Truyện ngắn: Người làm thơ xứ Lạc Hạ 

16:12, 17/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sáng nay, trên đường bê tông, từ đầu làng vào xóm, người ta thấy những cây cờ chuối, đủ sắc màu xanh đỏ, kèm biển ghi “Khu du lịch sinh thái vườn đồi Lạc Hạ”. Ở đó, một người đàn ông dong dỏng cao, áo quần tươm tất, đang thả bộ ra đầu xóm, vừa đi vừa lấy lược chải tóc, có vẻ như đang chờ đợi điều gì. Nghe nói, hôm nay có đoàn khách tham quan thì phải. Tiếng lành đồn xa, xóm Lạc Hạ trở thành điểm du lịch sinh thái từ hơn vài năm nay. Điều này nhắc người ta nhớ về xóm trung du này, và con suối nhỏ chảy qua làng hơn mười năm về trước.  

 

MH: VÕ VĂN
MH: VÕ VĂN

Suối luồn lách trong khe núi, qua các chân đồi, những vực đá chênh vênh, về đến đầu làng Lạc Hạ thì dừng lại, bắt buộc phải dừng lại. Suối có bề ngang chưa đầy ba mét. Nước trong vắt. Tự do chảy, có chỗ thong dong, có lúc hối hả. Bỗng một ngày, nó bị dừng lại đột ngột như Tư Chơn đột ngột về làng. Tư Chơn người gốc gác làng này. Lớn lên ở đây, sống ở đây, bỗng anh đùm túm vợ con đi vào thành phố. Anh đi bất ngờ và về cũng bất ngờ. Nghe nói thất bại trong kinh doanh, hay do tính khí thất thường, điều đó chưa rõ. Chỉ biết một ngày, trong bộ cánh rất tây, áo đóng thùng, đầu láng mượt, túi luôn có chiếc lược nhỏ. Cứ đi được vài chục bước, Tư Chơn đứng lại chải đầu. Bỏ lược vào túi, anh ngước nhìn mây, nhìn trời, nhìn về phía đồng xa. Cánh đồng rộng, lưa thưa vài ruộng dưa và cỏ dại. Gió từ cánh đồng thổi mãi qua những đám cỏ mọc hoang úa héo. Tư Chơn bỗng nảy ra ý nghĩ gì đó. Anh vỗ tay đánh bốp, chừng như bắt gặp một tứ thơ mới lạ, một ý tưởng bừng sáng trong anh. Tư Chơn lại chải đầu, lại bước đi.

Người ta biết Tư Chơn lông bông, lông bông trong cả đời sống và phong cách. Thường những gì anh nói ra ít được người ta chú ý, ít ai để tâm. Bởi anh là người từng lên bờ xuống ruộng, là người ưa làm thơ, mà con đường thơ của anh có phần tăm tối. Thơ anh viết gửi đi nhiều báo, trông dài cổ, chẳng thấy báo nào chịu đăng được vài câu. Làm thơ và làm kinh tế là hai thái cực. Sau nhiều lần thất bại trên con đường thơ thăm thẳm, anh quay sang làm một việc thiết thực hơn. Anh nghĩ người làm kinh tế nuôi dưỡng cơ thể bằng thực phẩm. Người làm thơ nuôi dưỡng tâm hồn bằng danh, bằng tiếng. Nhưng sự đời oái ăm, xóm Lạc Hạ biết tiếng Tư Chơn, không phải bằng thơ, mà bằng thứ khác. Người ta biết Tư Chơn có vợ, có con. Theo nhận định của người ngoài cuộc, gia đình anh có phần êm ấm. Thực chất bên trong thì khác. Anh là người đi giữa cơn mơ. Những giấc mơ khiến vợ con anh biết sợ. Và họ đã tìm cách xa lánh anh, như lánh một kiếp nạn. Hồi đó, xóm trung du Lạc Hạ, kinh tế không lấy gì khá giả, nhưng đời sống êm đềm. Tháng ngày đi qua trên nương khoai, rẫy bắp. Họ chắt chiu hạt gạo, lá rau. Họ coi đó là sự mặc định cuộc đời. Tư Chơn thì khác. Anh rót vào tai vợ một viễn cảnh huy hoàng. Một trang trại gà. Một con gà bình quân đẻ mười cái trứng. Một trăm con sẽ có nghìn trứng. Nghìn trứng đem ra chợ cũng thu được lượng tiền kha khá. Cứ lấy tiền đó mua mấy con bò. Chẳng bao lâu, anh có cơ sở chăn nuôi hoành tráng. Nhưng bò ăn cỏ, không ăn được thơ. Thơ không làm cho bò phát triển. Đó là theo lời vợ anh. Và hệ quả nuôi bò bằng thơ khiến đôi bông tai và chiếc nhẫn cưới của vợ không cánh mà bay. Ngán ngẩm sinh ra từ đó. Biết bao ý nghĩ trong đầu, biết bao lo toan, vợ anh thốt lên: “Khi thiếu gạo, người ta đi mượn gạo, không ai mượn thơ để nấu. Anh hãy gỡ bỏ chùm thơ, chùm thẩn trong đầu cho vợ con nó nhờ”. Nhưng máu làm thơ cứ chảy trong khí huyết anh. Nó không ngừng thôi thúc, không ngừng đòi bước ra đối diện với cuộc đời. Có đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng, thậm chí dắt bò ra suối, ý thơ luôn rạo rực trong anh. Chực chờ trong anh, để nhảy ra ngoài. Thơ bay lên cành cây, bay lên đỉnh núi, hay chìm sâu vào giữa đêm khuya, cháy lên ngọn lửa khát khao. Vợ càm ràm, anh nói gọn lỏn một câu:  “Tại cái máu nó hành”. Dẫu sao những gáo nước lạnh từ vợ anh dội sang đã biến lửa ngọn, thành lửa than. Lửa than vẫn cứ âm ỉ ngày đêm. Bỗng một sáng mai thức dậy, anh ôn tồn nói với vợ:
- Tôi sẽ không làm thơ nữa. Tôi sẽ làm một việc, mọi người xóm này sẽ nể. Và em cũng sẽ tự hào về anh. Không mơ mộng nữa. 
Vợ anh nói:
-  Nghe nói tui cũng mừng. Việc gì cũng được, nhưng nuôi gà, nuôi bò thì tui hết vốn. Có đôi bông, chiếc nhẫn, anh cho bay theo gà, theo bò rồi. Làm gì thì anh tự làm, tui không tham gia nữa.
Tư Chơn nói:
- Em đừng có lo. Đây là một việc lớn. Một việc mà xưa nay xóm Lạc Hạ này chưa ai chịu làm.  
Cái người ta chưa chịu làm, là cái đáng sợ. Vợ anh nghĩ vậy. Tư Chơn nghĩ khác, làng này nghèo vì chưa khai thác hết tiềm năng có sẵn, tại sao ta không tận dụng khai thác tiềm năng đó. Lại một ý nghĩ nung nấu trong lòng anh. Anh phải biến ý nghĩ đó thành hiện thực.

Buổi sáng, vẫn chiếc lược trong túi, vẫn áo trong quần, anh đi đến mọi nhà trong xóm. Anh nói:   
- Làng mình nghèo vì canh tác khó khăn, lúa bắp, đậu phụng, thậm chí cây mì cũng khó khăn, lý do đơn giản là không có nước. Trong khi nước dư, nước chảy ngày đêm ngoài suối. Chúng ta đã bỏ phí, tại sao chúng ta không biết ngăn nó lại? Bà con cùng nhau góp sức ngăn nước lại, cho nó vào ruộng. Ruộng có nước tha hồ canh tác.
Có người thắc mắc:
- Làm cách nào để ngăn nước lại được, đã có mấy lần người ta đóng cọc, đan phên ngăn lại nhưng qua một mùa đã hư. Tư Chơn nói:
- Việc đóng cọc, đan phên xưa rồi. Xưa như trái đất - Tư Chơn rút lược chải đầu nói tiếp - Bây giờ chúng ta phải đào móng, đổ trụ xi măng. Trụ có khe ở giữa. Trong khe ta thả ván. Ván ngăn nước lại, chúng ta tha hồ dẫn nước vào ruộng. Nghe cũng lọt tai. Hơn hai chục hộ dân ở xóm Lạc Hạ bán lúa, góp tiền, góp công ngăn nước. Hơn một tháng, công trình hoàn thành. Lễ hạ ván diễn ra bên bờ suối nhỏ. Tư Chơn khăn đóng, áo dài, đốt nhang khấn vái và tự tay hạ miếng ván đầu tiên xuống khe trụ, lúc trời đã nhá nhem. Tại sao thả ván vào lúc nhá nhem mà không thả vào buổi sáng? Xin thưa đó là ý đồ của Tư Chơn. Những tấm ván chắc thả xuống đáy trước, tấm nhẹ hơn để ở trên. Khi nước ngời lên quá, sẽ dễ dàng tháo bớt. Tư Chơn huy động bà con dọn mương, dẫn nước. Những đám ruộng khô nứt nẻ lâu ngày như được hồi sinh. Tư Chơn nghĩ có nước, cây trái phát triển, chim chóc bay về. Xóm Lạc Hạ phủ được màu xanh, đời sống bà con sẽ đổi thay. Đó là ý nghĩ vô cùng tích cực.

Tư Chơn muốn cho bà con Lạc Hạ một sự ngỡ ngàng, sau đêm ngủ, sáng ra thấy ruộng đồng đầy nước. Từ đám ruộng khô, cỏ héo quắt, giờ có thể tỉa bắp, trồng đậu, trồng mì, cấy lúa. Do đó, buổi tiệc rượu bên bờ suối nhỏ diễn ra rất hoành tráng giống như lễ cúng Kỳ Yên. Một con heo đen, cạo lông, quay vàng hườm. Mấy lít rượu đế, nhiêu đó cũng  tạo nên vài cơn say lãng mạn bên bờ suối. Dĩ nhiên Tư Chơn không thể không say trong bữa tiệc ngoài đồng này. Rượu vào lời ra, Tư Chơn ngồi xếp bằng trên lá chuối tươi, chẳng những lời ra mà thơ cũng ra. Thơ rằng: “Ruộng mình đám cạn, đám sâu/ Ruộng không mọc cỏ con trâu ăn gì?/ Từ nay, cỏ mọc xanh rì/ Trâu ăn no cỏ từ khi nước về”.

Mọi người vỗ tay tán thưởng. Mọi người biết Tư Chơn có tài làm thơ. Nhưng thơ không làm cho cỏ tươi, lúa tốt. Thơ để đọc chơi. Nói như vợ Tư Chơn là thơ không nấu được. Tâm hồn người dân quê hiền như cục đất. Họ chân chất bằng những ý nghĩ thiết thực, cụ thể. Họ dư biết thơ sẽ không giúp được gì cho họ trong đời sống hiện tại, nếu ruộng không có nước. Nhưng Tư Chơn đã làm thay đổi ý nghĩ của họ lâu nay. Có người nói, cái anh chàng lông bông ấy coi vậy mà cũng làm nên việc.

Đúng như ý nghĩ Tư Chơn, qua vài mùa canh tác, dân làng thu hoạch nông sản đáng kể. Lúa, mì, bắp, đậu phụng. Bà con có cái ăn, cái để, ai cũng vui ra mặt. Niềm vui chưa bao lâu, đùng một cái, bóng dáng nhà thơ mất hút. Người ta không biết Tư Chơn đi đâu. Nhà cửa, vợ con ở đó, còn Tư Chơn biệt tăm. Có người hỏi:
- Chứ anh Tư đi đâu vậy chị Tư? Sao mấy hôm nay không thấy? Vợ Tư Chơn hắng giọng nói:
- Úi, có trời mới biết ổng đi đâu. Xưa nay tính khí ông thất thường. Nói thiệt tui khổ với ông quá chừng. Bữa đó ngủ dậy không thấy, tưởng ổng ra ngoài vườn, tui chạy ra kêu, nhưng chẳng nghe trả lời. Bỗng thấy ở giữa vườn có một cái lỗ nhỏ. Không biết là ai đào, mà đào để làm gì chứ? Tui định hỏi thăm bà con có thấy ổng đi hướng nào không?
Đấy là chút thông tin, bà con Lạc Hạ nghe vậy, biết vậy. Còn Tư Chơn đi phương trời nào không ai biết.

Bẵng đi thời gian khá lâu. Cũng vào buổi sáng, người ta thấy chiếc xe bán tải vào làng. Tư Chơn hớn hở bước xuống, khệ nệ ôm theo thứ gì đó. Trên xe có một số cây giống, gồm các loại chôm chôm, mãng cầu, xoài, bưởi. Người ta mới vỡ ra, anh chàng nhà thơ này lặng lẽ đào đất mang đi. Anh mang vào khu thực nghiệm giống cây trồng đâu tuốt miền Nam. Và họ đã cho ra kết luận, đất Lạc Hạ phù hợp với giống cây xoài, bưởi, chôm chôm... Lần này anh đã chắc cú. Anh mạnh dạn đem về, khuyến khích bà con ươm trồng với kỹ thuật chăm sóc anh đã dày công học được.

Đấy là câu chuyện của anh chàng làm thơ ở xứ Lạc Hạ của mười mấy năm về trước. Và kết quả hôm nay, xóm trung du này được nhiều người biết đến. Cái tên Tư Chơn cùng được nhiều người biết đến, dĩ nhiên không phải từ những bài thơ.

THOẠI VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:12, 17/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.