyền, chị nhân viên bất hạnh của mình nhiều hơn. Ba mươi tuổi, góa chồng và ba đứa con thơ.

Nơi Nhiên làm việc là công ty con một tập đoàn đa quốc gia, mọi chính sách, nội quy đều tuân thủ nghiêm ngặt theo luật hiện hành. Sau hai giờ làm việc liên tục, mọi người được nghỉ giải lao mười phút theo tiếng chuông báo quen thuộc. Bằng những cách khác nhau, kẻ tranh thủ ra căng tin uống nước, người thì nằm dài trên các dãy ghế dọc lối đi. Đám công nhân nữ tám chuyện inh tai, những tiếng cười cất lên. Những chiếc ghế rung lắc theo nhịp độ rộn ràng của mấy trận cười. Vài lời càu nhàu mắng mỏ cách ăn nói thô thiển, lại thêm một trận cười phụ họa. Nhóm mẹ bầu tranh thủ truyền tai nhau cách nuôi dạy con và chế độ ăn uống trong thai kỳ. Ngoài phòng dành cho các mẹ bỉm, tiếng máy hút sữa, tiếng điện thoại gọi về nhà hỏi han con, cả tiếng đóng mở tủ lạnh cất sữa để lát nữa người nhà tới lấy đều rất nhẹ nhàng. Máy điều hòa chạy êm êm, có mẹ còn tranh thủ chợp mắt mươi phút hiếm hoi.

Ngoài căng tin, chiếc thùng rác to đùng loáng cái đã đầy kín bởi chai nước hộp sữa và các loại rác lỉnh kỉnh. Những đôi chân thoăn thoắt bước vội vào xưởng theo tiếng chuông báo. Chị tạp vụ với khẩu trang bịt kín, một đôi găng dài, vần chiếc thùng rác ra nhặt nhạnh từng thứ cho vào các túi ni lông. Chị mồ hôi nhễ nhại, mớ tóc bết lấy khuôn mặt.

***

Cuộc họp thường kỳ diễn ra rôm rả. Sau những báo cáo cùng kế hoạch cho quá trình sản xuất sắp tới, một vài định hướng được sếp nêu lên. Mọi người lần lượt đề xuất ý kiến cá nhân. Tới lượt mình, bên cạnh chuyên môn, Nhiên đề xuất thêm việc phân loại rác ngay từ khâu đầu tiên, cho dán nhãn nhận dạng đối với các thùng rác tái chế hoặc thông thường để mọi người dễ dàng nhận biết và bỏ đúng nơi quy định. Việc này sẽ giảm thiểu thời gian cho tạp vụ, tăng nguồn rác tái sử dụng, đồng thời có thêm nguồn thu lớn từ việc bán rác tái chế. Cả phòng sau một hồi dài im lặng lắng nghe liền rào rào vỗ tay tán thưởng.

Từ mẹ mình, Nhiên thấm nỗi vất vả của chị Huyền hơn ai hết. Sau tang lễ, một vài hội từ thiện đã tới giúp đỡ. Cũng may, cuộc đời này vẫn còn những điều đẹp đẽ xoa dịu trái tim. Nhưng đường dài thế này, làm sao tránh khỏi chông chênh cho bốn mẹ con chị. Lo nhất là đường học của bọn trẻ dễ đi vào ngõ cụt.

Nhiên ngồi bần thần nhìn ngọn gió lùa đám lá non xanh, nơi ríu rít tiếng chim sâu và màu hoa hoàng hậu lúc nào cũng tím cả một khoảnh sân rộng. Khóm tường vi dặt dìu trong gió những cánh mỏng phớt hồng, đám hoa đậu xanh mướt điểm xuyết những chấm vàng rực rỡ. Nhiên nghĩ đến cuộc gọi của ba sáng nay, ông đang ốm ở một bệnh viện xa lắc nào đó của một tỉnh phía nam, và bất đắc dĩ phải nhờ người gọi cho Nhiên. Ban đầu Nhiên hơi bực, nhưng nghĩ lại, dù sao ông cũng là ba mình, ơn sinh thành cao hơn núi. Bây giờ ông cũng già, chắc hết sức ăn chơi được rồi. Con người thật lạ, lang bạt kỳ hồ, đến lúc tàn hơi cũng muốn tìm về chốn quê nương náu. Nhiên từng phàn nàn, một phần lỗi lầm của ba cũng từ lòng bao dung quá độ của mẹ. Phải chi mẹ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn thì đâu đến nỗi. Mẹ chỉ cười.

Mấy năm nay thi thoảng ba gửi về, khi thùng trái cây, lúc mấy chiếc khăn choàng cổ. Hai mẹ con nhìn nhau, những tưởng ba quên luôn mảnh đất nghèo này. Nhiên thờ ơ với mấy thứ ba gửi. Mẹ không nói gì, mang chia cho hàng xóm người ít trái bưởi, trái xoài, mắt mẹ hấp háy vui. Nhiên lén nhìn mẹ áp mảnh khăn choàng lên má, hai đáy mắt xa xăm, nghe sâu thẳm nơi trái tim mình những nhịp đập cũng xa xăm vậy.

Người già hay sống với kỷ niệm. Mẹ cứ nhắc xưa ba thế này, xưa ba thế nọ... Là mẹ nhắc những ngày thanh xuân đẹp đẽ. Ai cũng có thanh xuân tươi đẹp, chỉ riêng Nhiên cứ cất kỹ lòng mình. Là Nhiên sợ. Là Nhiên ám ảnh. Nỗi ám ảnh của cô bé phải cùng mẹ gồng mình dưới những cơn bão giật, những trận mưa lũ kinh hoàng, những ngày chạy lụt... Nhiên không muốn lặp lại những điều tương tự cho các con mình.
Mọi tủi hờn qua đi được rồi, trái tim mẹ lại bao dung. Người ta vẫn bảo “con chăm cha, không bằng bà chăm ông”. Thôi thì...
Mà cũng lâu lắm rồi Nhiên chưa đi đâu xa quá, phép từ năm ngoái còn chưa dùng. Một chuyến đi, cho mình và những điều còn nằm sâu trong cõi lòng. Cả những chông chênh và một giấc mơ xa ngái, giấc mơ về một mái ấm bình yên.

HỒ LOAN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:29, 01/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.